Những kỷ lục được xác lập trong vụ án Hà Văn Thắm

Vụ xử Hà Văn Thắm và các đồng phạm đang diễn ra tại TAND Hà Nội đã xác lập những điều chưa từng có trước đây.

Trong số 48 bị cáo bị xét xử về các tội danh "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" thì có 45 bị cáo được tại ngoại. Vụ án có 50 luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo.

Bị cáo Hà Văn Thắm tại tòa. Ảnh: HC

Số người là nhân chứng, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan và đại diện các đơn vị chủ quản được tòa triệu tập lên tới gần 600 người. Đây là con số kỷ lục chưa từng có từ trước tới nay trong các phiên xử án tại TAND Hà Nội. Trong số người bị triệu tập này có bị án Phạm Công Danh- người đã bị kết án cách đây hơn một tháng do những vi phạm pháp luật tại Ngân hàng Xây dựng.

Đặc biệt hơn cả là vì số người tham gia tố tụng quá đông nên TAND TP Hà Nội đã phải bố trí hai phòng xét xử, sử dụng đường truyền trực tiếp. Điều này lần đầu tiên xuất hiện tại TAND Hà Nội.

Diễn biến trong phiên xử ngày hôm nay ngay tại phần thủ tục phiên tòa, một tình tiết bất ngờ đã xảy ra khi bị cáo Nguyễn Thị Minh Phương (42 tuổi) nguyên là Phó Tổng giám đốc Oceanbank bị truy tố tội cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng (theo khoản 3, Điều 165 BLHS) vắng mặt. Lý do bị can này sức khỏe yếu, đang điều trị ung thư (giai đoạn xạ trị) tại Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội.

Trước ý kiến của đại diện Viện kiểm sát, ý kiến của luật sư và thành phần tham gia tố tụng về sự vắng mặt của bị cáo Phương, HĐXX đã hội ý, rồi sau đó công bố quyết định tạm đình chỉ vụ án đối với bị cáo Nguyễn Thị Minh Phương. Quyết định tạm đình chỉ vụ án đối với bị cáo Phương sẽ hết hiệu lực khi lý do tạm đình chỉ không còn.

Theo cáo trạng, dưới chỉ đạo của Hà Văn Thắm, Nguyễn Thị Minh Phương được giao nhiệm vụ trực tiếp theo dõi, chi trả tiền lãi suất ngoài hợp đồng số tiền hơn 263 tỷ đồng cho Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy (Vinashin), Tổng Công ty thăm dò khai thác Dầu khí (PVEP), Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power), Tổng Công ty xây lắp Dầu khí (PVC), Tổng Công ty Bảo hiểm Dầu khí Việt Nam và các công ty thành viên (PVIS), Ban Quản lý Dự án Điện lực Dầu khí Long Phú 1 và Ban Quản lý dự án Điện lực Dầu khí Thái Bình 2.

Trong tổng số tiền hơn 263 tỷ đồng, có hơn 230 tỷ đồng được bị cáo Phương trực tiếp chi trả. Ngoài ra, bị cáo Phương còn liên đới chịu trách nhiệm trong việc phân công, xác nhận để bộ phận khác cho các khách hàng theo danh sách do khối khách hàng lớn và đối tác chiến lược tổng hợp số tiền hơn 85 tỷ đồng chi lãi ngoài hợp đồng.

Dự kiến hoạt động xét xử vụ án này sẽ kéo dài khoảng 20 ngày. Ngày mai, HĐXX tiếp tục làm việc.

Hà Châu

Báo Gia đình và Xã hội cập nhật tin tức trong ngày liên tục, mới nhất

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/phap-luat/nhung-ky-luc-duoc-xac-lap-trong-vu-an-ha-van-tham-2017022718590982.htm