Những 'kỷ lục' buồn

Mới đây, thông qua hệ thống thông tin giám định bảo hiểm y tế (BHYT), cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP Đà Nẵng đã xác định được hơn 10 cá nhân sử dụng thẻ BHYT đi khám bệnh tới hơn 100 lần chỉ trong vòng một năm (năm 2016). Trong đó, "kỷ lục" thuộc về một nam giới với 334 lần khám. Hai tháng đầu năm nay, "kỷ lục gia" này tiếp tục đi khám bệnh 21 lần; trong đó có ngày đi khám tới ba lần tại hai cơ sở khám chữa bệnh khác nhau.

Có lẽ, không chỉ riêng những người làm nghề y, mà bất cứ ai cũng thấy rõ sự vô lý từ việc đi khám bệnh hằng ngày, thậm chí hằng buổi, kể cả với những người mang trong mình nhiều chứng bệnh cùng lúc. Nhìn vào con số hơn 53 triệu đồng mà người này đã nhận sau cả trăm lần khám nêu trên, không thể cho rằng đây là việc làm đúng đắn!

Điều đáng nói, những trường hợp nêu trên lại không phải là cá biệt và cũng không chỉ giới hạn ở một vài địa phương. Thống kê của BHXH Việt Nam cho thấy, trong vòng tám tháng (từ tháng 7-2016 đến tháng 2-2017), trên cả nước có tới hơn 1,2 triệu người sử dụng thẻ BHYT đi khám chữa bệnh từ hai lần trở lên mỗi tháng. Trong số này cũng có đến 12 trường hợp đi khám lấy thuốc hơn 100 lần! Số tiền mà quỹ BHYT chi trả cho các bệnh nhân này cao nhất là gần 74 triệu đồng, thấp nhất là 13,5 triệu đồng. Trong đó, một trường hợp "điển hình" không kém "kỷ lục gia" tại Đà Nẵng là một người tại TP Hồ Chí Minh trong vòng tám tháng đã sử dụng thẻ BHYT đến 308 lần (trung bình 38,5 lần khám mỗi tháng) với tổng số tiền BHYT thanh toán là hơn 51 triệu đồng. Hay một trường hợp khác được cấp thẻ BHYT ở Lâm Đồng nhưng trong vòng ba tháng đã đi khám chữa bệnh hơn 100 lần tại các cơ sở khám chữa bệnh BHYT tại TP Hồ Chí Minh để được cấp hơn 10.000 viên, lọ, chai, vỉ thuốc!

Những con số phi lý nêu trên cho thấy rằng, quỹ BHYT đang bị trục lợi. Hành vi đó gây thiệt hại trực tiếp đến quỹ BHYT - nguồn tài chính được tạo nên từ sự đóng góp của cộng đồng có ý nghĩa rất quan trọng đối với công tác chăm sóc sức khỏe cho chính cộng đồng; ảnh hưởng đến ý nghĩa cộng đồng chia sẻ của chính sách BHYT. Ngoài ra, hành vi này cũng là một nguyên nhân dẫn đến tình trạng quá tải tại các cơ sở khám chữa bệnh; làm lãng phí thời gian, công sức của cán bộ y tế và có thể tước đi cơ hội được khám chữa bệnh kịp thời của những người thật sự đang gặp nguy cơ về sức khỏe…

Việc ngăn chặn những hành vi lạm dụng theo phương thức này là cấp thiết. Bên cạnh tiếp tục đẩy mạnh việc kết nối thông tin giữa các cơ sở khám chữa bệnh và cơ quan BHXH để kịp thời phát hiện, cần phải có chế tài xử lý cụ thể và nghiêm khắc đối với những cá nhân vi phạm pháp luật về BHYT. Các bệnh viện cũng như ngành BHXH có thể áp dụng biện pháp quản lý bằng công nghệ đối với những trường hợp lạm dụng để kịp thời có giải pháp ngăn chặn. Ngoài ra, có thể xem xét công khai những trường hợp cố tình vi phạm.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/item/32756302-nhung-ky-luc-buon.html