Những kinh nghiệm nuôi dạy trẻ tự kỷ

Phụ huynh có con tự kỷ luôn mong muốn con mình có thể sớm hòa nhập với cộng đồng, có thể tự phục vụ bản thân và hơn hết ý thức được những gì có thể nguy hiểm cho mình. Chính vì vậy quá trình phát hiện bệnh rất quan trọng

Dạy trẻ tự kỷ là cả một quá trình. Nguồn : Trung tâm ứng dụng Khoa học tâm lý và Giáo dục cộng đồng Nha Trang.

Nguyên nhân dẫn đến tự kỷ

Về nguyên nhân dẫn đến bệnh tự kỷ, bà Bùi Thị Hậu - nhà điều trị tâm lý của Trung tâm PPRAC (Hà Nội) cho rằng: “Gen cũng là nguyên nhân được người ta xét vào nguyên nhân dẫn đến mắc bệnh tự kỷ. Nhưng thực tế hiện nay thì bệnh tự kỷ là tổ hợp nhiều lý do khác nhau. Chưa có lý do, nguyên nhân nào là cụ thể để chẩn đoán. Cũng có những nguyên nhân do đột biến, sinh học… Ví dụ như người bố cao tuổi mới có con cũng là một lý do dẫn đến khả năng mắc bệnh này cao hơn…”.

Trẻ tự kỷ thường có biểu hiện trước 3 tuổi. Các biểu hiện điển hình như: Chậm nói, hoặc nói lặp đi lặp lại nhiều lần một ngữ cảnh. Với những trường hợp trẻ tự kỷ điển hình thì một số trẻ có thể lặp lại một chương trình quảng cáo hoặc đọc số vanh vách, hoặc có thể đọc được chữ sớm (tầm 1 - 2 tuổi), dẫn đến nhiều người lầm tưởng con mình có khả năng đặc biệt. “Bên cạnh đó, trẻ tự kỷ thường có thêm những hành vi như: Nhìn chằm chằm vào một vật; giơ tay lên trước mặt thích thú; đi với tư thế kiễng gót chân. Mỗi giai đoạn sẽ thích một đồ vật nào đấy và thường bám đồ vật đó không rời. Trong quá trình giao tiếp trẻ không nhìn vào mắt của người khác, lảng tránh” - bà Hậu cho biết.

Một số phương pháp điều trị

Khi trẻ ít có nhu cầu chơi nhóm hay không có nhu cầu chơi với người khác thì mình cần kích thích tương tác giao tiếp mắt. Đặc biệt, cha mẹ, người thân, giáo viên… phải kích thích giao tiếp bằng mắt cho trẻ. “Trẻ tự kỷ thường tránh giao tiếp mắt, chính vì vậy để kích thích trẻ giao tiếp phụ huynh có thể ngồi đối diện với trẻ và giao tiếp ngang với tầm mắt. Không nên ngồi cùng một chiều, cùng chơi hoặc mẹ ôm con ngồi phía trước rồi cùng chơi….” - bà Hậu đưa ra kinh nghiệm.

Ngoài ra, phụ huynh nên kích thích bằng các trò chơi mà trẻ hứng thú. Khi đã thu hút được đứa trẻ thì sẽ chuyển dần những hoạt động vui thích của trẻ, cùng tương tác với trò chơi đó. Không nên đưa những trò, hoạt động mà trẻ không thích vào để ứng dụng vào bài tập.

Có nhiều trường hợp, trẻ sợ một cái gì đó vô cớ và theo mỗi giai đoạn khác nhau dẫn đến đó là nỗi ám ảnh với trẻ. Để giảm sự sợ hãi đó thì phụ huynh có thể ứng dụng nhiều bài tập như: Cùng vẽ ra thứ con sợ, cùng nói chuyện về nỗi sợ đó của con hoặc mô phỏng cùng con. Ban đầu sẽ rất khó khăn nên phụ huynh phải kiên trì. “Những bài tập này cha mẹ nên kết hợp với chuyên gia hoặc người lên kế hoạch trị liệu cho con mình thì hiệu quả sẽ cao hơn”.

Đối với trẻ bình thường chúng có thể tự bắt chước phát âm, tuy nhiên trẻ khiếm khuyết thì khó có thể bắt chước được đặc biệt là trẻ tự kỷ, buộc phải có bài tập đặc biệt như: các kỹ thuật hỗ trợ môi, miệng, cách phát âm, cách lấy hơi… để trẻ có thể phát âm. Khi có những bài tập ban đầu ổn, giáo viên và phụ huynh bắt đầu hướng dẫn trẻ phát âm. Phải chọn những âm đơn và từ đơn giản nhất. Quá trình dạy trẻ nói rất vất vả đòi hỏi phải có tính kiên trì không được nóng vội.

THÙY LINH

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/lao-dong-cuoi-tuan/nhung-kinh-nghiem-nuoi-day-tre-tu-ky-601309.bld