Những khám phá khoa học khó tin năm 2016

Những khám phá, thành tựu và phát minh khoa học luôn được thực hiện. Trong năm qua, đã có rất nhiều bài báo được công bố và bằng sáng chế được nộp cho vô số những cái “mới”

Những khám phá, thành tựu và phát minh khoa học luôn được thực hiện. Trong năm qua, đã có rất nhiều bài báo được công bố và bằng sáng chế được nộp cho vô số những cái “mới”, nhưng đôi khi đi kèm với chúng là những thứ thật sự khó tin. Dưới đây là một số khám phá tuyệt vời của các nhà khoa học trong 6 tháng đầu năm 2016.

1. Đột biến di truyền yếu ớt 800 triệu năm trước dẫn đến sinh vật đa bào

Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, một phân tử cổ đại, GK-PID, là lý do khiến sinh vật đơn bào bắt đầu tiến hóa thành sinh vật đa bào khoảng 800 triệu năm về trước. Phân tử được tìm thấy giống như một loại “móc treo” phân tử có thể kéo các nhiễm sắc thể với nhau để “móc” chúng vào thành trong của màng tế bào khi phân bào xảy ra. Điều này cho phép các tế bào sao chép đúng cách và tránh trở thành ung thư.

Khám phá hấp dẫn này chỉ ra rằng phiên bản cổ đại của GK-PID đã không “cư xử” như hiện nay. Lý do duy nhất khiến nó có khả năng làm việc như một móc treo di truyền là do một đột biến đơn tự sao chép, gợi ý sinh vật đa bào là kết quả của một đột biến duy nhất nhận dạng được.

Phân tử cổ tại được tìm thấy như một loại “móc treo”.

2. Phát hiện hành tinh thứ 9 trong hệ mặt trời

Trước khi phát hiện ra sao Diêm vương vào thế kỷ 20, đã có giả thuyết về một hành tinh thứ chín, hành tinh X, tồn tại bên ngoài sao Hải vương do sự co cụm lực hấp dẫn chỉ có thể được tạo ra bởi một vật thể lớn. Sau đó người ta tin rằng sao Diêm vương chính là hành tinh này, nhưng điều đó không định lượng được đầy đủ các biến dạng của lực hấp dẫn cho đến khi các nhà khoa học tại Viện Công nghệ California đưa ra bằng chứng về sự tồn tại của một hành tinh thứ 9 thực sự với chu kỳ quỹ đạo 15.000 năm.

Các nhà thiên văn công bố phát hiện này đã tính toán rằng: “chỉ có 0,007% hay khoảng 1/15.000 cơ hội sự co cụm này là trùng hợp ngẫu nhiên”. Hiện nay, hành tinh thứ 9 vẫn là giả thuyết, nhưng các nhà thiên văn đã tính toán quỹ đạo của nó là khá lớn. Nếu tồn tại, hành tinh này sẽ có khối lượng gấp khoảng 2-15 lần trái đất.

3. Phương pháp lưu dữ liệu gần như vĩnh viễn

Các nhà khoa học Trường đại học Southampton đã sử dụng thành công thủy tinh cấu trúc nano để tạo ra quy trình ghi và lấy dữ liệu. Thiết bị lưu trữ là một đĩa thủy tinh nhỏ có kích thước bằng đồng đô-la 25 xu có thể lưu trữ 360TB dữ liệu và vẫn nguyên vẹn khi nóng tới 1.000°C. Điều này có nghĩa tuổi thọ trung bình của nó ở nhiệt độ phòng sẽ là khoảng 13,8 tỷ năm (gần bằng thời gian tồn tại của vũ trụ).

Dữ liệu được ghi trên thiết bị sử dụng tia laser siêu nhanh qua các xung ánh sáng ngắn và cường độ mạnh. Mỗi tập tin được viết bằng 3 lớp chấm cấu trúc nano chỉ cách nhau 5 micromet. Khi đọc, dữ liệu sẽ được hiện thực hóa theo 5 chiều: vị trí 3 chiều của các chấm cấu trúc nano cũng như kích thước và chiều hướng của chúng.

4. Thiết bị giúp bệnh nhân liệt tứ chi cử động các ngón tay

Các nhà nghiên cứu tại Đại học bang Ohio đã sáng chế một thiết bị mà khi cấy vào trong não sẽ gửi tín hiệu đến một thiết bị đầu cuối gần đó, truyền thông tin tới băng cuốn điện tử được bệnh nhân đeo trên cánh tay. Băng cuốn sẽ sử dụng các dây dẫn để kích thích những cơ cụ thể khiến ngón tay cử động trong thời gian thực. Bệnh nhân thậm chí còn có thể chơi guitar, gây nhiều ngạc nhiên cho các bác sĩ và các nhà khoa học phụ trách dự án.

Thiết bị điều khiển giúp bệnh nhân liệt tứ chi cử động các ngón tay.

5. Tiêm tế bào gốc giúp bệnh nhân đột quỵ phục hồi khả năng đi lại

Một thử nghiệm lâm sàng được tổ chức tại Trường Y Đại học Stanford đã tiêm tế bào gốc biến đổi của người trực tiếp vào não của một số bệnh nhân đột quỵ mạn tính. Tất cả các thủ thuật đều thành công và không có tác động tiêu cực nào được mô tả, và chỉ có một số trường hợp đau đầu nhẹ do hệ quả của thủ thuật, được thực hiện trên bệnh nhân gây tê nhẹ. Tất cả 18 bệnh nhân đều biểu hiện lành bệnh đáng kể một thời gian dài vượt mọi mốc lành bệnh dự kiến ở người đột quỵ (trong thời gian 6 tháng). Kết quả bao gồm tăng vận động và thực sự cho phép bệnh nhân trước đó phải ngồi xe lăn phục hồi khả năng đi lại.

6. Trái đất có một mặt trăng thứ hai

Các nhà khoa học thuộc NASA đã phát hiện một tiểu hành tinh bị bắt giữ và đang quay với quỹ đạo ổn định xung quanh trái đất, biến nó thành một người bạn đồng hành của trái đất, hay một vệ tinh thứ hai.

Có nhiều vật thể quay quanh hành tinh chúng ta - các trạm vũ trụ, những vệ tinh nhân tạo và vô số rác - nhưng chỉ có một mặt trăng mà chúng ta có thể nhìn thấy. Bây giờ, NASA đã xác nhận sự tồn tại của mặt trăng thứ hai - 2016 HO3.

Quỹ đạo của tiểu hành tinh này rất xa trái đất và chịu ảnh hưởng của lực hấp dẫn từ mặt trời hơn là trái đất, nhưng nó có quỹ đạo theo trái đất cũng như theo quỹ đạo của mặt trời. Đừng quá vui mừng về việc đi bộ trên tiểu hành tinh này vào một ngày nào đó, vì nó nhỏ hơn đáng kể so với mặt trăng với kích thước chiều ngang chỉ từ 40-100m.

BS. Cẩm Tú

((Theo listverse.com))

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/nhung-kham-pha-khoa-hoc-kho-tin-nam-2016-n124552.html