Những kẽ hở trong quản lý phóng viên, cộng tác viên báo chí

Việc 'nở rộ' các 'văn phòng đại diện', phóng viên thường trú của báo ngành, tạp chí và các trang tin điện tử, trong khi sự quản lý chưa chặt chẽ đã dẫn đến những sai phạm trong quá trình tác nghiệp cũng như đăng tải thông tin...Những 'kẻ hở' trong quản lýCần xử lý nghiêmNhóm phóng viên

(Baonghean) - Việc 'nở rộ' các 'văn phòng đại diện', phóng viên thường trú của báo ngành, tạp chí và các trang tin điện tử, trong khi sự quản lý chưa chặt chẽ đã dẫn đến những sai phạm trong quá trình tác nghiệp cũng như đăng tải thông tin...

Những “kẻ hở” trong quản lý

Là 1 trong 4 trung tâm báo chí lớn của cả nước, ngoài 7 cơ quan báo chí địa phương, Nghệ An có 43 cơ quan báo chí Trung ương, ngành đặt văn phòng đại diện và cử phóng viên thường trú… với hàng trăm cộng tác viên hoạt động trên địa bàn tỉnh. Nhiều cơ quan đại diện, phóng viên thường trú hoạt động có hiệu quả, giúp các cơ quan báo chí thông tin khách quan, trung thực, đầy đủ và toàn diện những sự kiện thời sự, chính trị, kinh tế, xã hội của địa phương, có nhiều đóng góp tích cực đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn một số trường hợp hoạt động báo chí theo kiểu “con sâu làm rầu nồi canh” như đã nêu ở kỳ trước. Bởi trên thực tế, việc nắm số lượng phóng viên, cộng tác viên các cơ quan đại diện báo chí Trung ương, ngành đóng trên địa bàn tỉnh rất khó khăn, vì lực lượng này thường xuyên biến động.

Các văn phòng đại diện thường chỉ đăng ký người trưởng đại diện, còn các phóng viên, cộng tác viên thường do trưởng đại diện hợp đồng làm theo “thời vụ”. Có văn phòng đại diện có hàng chục cộng tác viên, được cấp giấy giới thiệu nhưng chủ yếu... để “đi làm quảng cáo”.

Hoặc có cơ quan, tuy không được quyền cấp thẻ nhà báo theo quy định, nhưng đã “lập lờ đánh lận con đen”, cấp thẻ phóng viên có mẫu giống như thẻ nhà báo, như trường hợp Tạp chí Tri thức và phát triển...

Thẻ phóng viên và giấy giới thiệu của Tạp chí Tri thức và Phát triển.

Thẻ phóng viên và giấy giới thiệu của Tạp chí Tri thức và Phát triển.

Để “thị uy” các cơ sở, đơn vị, các phóng viên, cộng tác viên thường được giới thiệu là “phóng viên điều tra”, “đến điều tra sai phạm theo đơn thư bạn đọc”, như trường hợp Tạp chí điện tử Tri Ân cấp giấy giới thiệu “phóng viên điều tra” cho phóng viên P.V.H; Báo Pháp luật Việt Nam điện tử cấp giấy giới thiệu cho các phóng viên đến “xác minh thông tin sai phạm về tài chính, bảo hiểm xã hội xảy ra tại đơn vị trong thời gian dài”...

Giấy giới thiệu của Báo Pháp luật Việt Nam đến 'xác minh thông tin sai phạm về tài chính, bảo hiểm xã hội tại đơn vị trong thời gian dài' ở Bệnh viện phục hồi chức năng Nghệ An. Giấy giới thiệu ghi 3 người nhưng ở phần đề nghị "Quý cơ quan giúp đỡ" lại chỉ ghi 1 người. Có ý kiến cho rằng, giấy giới thiệu gốc chỉ giới thiệu cho 1 người nhưng sau đó đã có "ai đó" tự ý thêm vào 2 người nữa.

Theo Luật Báo chí, “Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về báo chí; Bộ Thông tin và Truyền thông chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về báo chí; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm quản lý nhà nước về báo chí tại địa phương”. Sở TT&TT là cơ quan chuyên môn có chức năng tham mưu, giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước về báo chí trên địa bàn.

Tuy nhiên, trên thực tế, việc quản lý báo chí tại địa phương vẫn còn nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Bá Hảo – Phó Giám đốc Sở TT&TT cho biết: “Hiện nay có tình trạng các văn phòng đại diện tự tuyển cộng tác viên, phóng viên thử việc rồi cấp giấy giới thiệu. Một số sinh viên ra trường xin thử việc, tháng này tập sự cho báo này, tháng sau tập sự cho báo khác, nhưng một số cơ quan báo chí vẫn cấp giấy giới thiệu cho những người này đi tác nghiệp tại các cơ sở. Một số cơ quan báo chí khi thay đổi phóng viên đại diện, theo quy định phải báo trước 5 ngày cho Sở TT&TT, nhưng hầu như ít đơn vị thực hiện. Một số báo đưa thông tin chưa chính xác, Sở TT&TT, UBND tỉnh có ý kiến đề nghị các cơ quan báo chí liên quan phải cải chính nhưng chậm, hoặc thậm chí không thực hiện”.

Bên cạnh đó, Nghệ An có trên 2.000 tên miền, với hàng trăm trang thông tin điện tử có chủ thể đăng ký tên miền trên địa bàn tỉnh nhưng một số lại hoạt động vi phạm các quy định về hoạt động quản lý, cung cấp, sử dụng thông tin trên trang thông tin điện tử xã hội. Một số trang tin điện tử cá nhân có tên miền gây nhầm lẫn với các cơ quan báo chí chính thống. Những trang tin điện tử tổng hợp này còn tự ý sản xuất tin, bài, cử nhân viên đến các địa phương, tổ chức, doanh nghiệp để lấy thông tin viết bài như các cơ quan báo chí, gây nên sự lộn xộn, mất niềm tin của địa phương, cơ sở cũng như bạn đọc.

Mới đây, Sở TT&TT đã đề nghị ngừng hoạt động trang thông tin điện tử tinnghean.net, đây cũng là trang thông tin điện tử trước đây có tên miền tintucnghean.vn và ngheannews.vn bị tạm ngừng hoạt động 45 ngày theo Công văn số 811/VNNIC ngày 21/9/2016 của Trung tâm Internet Việt Nam.

Xảy ra tình trạng trên là do một số “phóng viên” nắm bắt được tâm lý các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thường nể nang hoặc ngại va chạm với báo chí; một số cơ sở, cán bộ có sai sót, “phóng viên” biết được, nên bị “mặc cả”. Bên cạnh đó, nhiều cơ quan báo chí thành lập cơ quan đại diện, cử phóng viên thường trú tại địa phương nhưng không tuân thủ theo Quy định tại Thông tư số 13/2008/TT-BTTTT ngày 31/12/2008 của Bộ TT&TT hướng dẫn việc thành lập và hoạt động của cơ quan đại diện, phóng viên thường trú ở trong nước của các cơ quan báo chí; buông lỏng quản lý, không quan tâm giáo dục đạo đức, tác phong của phóng viên thường trú, cộng tác viên, không có quy chế quản lý, giám sát chặt chẽ... nên dễ nảy sinh tiêu cực, vi phạm pháp luật, gây bức xúc dư luận, ảnh hưởng xấu đến thanh danh, uy tín của các nhà báo chân chính.

Cần xử lý nghiêm

Trước thực trạng trên, ngày 28/9/2016, Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo đã ký Văn bản số 3366/BTTTT-CBC gửi các cơ quan báo chí đề nghị kiểm tra, rà soát và chấn chỉnh việc cấp các loại giấy tờ, thẻ gây nhầm lẫn với thẻ nhà báo.

Văn bản nêu rõ: Trong thời gian qua, xảy ra tình trạng nhiều phóng viên, cộng tác viên của các cơ quan báo chí hoạt động tác nghiệp bằng các loại giấy tờ, thẻ dễ gây nhầm lẫn với thẻ nhà báo. Có không ít trường hợp sử dụng các loại giấy tờ, thẻ này để tiếp xúc doanh nghiệp, mời chào quảng cáo, gây phiền hà cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, ảnh hưởng xấu đến danh dự, uy tín nghề nghiệp của các nhà báo đang hoạt động theo đúng quy định của pháp luật; Yêu cầu các cơ quan báo chí cấp giấy giới thiệu cho phóng viên đi tác nghiệp phải đảm bảo quy định, phải ghi rõ đi làm việc với cơ quan tổ chức nào, nội dung gì và thời gian cụ thể.

Ảnh minh họa

Trong thời gian tới, Bộ TT&TT sẽ phối hợp với Sở TT&TT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan chức năng xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm quy định hoạt động nghề nghiệp, sử dụng thẻ nhà báo.

Ngày 24/10/2016, Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử đã có công văn gửi các Sở TT&TT tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng như các tổ chức, doanh nghiệp thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp, yêu cầu nâng cao hiệu quả hoạt động của các trang này.

Công văn này cũng chỉ rõ: Thời gian qua, một số không nhỏ các trang thông tin điện tử tổng hợp đã có những vi phạm nghiêm trọng như hoạt động chưa đúng quy định tại giấy phép đã được cấp, chưa phù hợp với quy định về trang thông tin điện tử tổng hợp... Yêu cầu tổ chức, doanh nghiệp thực hiện nghiêm việc tổng hợp thông tin theo đúng quy định về nguồn tin tại Nghị định 72: Không được tự ý sản xuất tin, bài như các báo điện tử, tạp chí điện tử.

Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, đặc biệt là các hành vi hoạt động không đúng nội dung trong giấy phép đã được cấp, hành vi lợi dụng trang thông tin điện tử tổng hợp để hoạt động như báo điện tử, tạp chí điện tử, hành vi giả mạo trang thông tin điện tử của các cơ quan báo chí, các tổ chức, cá nhân khác để trục lợi...

Tại Hội nghị giao ban ngày 1/11, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn cũng lưu ý các cơ quan, doanh nghiệp cần chủ động hơn trong việc cung cấp thông tin cho báo chí. Và khi các vụ việc được xử lý, giải quyết cũng phải cung cấp cho các cơ quan báo chí để các báo đăng tải cho người dân được biết nhằm minh bạch thông tin.

Đồng thời, Bộ trưởng cũng yêu cầu Cục Báo chí phối hợp xử lý nghiêm hoạt động vi phạm báo chí, đẩy mạnh rà soát cơ quan báo chí hoạt động không đúng tôn chỉ mục đích để chấn chỉnh.

Để không xảy ra tình trạng trên, các cơ quan, đơn vị cần nâng cao tinh thần cảnh giác, kịp thời phát hiện, tố giác các hành vi lợi dụng danh nghĩa của nhà báo, phóng viên cơ quan báo chí để trục lợi và các sai phạm trong hoạt động của cơ quan đại diện, cơ quan thường trú, phóng viên thường trú của cơ quan báo chí. Nhưng điều quan trọng nhất là Sở TT&TT cần làm tốt vai trò là cơ quan giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước về báo chí trên địa bàn; chủ trì hoặc phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành xử lý nghiêm những hành vi sai phạm trong hoạt động của những người lợi dụng danh nghĩa của nhà báo, phóng viên cơ quan báo chí thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật trên địa bàn.

Quy định về việc đặt văn phòng đại diện, phóng viên thường trú của cơ quan báo chí (trích Điều 22, Luật Báo chí)

+ Điều kiện đặt văn phòng đại diện gồm: Có trụ sở để đặt văn phòng đại diện; Trưởng văn phòng đại diện phải có thẻ nhà báo được cấp tại cơ quan báo chí có văn phòng đại diện và không bị kỷ luật từ hình thức khiển trách trở lên theo quy định của pháp luật về công chức, viên chức và pháp luật về lao động trong thời hạn 01 năm tính đến thời điểm đặt văn phòng đại diện.

+ Phóng viên thường trú hoạt động độc lập phải có thẻ nhà báo được cấp tại cơ quan báo chí cử phóng viên thường trú và không bị kỷ luật từ hình thức khiển trách trở lên theo quy định của pháp luật về công chức, viên chức và pháp luật về lao động trong thời hạn 01 năm tính đến khi cử phóng viên thường trú.

+Phải có hồ sơ về danh sách nhân sự văn phòng đại diện; Sơ yếu lý lịch, bản sao thẻ nhà báo của trưởng văn phòng đại diện; sơ yếu lý lịch của phóng viên thường trú thuộc văn phòng đại diện có xác nhận của cơ quan báo chí hoặc bản sao kèm bản chính để đối chiếu.

+ Hoạt động của văn phòng đại diện, phóng viên thường trú phải phù hợp với tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí; đúng nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm do cơ quan báo chí giao và tuân thủ quy định của pháp luật về báo chí và quy định khác của pháp luật có liên quan...

Nhóm phóng viên

TIN LIÊN QUAN

Nguồn Nghệ An: http://baonghean.vn/xa-hoi/201612/nhung-ke-ho-trong-quan-ly-phong-vien-cong-tac-vien-bao-chi-2760304/