Những hình thức an táng kỳ lạ và quan niệm người chết nhưng linh hồn mãi còn

Coi cuộc đời con người chỉ là khoảng thời gian vô cùng ngắn ngủi – một sát na – trong dòng chảy dài vô tận vô thủy vô chung của luân hồi, người Tây Tạng có những phong tục an táng người đã khuất, đặc biệt là các bậc tu hành Mật tông rất lạ…

Một bậc thượng sư được tháp táng.

Một bậc thượng sư được tháp táng.

Coi trọng tâm linh

Người dân Tây Tạng không coi trọng lắm thi thể một người đã chết, xem như việc an táng một thi thể chỉ là… “vứt bỏ một vật cũ, như chiếc áo, như căn nhà”. Tuy phong tục an táng phong phú, dân Tây Tạng lại coi trọng, đề cao tâm linh lúc lâm chung và sau khi chết.

Người dân Tây Tạng trước và sau khi lâm chung thường mời các cao tăng hoạt Phật (Phật sống) đến tụng kinh niệm Phật cầu siêu rất long trọng. Những gia đình có điều kiện còn cử hành những nghi thức lễ Phật lớn trong vòng 49 ngày sau khi người thân của họ qua đời.

Một buổi thiên táng

Coi trọng tâm linh, nên thi thể người chết được xử lý như thế nào không phải là vấn đề quan trọng. Không để ý đến thân thể người đã khuất, nên phong tục chôn cất người chết ở Tây Tạng cũng rất đa dạng, ban đầu là huyệt táng, thổ táng, thủy táng rồi sau này là thiên táng, hỏa táng…

Tháp táng

Đây là một hình thức an táng cực kỳ long trọng của người Tây Tạng, thường chỉ dành cho bậc tu hành, hoạt Phật. Theo quan niệm, tháp Phật tượng trưng cho công đức của Phật ý.

Thường thì Phật đường được thiết lập trong nhà của tín đồ Phật giáo với 3 yếu tố hoàn chỉnh là tượng Phật, kinh Phật và tháp Phật, đại diện cho công đức thân, ngữ, ý của Phật tháp.

Trên ban thờ Phật có đủ 3 thứ đó cũng coi như là đã viên mãn, còn nếu thiếu một thì dù có cúng dường tượng Phật nhiều lần cũng không có tác dụng. Trong tháp Phật tất phải có xá lị Phật hoặc tóc, xá lị của thượng sư, cao tăng hoạt Phật mới là thuận.

Trên đỉnh một đài tháp táng

Tháp táng là nghi thức dành cho bậc cao tăng hoạt Phật, thường có hai hình thức: Một loại đặt toàn bộ xá lị xương cốt sau khi đã trà tỳ (hỏa thiêu) vào trong tháp Phật để cúng phụng. Người đời sau đối với hầu hết các Phật như Đạt Lai, Ban Thiền… đều cung phụng như thế. Chẳng hạn, Ban Thiền đời thứ 100 ở Tây Tạng viên tịch ngày 28/1/1989, người ta đã tiến hành tháp táng chân thân pháp thể của đại sư.

Trước hết là sửa sang trang phục, dung mạo của thượng sư vừa qua đời, rồi quấn một lớp vải lụa quanh pháp thể, bôi lên đó một lớp thuốc bí truyền và cứ 2 tháng lại thay một lần. Tác dụng của vải lụa là để thấm nước còn thuốc ngăn ngừa sự uế thối.

Khi tiến hành giữ gìn, xử lý pháp thể, thông thường người ta sẽ tiêm vào pháp thể một mũi thuốc để cho những thứ tích tụ trong pháp thể được bài tiết ra ngoài, sau đó mới tiến hành xử lý thoát nước. Pháp thể sau khi được xử lý hoàn hảo được xem như một xá lị đặc biệt để các tín đồ Mật tông chiêm bái, cúng dường…

Thiên táng

Trong số những tục táng của Tây Tạng, tục táng thần bí và khó hiểu thậm chí có người còn cho như vậy là tàn nhẫn chính là hình thức thiên táng. Thiên táng là hình thức táng mà thi thể của người chết sẽ được đưa ra phơi giữa một vùng nào đó để chim trời (thường là diều hâu) rỉa thịt. Các vùng đất ở Tây Tạng có rất nhiều đài thiên táng.

Khi chuẩn bị cử hành nghi thức thiên táng, người ta thường mời pháp sư, bạn bè, người thân của người chết lên đài thiên táng. Sau khi pháp sư dùng dao tách các khớp chân tay của thi thể sau đó nổi lửa hun khói. Những đàn diều hâu bay đến, bắt đầu ăn thịt thi thể, chỉ còn lại xương thì pháp sư tiếp tục rắc lên xương cốt một ít bột phấn để dụ cho diều hâu ăn cho hết chỗ xương đó.

Đa số người Tây Tạng tin rằng các linh hồn người chết đã rời khỏi cơ thể và cái xác còn lại chỉ là phần “con”. Còn kền kền, diều hâu được tôn kính như linh vật thiêng liêng ở đây. Chúng không phải loài ăn xác thối ma quái mà là “thánh đại bàng”.

Người Tây Tạng tin rằng việc an táng người chết bằng cách nuôi diều hâu, kền kền cũng giống như đức Phật tổ Như Lai lấy xác mình nuôi hổ dữ để khỏi hại các sinh linh khác trong thế giới. Vì thế, thi thể người chết được chim ăn sẽ nhanh chóng lên thiên đàng.

Kền kền - con vật linh giúp người chết được lên thiên đàng

Tuy thiên táng không phải là một đặc trưng của văn hóa Phật giáo trong đó có Mật tông nhưng lại rất phù hợp với tinh thần của Phật giáo Đại thừa. Theo đó, Phật giáo Đại thừa xem việc lợi tha (có ích cho người) là trách nhiệm của bản thân mình, trong đó, bố thí là hành vi đầu tiên trên con đường tu đạo, hướng đến thành Phật.

Dù là tiền tài, vàng bạc hay là đầu mắt, não tủy, chỉ cần chúng sinh cần đến thì đều không do dự mà bố thí. Có thể sau khi chết sẽ tiến hành bố thí, chính là nguyện vọng mãnh liệt của giáo đồ Phật giáo Đại thừa.

Ở những cùng khác không có cách nào thực hiện nghi thức thiên táng thì việc hiến di thể cũng mang ý nghĩa bố thí. Vì thế, có nhiều hoạt Phật đã đề xướng cho các giáo đồ Phật giáo sau khi chết thực hiện hiến tặng khí quan, di thể, để cho thi thể không còn ý nghĩa của người chết vẫn còn có thể giúp đỡ được cho những người cần đến.

Hỏa táng

Hình thức hỏa táng này được áp dụng cho hầu hết các hoạt Phật sau khi qua đời, thường gọi là “trà tỳ”

Trước tiên, người ta làm lễ trà tỳ cho bậc thượng sư, hoạt Phật qua đời rồi mới đem xương cốt xá lị đặt vào trong tháp Phật để tiến hành lễ bái, cúng phụng. Hoạt Phật Phật giáo Tạng truyền tu trì Mật tông, xá lị sau khi hỏa thiêu cũng có nhiều sắc thái.

Ngoài hình dạng tròn, có nhiều màu sắc như thường thấy, còn có những loại xá lị thần kỳ như tượng Phật tự sinh, những lời chú ngữ bằng tiếng Phạn tự sinh. Người ta thường nói “tam bất lạn” trong Phật giáo Tạng truyền chính có nghĩa là bậc hoạt Phật có thành tựu tu hành sau khi hỏa hóa thì mắt, lưỡi, tim đều không bị thiêu hủy, hình thành nên một xá lị đặc thù.

Hỏa táng

Chẳng hạn, cao tăng của phái Ninh Mã là Khúc Cáp Nhân Ba Thiết sau khi viên tịch vào năm 1997, xuất hiện đầu lâu và hai mắt nhảy ra khỏi lò thiêu, hình thành một loại xá lị chưa từng thấy. Hay như Hoạt Phật Cống Đường – tức Đan Bối Vương Cưu Nhân Ba Thiết đời thứ 6 nổi tiếng, viên tịch vào tháng 3/2000, khi đang hỏa thiêu đã xuất hiện nhiều điềm lạ.

Sau khi mở lò thiêu ra, người ta phát hiện toàn bộ xương đầu, xương cột sống đều được nối kết với nhau rất hoàn chỉnh, trên đó có một dòng chữ tiếng Tạng “Ông a nặc ba tạp na” – chính là tâm chú của Bồ Tát Văn Thù.

Trên các xương khác của hoạt Phật cũng đều có chú ngữ, mỗi chữ đều rất rõ ràng, có hai loại màu là màu trắng và màu hồng; có một mảnh xương ở phía bên ngoài có một chữ “A”.

Ngoài ra, ở vị trí của các xương khác đều xuất hiện tượng Phật lục tôn với 4 vị hiện lên rất rõ ràng là Văn Thù, Quán Âm, Tông Khách Ba, Thích Ca Mâu Ni, 2 vị khác không rõ ràng lắm, sau này được các vị cao tăng giám định thì có 2 cách nhìn: một cho đó là tượng Nhiên Đăng Phật và tượng Phật Di Lặc; một cho rằng đó là tượng Bồ Tát Địa Tạng và Bồ Tát Phổ Hiền.

Ngoài ra, còn có rất nhiều xá lị nhỏ, to bằng khoảng hạt đậu, kiên cố, tròn bóng và phát sáng. Nhiều vị hoạt Phật, học giả Phật giáo Mật tông nổi tiếng cho rằng, hiện tượng này trong Mật tông Tạng truyền gọi là “cát đông”, tức là thể trắng, là xương cốt, là hiện tượng chỉ những người có thành tựu tu hành rất cao mới có được.

Tuyết Liên (soạn)

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/rubic-cuoc-song/nhung-hinh-thuc-an-tang-ky-la-va-quan-niem-nguoi-chet-nhung-linh-hon-mai-con-286210.html