Những hình ảnh cảm động về các thầy, cô giáo

(ĐSPL) - Nhân ngày 20/11, xin gửi tới các bạn những hình ảnh đầy cảm động về những người thầy, cô giáo, vẫn đang ngày ngày vượt qua mọi khó khăn gian khổ để làm công tác "trồng người".

Thầy giáo vượt đèo dốc, cõng học sinh đi học

Thầy Hoàng Văn Trường, giáo viên thuộc Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học số 2 Nậm Hàng, huyện Nậm Nhùn, Lai Châu, đã cõng gần chục em học sinh qua con suối nước lũ cuồn cuộn Pá Sập (thuộc xã Nậm Pì) để đi học.

Thẩy trường cõng học sinh băng qua dòng nước lũ đi khai giảng năm học mới - ảnh Dân trí.

Thẩy trường cõng học sinh băng qua dòng nước lũ đi khai giảng năm học mới - ảnh Dân trí.

Chia sẻ với PV Dân trí, thầy Trường cho biết sự việc trên diễn ra vào ngày 4/9, khi trên đường giáo viên đón học sinh từ các điểm lẻ về điểm trường chính dự khai giảng và theo lớp bán trú. Cụ thể, theo chỉ đạo và phân công của nhà trường, để chuẩn bị cho ngày khai giảng, vào 8h sáng mùng 3/9, một nhóm gồm 10 thầy giáo ở điểm trường chính phải đích thân đến các bản để đón học sinh về điểm trường chính.

Thầy Trường cho biết, do quãng đường 105km này có đến 25km đường rừng rất phức tạp, có vực sâu và suối chảy xiết nên trừ phi có giáo viên hoặc người nhà đưa đón, các em mới về trường chứ không thể tự đi được.

“Đoạn 25km đường rừng này đi bộ còn nhanh hơn vì chúng tôi đi trong vòng 5 tiếng mới qua được. Chúng tôi đi từ 8h sáng mùng 3/9, cả hỏng xe dọc đường, mãi đến 8h tối mới đến được hai điểm trường lẻ Lồng Ngài và Nậm Lay. Thậm chí có nhiều đoạn, chúng tôi phải để cả người lẫn xe trôi dốc tự do như kiểu trượt patin, không thể dùng phanh vì đường quá dốc và trơn trượt. Một thầy giáo cũng bị trượt đèo, gãy cả càng xe nhưng may mắn người không bị gì. Chúng tôi phải vứt xe ở một điểm trường lẻ, nhờ gọi người mang phụ tùng đến thay thế rồi đi tiếp”, thầy Trường cho biết.

Giáo viên vượt lũ đến trường bằng gầu xúc

Cảnh giáo viên trường phổ thông dân tộc bán trú Nậm Mười, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái được máy xúc vượt qua đoạn suối ngập nước đã từng làm chấn động mạng xã hội hồi tháng cuối tháng 8/2016.

Ảnh cắt từ clip của Tri thức trực tuyến.

Từng tốp giáo viên nữ đứng bám gầu máy xúc, sau đó được tài xế đưa sang bờ bên kia. Ngoài đưa đón giáo viên, máy xúc còn cẩu xe máy qua đoạn suối nước chảy xiết.

Trao đổi với Tri thức trực tuyến, ông Dương Xuân Trường – Hiệu trưởng trường phổ thông dân tộc bán trú Nậm Mười, xác nhận những người xuất hiện trong clip là giáo viên công tác tại trường.

“Đoạn đường này không có học sinh đi qua. Những người được đưa qua suối bằng máy xúc chủ yếu là giáo viên nữ. Họ nói cảm thấy sợ hãi vì phải bám vào chiếc gàu múc tròng trành”, ông Trường thông tin.

Giáo viên mầm non vượt qua vách núi dựng đứng đến trường

Để đến trường, các giáo viên mầm non ở Lai Châu phải mang theo lương thực đủ dùng cho một tuần, trèo đèo lội suối, băng qua con đường nhỏ cạnh vách đá dựng đứng.

Cảnh vượt vách núi cheo leo nguy hiểm như trong phim hành động của các thầy cô dạy mầm non - ảnh Báo mới.

Những hình ảnh giáo viên mầm non trèo đèo lội suối đến trường do thầy Tô Hồng Điệp, Hiệu trưởng trường mầm non Tà Mít ở huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu, chia sẻ, thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng. Nhiều người thán phục trước tinh thần chịu khó và niềm đam mê với nghề của các thầy cô giáo vùng cao.

Để đi từ huyện vào trường, thầy cô phải men theo mỏm đá dọc bờ sông. Lối đi rất nhỏ, chỉ một người đi. Người nọ phải dắt tay người kia, cẩn thận vượt qua vách đá dựng đứng.

Họ còn phải mang theo lương thực mua từ thị trấn cách điểm trường 75 km. Việc mang theo số thức ăn đủ cho một tuần vượt qua quãng đường đồi núi cheo leo, nước sông chảy mạnh, khiến hành trình đến trường của giáo viên vùng cao càng trở nên nguy hiểm.

Thầy giáo già trốn viện mặc quần áo bệnh nhân đứng lớp

Năm ngoái, cộng đồng mạng truyền tay nhau hình ảnh một thầy giáo trường đại học Bách Khoa trong tấm áo bệnh nhân đứng dạy trên giảng đường. Xuất hiện cùng các lượt chia sẻ bức hình là vô vàn những lời khen ngợi, ngưỡng mộ hay bày tỏ cảm giác xúc động trước lòng yêu nghề, tận tâm vì học trò của người thầy giáo. Ngay lập tức, nhiều người đã tìm ra nhân vật chính của bức ảnh chính là thầy giáo Bùi Quí Lực, giảng viên bộ môn máy và ma sát trường đại học Bách Khoa – Hà Nội.

Người thầy giáo già nhiệt tâm với sinh viên trong kì thi sắp tới.

Chia sẻ với PV Trí thức trẻ, thầy Lực, năm nay đã 64 tuổi và đã về hưu thẳng thắn: “Thật lòng tôi không muốn làm mọi thứ quá lên. Thứ nhất, tôi thấy hành động đó rất bình thường, bất cứ ai đứng ở cương vị người thầy có lẽ cũng sẽ hành động giống như tôi. Kỳ thi sắp đến trong khi các em thì còn nhiều thắc mắc, đó là lý do tôi cần có mặt trên lớp để giải đáp những thắc mắc của sinh viên. Thứ hai, lý do tôi không muốn nói quá nhiều cũng vì tôi đã hành động sai. Tôi trốn viện để có mặt tại giảng đường, điều này chắc chắn sẽ không làm bệnh viện hay nhà trường, học sinh của tôi cảm thấy hài lòng. Hơn nữa, trong buổi học đó, tôi đã mặc trang phục của bệnh nhân chứ không phải trang phục của giáo viên khi đi dạy, đó cũng là một lỗi sai!”.

“Một lý do khác để tôi quyết định có mặt trên lớp hôm đó là do tôi cảm nhận được các em sinh viên của lớp này rất ngoan và chăm chỉ. Với những ai cần cù, tôi chỉ cần nói qua là có thể hoàn thành công việc rất tốt rồi. Phải công nhận thế hệ trẻ bây giờ có nhiều người giỏi thật đấy!” – thầy tâm sự thêm.

Thầy giáo trang điểm cho học sinh tham gia biểu diễn văn nghệ

Bức ảnh hot chụp cảnh thầy giáo đang cặm cụi đánh phấn, tô son cho các em học sinh đi thi văn nghệ này đã nhận được hàng ngàn lượt like và nhiều bình luận bày tỏ sự đáng yêu của cộng đồng mạng.

Không chỉ các cô mới làm được, các thầy cũng chuyên nghiệp chẳng kém.

Theo Người đưa tin thì người thầy trang điểm cho các bé có tên Nguyễn Ngọc Cương là giáo viên chủ nhiệm lớp 3. Được biết thầy Cương đang công tác tại trường Tiểu học Văn Phú, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang.

Và đây là thành quả... Những bé học sinh đẹp như tranh sẵn sàng cho buổi biểu diễn văn nghệ trường.

Những hình ảnh là tâm điểm thu hút sự quan tâm, chia sẻ của cộng đồng mạng nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 vừa qua.

Trong năm qua, có không ít những hình ảnh còn chưa đẹp về người giáo viên, nhưng qua những hình ảnh cảm động trên, chắc rằng ai cũng sẽ thấy vẫn còn nhiều, rất nhiều những thầy cô vẫn đang hàng ngày âm thầm lặng lẽ chăm sóc cho những mầm non tương lai của đất nước. Những "con sâu" cá biệt không thể "làm rầu cả nồi canh", chúng ta tin tưởng rằng con em mình sẽ được hưởng sự dạy dỗ tốt nhất từ con người yêu thương trẻ và hết mình vì sự nghiệp giáo dục.

MINH MINH (tổng hợp)

Nguồn ĐS&PL: http://www.doisongphapluat.com/doi-song/gia-dinh-tinh-yeu/nhung-hinh-anh-cam-dong-ve-cac-thay-co-giao-a170804.html