Những hạt muối trắng, mặn mòi

(BVPL) - Muối từ bao đời nay đã trở thành một gia vị không thể thiếu trong mỗi bữa ăn của người Việt, ấy vậy mà ít ai để ý đến cách làm ra hạt muối đó như thế nào? Hãy tìm hiểu một chút về cách làm muối ở Ninh Thuận nơi có bờ biển dài hơn 105 km, thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ. Nước biển có độ mặn cao, năng lượng bức xạ lớn, nhiều nắng, gió… trong điều kiện lý tưởng nhưng lại rất khắc nghiệt ấy, để làm ra được hạt muối, người dân đã phải đổ ra nhiều mồ hôi và chính công sức lao động của mình ra sao?

(BVPL) - Muối từ bao đời nay đã trở thành một gia vị không thể thiếu trong mỗi bữa ăn của người Việt, ấy vậy mà ít ai để ý đến cách làm ra hạt muối đó như thế nào? Hãy tìm hiểu một chút về cách làm muối ở Ninh Thuận nơi có bờ biển dài hơn 105 km, thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ. Nước biển có độ mặn cao, năng lượng bức xạ lớn, nhiều nắng, gió… trong điều kiện lý tưởng nhưng lại rất khắc nghiệt ấy, để làm ra được hạt muối, người dân đã phải đổ ra nhiều mồ hôi và chính công sức lao động của mình ra sao?

Ảnh minh họa.

Như chúng ta đã biết Ninh Thuận là vùng muối, có quy mô lớn nhất nước được coi là thủ phủ muối của miền Nam. Với thời tiết gần như nắng nóng quanh năm, nên tỉnh được đánh giá là có tiềm năng lợi thế để sản xuất muối. Toàn tỉnh hiện có 2.371 ha đất làm muối, trong đó có 1.891 ha muối công nghiệp và 480 ha muối nền đất (còn gọi là muối ăn, muối diêm dân). Nếu cả nước có 7 đồng muối lớn thì Ninh Thuận đã có đến 3 là: Cà Ná, Tri Hải và Đầm Vua. Sản lượng muối của Ninh Thuận chiếm khoảng 50% tổng sản lượng muối cả nước. Tại Ninh Thuận đã hình thành nhiều vùng sản xuất muối, như: Cà Ná (huyện Thuận Nam); các xã Phương Hải, Tri Hải, Nhơn Hải (huyện Ninh Hải)...

Huyện Ninh Hải hiện là vùng phát triển muối nền đất lớn nhất Ninh Thuận. Với tổng diện tích làm muối là 445 ha. Hằng năm, diêm dân bước vào vụ sản xuất muối nền đất từ tháng 12 năm trước đến hết tháng 8 của năm sau. Năm nào nắng hạn kéo dài thì kết thúc niên vụ vào tháng 9.

Với quy trình sản xuất khá đơn giản. Đối với ruộng muối nền đất, khi bước vào đầu vụ, diêm dân đầu tư hơn mười triệu đồng để san lấp ổn định độ bằng phẳng, tạo"da đất" cho ruộng, sau đó bơm hút nước biển vào ruộng, đợi nước biển bốc hơi khoảng bảy ngày thì thu hoạch muối. Đặc biệt với “Đặc thù của nghề muối là ‘nắng làm, mát nghỉ’ vì nắng càng to sản lượng muối thu về càng nhiều. Các diêm dân phải làm tất cả các công đoạn làm muối diễn ra trong ngày vì nếu để sang ngày thứ hai muối sẽ bị giảm bớt độ mặn.Đằng sau vị mặn của những hạt muối còn có cả vị mặn cũa những giọt mồ hôi. Cứ thế, xong đợt một, lại tiếp tục bơm nước biển vào, đợi nước bốc hơi và thu hoạch cho đến hết mùa vụ của năm.

Quanh năm suốt tháng diêm dân bán mặt cho đất bán lưng cho trời nhưng đời sống vẫn bấp bênh. Quả thực để nghề muối đi lên, cần có một tư duy mới, một luồng gió mới thổi vào nghề muối địa phương. Nếu vẫn cách làm muối thủ công, cho nước biển vào ruộng để kết tinh muối trên đất, kết tinh ngắn ngày, sản phẩm muối sẽ rất nhiều tạp chất, chất lượng không cao. Nghề muối lại là cái nghề vất vả không kém gì nghề trồng lúa, trông chờ vào thiên nhiên. Năm nào nắng đều đều thì sản lượng khá, nếu mưa rải đều là mất vụ muối. Để giải quyết tình trạng bấp bênh đó, mấy năm nay tỉnh Ninh Thuận đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu ngành muối theo hướng tăng dần tỷ trọng muối công nghiệp.

Minh Thuận

Nguồn BVPL: http://baobaovephapluat.vn/van-hoa-xa-hoi/201708/nhung-hat-muoi-trang-man-moi-2566501/