Những gợi ý cho khung pháp lý M&A ở Việt Nam

(baodautu.vn) Khung pháp lý cho hoạt động mua bán, sáp nhập (M&A) doanh nghiệp ở Việt Nam hiện nay vẫn còn những bất cập, cần tiếp tục hoàn thiện.

Khung pháp lý cho hoạt động M&A: Vẫn còn nhiều bất cập

Có thể nói, khung pháp lý điều chỉnh cho hoạt động M&A của Việt Nam quy định chung cho các doanh nghiệp (DN), tổ chức tương đối đồng bộ và nhất quán. Tuy nhiên, mặc dù các văn bản luật đã được sửa đổi và tiến tới ngày càng hoàn thiện, thống nhất, nhưng khung pháp lý cho hoạt động M&A tại Việt Nam hiện vẫn bộc lộ những hạn chế.

Thứ nhất, hoạt động M&A ở Việt Nam vẫn chưa có một khung khổ pháp lý hoàn chỉnh quy định riêng mà chỉ được điều chỉnh rời rạc và rải rác ở các luật và các văn bản quy phạm pháp luật khác nhau, như Bộ luật Dân sự, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Cạnh tranh, Luật Chứng khoán... Hơn nữa, chỉ mang tính
sơ lược.

Điều này làm cho các chủ thể tham gia hoạt động M&A gặp khó khăn trong việc thực hiện và tỷ lệ thành công thường không cao. Đồng thời, làm cho các cơ quan quản lý khó kiểm soát các hoạt động M&A. Ngoài ra, hoạt động M&A là một giao dịch thương mại tài chính, đòi hỏi phải có quy định cụ thể, có một cơ chế thị trường để chào bán, chào mua DN, giá cả, chuyển dịch tư cách pháp nhân, các nghĩa vụ tài chính và hàng loạt vấn đề liên quan trực tiếp đến giao dịch này mà chưa được quy định cụ thể, như kiểm toán, định giá, tư vấn, môi giới, bảo mật thông tin...

Thứ hai, một số quy định pháp lý có thể rất hợp lý và đúng trên lý thuyết nhưng không thể thực hiện được trong thực tiễn. Cụ thể: Điều 20 Luật Cạnh tranh 2004 quy định: “Các DN tập trung kinh tế có thị phần kết hợp từ 30% đến 50% trên thị trường liên quan thì đại diện hợp pháp của các DN đó phải thông báo cho cơ quan quản lý cạnh tranh trước khi tiến hành tập trung kinh tế”. Điều này trên thực tế rất khó thực hiện, do hệ thống thông tin dữ liệu về DN của Việt Nam thiếu và rải rác ở nhiều cơ quan. Hơn thế, tiêu chí này đang được cho là thiếu định lượng và gây khó khăn cho các DN, khi họ phải mất chi phí khá lớn để nghiên cứu, đánh giá thị phần, nhằm xác định xem thương vụ của họ có thuộc diện phải thông báo cho Cục Quản lý cạnh tranh trước khi tiến hành hoạt động M&A hay không. Như vậy, cơ hội kinh doanh của DN sẽ mất đi và có thể sẽ phát sinh tiêu cực.

Thứ ba, quan điểm của cơ quan quản lý nhà nước về M&A hiện chưa thống nhất. Ví dụ, trong lĩnh vực phân phối, kể từ ngày 11/1/2009, các DN 100% vốn đầu tư nước ngoài sẽ được quyền phân phối tại Việt Nam. Tuy nhiên, giới hạn cho các DN này là chỉ được phép mở một cơ sở phân phối. Vấn đề là, nếu nhà đầu tư nước ngoài mua lại DN phân phối của DN Việt Nam có hơn một cơ sở, thì sẽ giải quyết thế nào?

Hay nhiều địa phương coi M&A như là một dạng thuộc điều chỉnh của Luật Đầu tư 2005, phải tuân thủ theo thủ tục đầu tư là có dự án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận... Trong khi đó, theo Nghị định 139/2007/NĐ-CP ban hành ngày 5/9/2007, hoạt động góp vốn mua cổ phần thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật DN 2005, mọi thay đổi theo trình tự thủ tục đã được quy định tại Nghị định số 88/2006/NĐ-CP ngày 29/8/2006 của Chính phủ về đăng ký kinh doanh.

Việc xác định M&A là đầu tư trực tiếp hay gián tiếp, điều kiện nào để chuyển hóa từ đầu tư gián tiếp thành đầu tư trực tiếp và ngược lại… hiện cũng chưa rõ. Hiện tại, các hoạt động M&A liên quan tới các DN niêm yết do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước quản lý, liên quan tới đầu tư trực tiếp nước ngoài thì thuộc thẩm quyền của Bộ Kế hoạch và Đầu tư…

Thứ tư, rất nhiều quy định pháp luật thiếu hoặc không rõ ràng, gây khó khăn cho cả người quản lý và người thực hiện. Ví dụ, chưa quy định cụ thể với những công ty chưa niêm yết cổ phiếu thì giới hạn sở hữu nước ngoài trong các DN Việt Nam là bao nhiêu (công ty niêm yết là 49%, ngân hàng là 30% tổng vốn điều lệ)…

Thứ năm, các quy định pháp lý hiện nay đang gây rất nhiều khó khăn cho cả cơ quan quản lý nhà nước khi không thể xác định chính xác loại giao dịch M&A DN dự định tiến hành là loại giao dịch nào. Chỉ khi xác định đúng loại giao dịch M&A mới giúp cho các bên xác định, nhận thức cụ thể loại giao dịch mà mình tiến hành; luật điều chỉnh chủ yếu trong giao dịch M&A; cơ chế, quy trình tiến hành giao dịch; định hướng việc thiết lập các điều khoản trong hợp đồng M&A; và xác định nghĩa vụ thông tin, thông báo đến cơ quan quản lý của các bên…

Ví dụ: (i) sáp nhập, mua lại chủ yếu theo quy định của pháp luật về DN; (ii) sáp nhập, mua lại như một hình thức đầu tư trực tiếp nước ngoài chủ yếu theo quy định của pháp luật về đầu tư; (iii) sáp nhập, mua lại như một hình thức tập trung kinh tế chủ yếu chịu sự điều chỉnh chủ yếu của pháp luật cạnh tranh; (iv) mua cổ phần chủ yếu theo các quy định của pháp luật chứng khoán; (v) sáp nhập, mua lại DN nhằm mục đích phát triển thương hiệu chủ yếu chịu sự điều chỉnh của pháp luật về sở hữu trí tuệ…

Hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động M&A: Đòi hỏi từ thực tiễn

Thực tế cho thấy, trong thời gian gần đây, xu thế sáp nhập giữa các DN, giữa các ngân hàng thương mại và giữa các công ty chứng khoán đang diễn ra sôi động, nhằm hợp lực để cùng tồn tại và phát triển. Vì vậy, việc hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động M&A là cần thiết.

Thống nhất cơ quan chủ trì xây dựng

Trước hết, cần phải thống nhất cơ quan chủ trì xây dựng các văn bản pháp luật về hoạt động M&A. Theo quan điểm chúng tôi, do hiện nay, chủ yếu hoạt động M&A liên quan đến yếu tố nước ngoài (như phần thực trạng đã phân tích), do vậy, nên để Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì.

Xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý cho cơ chế cung cấp và kiểm soát thông tin của hoạt động M&A

Khuôn khổ pháp lý cho hoạt động này tại Việt Nam chưa được quy định cụ thể, xác định chi phí thực hiện giao dịch mua lại DN chưa rõ ràng; thông tin về các công ty sáp nhập, mua lại chưa được cập nhật đầy đủ, thiếu tính minh bạch; nhiều DN chưa tham gia vào thị trường chứng khoán, vai trò kiểm toán chưa được quan tâm, gây khó khăn cho việc tìm hiểu về tình hình hoạt động, tài chính của các công ty... Đây là những cản trở không nhỏ cho việc thực hiện M&A. Để thực hiện được điều này, cần:

Thứ nhất, các thông tin tài chính của các DN M&A phải được minh bạch hóa. Nhiều văn bản pháp luật đã đề cập sự minh bạch thông tin, tuy nhiên, đặc thù hoạt động M&A đòi hỏi phải quy định rõ cần minh bạch những thông tin tài chính gì và minh bạch tới mức độ nào.

Thứ hai, cần phải có quy định pháp luật về việc công khai hóa các vụ M&A thành công cũng như thất bại, giúp cho các nhà đầu tư, chuyên gia phân tích có thêm những kinh nghiệm khi M&A. Việc công khai hóa có thể bằng nhiều hình thức, như đăng tải trên website, trên báo in, báo hình…

Ngoài ra, điều này còn giúp cho chính cơ quan quản lý thấy được những văn bản pháp lý về M&A đã ban hành có gây cản trở cho hoạt động M&A để có biện pháp sửa đổi, thay thế, nhằm thúc đẩy hoạt động M&A đi đúng quỹ đạo. Đây là điều rất cần đối với thị trường còn đang phát triển nhưng đầy tiềm năng như ở Việt Nam.

Thứ ba, việc ban hành văn bản pháp luật cần nâng cao tính hậu kiểm - tức là định kỳ trên cơ sở các thông tin các báo cáo của các DN về hoạt động M&A của mình, cơ quan quản lý nhà nước sẽ kiểm tra thực tế về những báo cáo đã gửi. Do vậy, chế tài đối với việc xử lý các vi phạm về báo cáo cần phải đủ mạnh và mang tính răn đe, nhằm giúp các chủ thể trong xã hội có được những thông tin trung thực và khách quan nhất.

Xây dựng hành lang pháp lý vừa theo hướng tạo điều kiện cho việc M&A, vừa kiểm soát chặt chẽ sự độc quyền, bảo vệ lợi ích của cổ đông thiểu số trong hoạt động M&A.

* Đối với hướng tạo điều kiện: Hoàn cảnh của Việt Nam hiện nay là các DN đang đối đầu với hai vấn đề lớn. Đó là, việc gia nhập WTO sẽ làm giảm đáng kể các yếu tố bảo hộ của Nhà nước đối với công nghiệp nội địa. Các DN sẽ phải đối phó với sự cạnh tranh trực tiếp của các đối thủ cạnh tranh nước ngoài. Tiếp đó, các DN Việt Nam phần lớn là ở quy mô nhỏ và vừa nên tính cạnh tranh yếu so với các DN nước ngoài.

Nhằm khuyến khích các DN nâng cao năng lực cạnh tranh bằng hình thức M&A, có thể dùng công cụ thuế thông qua hình thức miễn giảm, ưu đãi, hỗ trợ… Kinh nghiệm cho thấy, công cụ này đã phát huy tác dụng rất lớn, khuyến khích được các DN tiến hành niêm yết trên thị trường chứng khoán.

* Đối với hướng kiểm soát chặt chẽ sự độc quyền:

Thứ nhất, phải có văn bản pháp lý điều chỉnh thẩm quyền của các cơ quan cạnh tranh, cơ quan đăng ký kinh doanh trong những công đoạn pháp lý khác nhau của quá trình M&A. Sự phối hợp trong hoạt động giữa các cơ quan này là hết sức cần thiết để đảm bảo hiệu quả của việc kiểm soát M&A.

Thứ hai, việc khống chế, kiểm soát hoạt động M&A có vai trò đặc biệt quan trọng trong hội nhập kinh tế quốc tế. Khi hội nhập, Việt Nam phải mở cửa cho các tập đoàn đa quốc gia vào. Với sức mạnh kinh tế vượt trội, các tập đoàn này có khả năng thôn tính các DN khác, nhất là các DN trong nước. Nếu hoạt động này không được kiểm soát, sẽ gây lũng đoạn và khống chế thị trường ở mức độ cao.

Nguồn Đầu Tư: http://www.baodautu.vn/portal/public/vir/baivietdoanhnghiep/repository/collaboration/sites%20content/live/vir/web%20contents/chude/doanhnghiep/moitruongkinhdoanh/0e0dae1c7f000001016a51cf2af66360