Những góc khác về 'sự ích kỷ' trong bóng đá

Sau trận giao hữu Đội tuyển Việt Nam - Avispa Fukuoka (Nhật Bản) - trận đấu đầu tiên Công Phượng được đá chính, và đá trọn vẹn 90 phút trong màu áo Tuyển, nhiều người thốt lên: "Công Phượng đá quá ích kỷ". Chuyện này làm người ta nhớ đến những tranh cãi tương tự về Phạm Văn Quyến, ngay ở cái giải đấu đẹp nhất trong cuộc đời cầu thủ của Quyến: SEA Games 22 trên sân Mỹ Đình.

1.Sau trận khai mạc SEA Games 22 năm 2003, khi U.23 Việt Nam hòa U.23 Thái Lan với một thế trận tấn công rực lửa, ai cũng khen Văn Quyến. Riêng ông thầy người Pháp của Đội tuyển Lào Luis Fernandez lại không ngại chê Quyến đã chơi bóng quá ích kỷ. Fernandez khi ấy còn dự đoán: "Nếu tiếp tục ích kỷ như vậy, cậu ấy khó trở thành cầu thủ lớn". Sau này Fernandez về cầm quân Hải Phòng, và trong suốt 1 năm làm việc ở Hải Phòng, mỗi khi được hỏi về cách chơi bóng của Văn Quyến, ông vẫn giữ nguyên quan điểm của mình.

Chỗ này thì Fernandez có vẻ rất khác với Alfred Riedl. Ông Riedl một mặt đề nghị các cầu thủ Việt Nam phải chơi một thứ bóng đá đậm chất đồng đội với những đường chồng biên, đánh nách vốn đã trở thành thương hiệu của ông, nhưng một mặt vẫn cho phép những tiền đạo như Văn Quyến được thể hiện sự ích kỷ trong mức độ của mình. Thế nên thời Alfred Riedl, Văn Quyến ghi được không ít bàn thắng đến từ những cú vô lê hoặc những pha lạng lách cá nhân. Bản thân những đồng đội của Quyến cũng hiểu và chấp nhận điều này.

Thành thử, điều duy nhất có thể kết luận trong vấn đề này là mỗi HLV với mỗi tư tưởng khác nhau sẽ có những quan niệm dụng nhân và dụng binh khác nhau. Và chính cái khác mà nhiều lúc bị đẩy tới mức tương phản, đối lập ấy lại tạo nên sự thú vị của bóng đá.

Công Phượng (phải) khó có cơ hội ra sân đá chính. Ảnh: H.M.

2.Trở lại với chuyện của Công Phượng. Khi còn khoác áo Đội tuyển U.19 Việt Nam, dưới sự dẫn dắt của "thầy ruột" Guillaume Graechen, Phượng được khuyến khích đá cá nhân. Trận khai mạc giải vô địch U.19 Đông Nam Á năm 2014 trên sân Mỹ Đình, sau 45 phút đầu tiên bế tắc trước U.19 Australia, ông Graechen đã bảo với Công Phượng: "Sang hiệp 2, cậu hãy chơi một thứ bóng đá thật điên rồ".

Và chính cái khoảnh khắc điên rồ nhất - cá nhân nhất của Công Phượng ở cuối trận, cái khoảnh khắc một mình chống lại 5 cầu thủ phòng ngự Australia đã mang về bàn thắng duy nhất cho U.19 Việt Nam hôm ấy.

Tuy nhiên, khi lên Đội tuyển U.23 Việt Nam - một U.23 được dẫn dắt bởi "thầy Nhật - phong cách Đức" Toshiya Miura thì Công Phượng lại được đề nghị là phải hạn chế tối đa thứ bóng đá rê dắt cá nhân...

3.Bây giờ là thời của HLV Nguyễn Hữu Thắng, người vốn là một trung vệ thép, và khi còn cầm quân Sông Lam Nghệ An cũng cho thấy mình là mẫu HLV ưa thứ bóng đá kỷ cương - sắt thép. Nhưng khi lên cầm Đội tuyển Việt Nam, với sự gợi ý của Phó chủ tịch VFF Đoàn Nguyên Đức, ông Thắng hiểu về tầm quan trọng của việc phải xây dựng một lối chơi nhỏ, nhuyễn, giàu kỹ thuật. Mà để chơi theo cách đó, sự đóng góp của những cầu thủ Hoàng Anh Gia Lai JMG như Văn Thanh, Xuân Trường, Tuấn Anh, Công Phượng, Văn Toàn... cực kỳ cần thiết.

Tuy nhiên, cái cách Hữu Thắng vận hành Đội tuyển thời gian qua cho thấy bên cạnh chất kỹ thuật của Công Phượng và những cầu thủ Hoàng Anh Gia Lai, Đội tuyển còn có chất "thép" đến từ những cầu thủ Sông Lam Nghệ An vốn có truyền thống "thép". Vì thế, khi vào giải một người như Hữu Thắng sẽ không dễ buông cho Công Phượng đá thứ bóng đá cá nhân từ phút thứ nhất đến phút thứ 90 như trong trận Việt Nam - Avispa Fukuoka vừa rồi.

Cái cách Hữu Thắng khen ngợi Công Phượng, bảo vệ Công Phượng sau trận đấu ấy là một ứng xử thường thấy ở một ông thầy luôn bảo vệ học trò trước dư luận. Còn trong thẳm sâu suy nghĩ của mình, chắc chắn ông thừa hiểu những cái hay và cả những cái chưa hay của Công Phượng sau 90 phút "cá nhân".

Viễn cảnh có thể hình dung trước ở AFF Suzuki Cup tới đây là Hữu Thắng sẽ chỉ sử dụng Công Phượng trong những khoảng thời gian nhất định, tùy theo mục tiêu và hoàn cảnh của từng trận đấu. Với cách đó, hy vọng mặt tích cực trong cái tư duy "chơi bóng cá nhân" của Phượng sẽ được phát huy, còn mặt trái - mặt tiêu cực sẽ được tối giảm.

Sẽ phạt nặng những cầu thủ dính đến tiêu cực

Như Báo CAND đã đưa tin, sau vụ 4 cầu thủ của Đội tuyển Lào bị Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) treo giò vì dính đến tiêu cực trong một giải giao hữu quốc tế ở Malaysia, công tác phòng chống tiêu cực trong các trận đấu tại AFF Suzuki Cup năm nay được chú ý hơn bao giờ hết.

Trả lời báo chí ngày hôm qua, một quan chức Liên đoàn Bóng đá Đông Nam Á (AFF) chia sẻ rằng sẽ có lực lượng an ninh bám sát tất cả các đội tuyển trong suốt 24 giờ/ngày.

Ngoài ra, AFF cũng đã thuê một công ty chuyên phân tích những diễn biến bất thường về kèo và tỷ lệ cá độ các trận đấu trên các trang web quốc tế, từ đó sẽ có sự can thiệp kịp thời.

Với một cách làm rốt ráo, mạnh mẽ như vậy, AFF tin rằng Suzuki Cup năm nay sẽ diễn ra một cách trong sáng. Ngược lại, nếu có cầu thủ nào bị phát hiện liên quan đến tiêu cực, AFF sẽ kiến nghị AFC xử phạt cực kỳ nặng tay.

Ngọc Anh

Khó cạnh tranh suất đá chính

Nếu những đồng đội của mình ở lò Hoàng Anh Gia Lai JMG như Tuấn Anh, Xuân Trường nhiều khả năng sẽ được ra sân đá chính trong sơ đồ chiến thuật 4-1-4-1 yêu thích của HLV Nguyễn Hữu Thắng thì với Công Phượng, điều này là rất khó khăn. Bởi trong sơ đồ với một trung phong duy nhất này, ưu tiên số 1 hẳn nhiên phải là Đội trưởng Lê Công Vinh.

Đá sau Công Vinh nhiều khả năng sẽ là những cầu thủ tích cực di chuyển, và có lối chơi mang tính đồng đội cao như Văn Quyết, Văn Toàn. Điều dễ hình dung nhất ở AFF cup tới đây là Công Phượng sẽ bắt đầu các trận đấu từ băng ghế dự bị.

Tùy theo diễn biến cụ thể của trận đấu, chẳng hạn như khi cần một cầu thủ thật sự đột biến để phá thế bế tắc, Công Phượng sẽ được HLV trưởng Nguyễn Hữu Thắng tung vào sân.

Tuấn Thành

Phan Đăng

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/the-thao-24h/nhung-goc-khac-ve-su-ich-ky-trong-bong-da-417188/