Những giọt nước đậm ngọt nghĩa tình

Chứng kiến những chiến sĩ trên quần đảo Trường Sa phải tiết kiệm từng giọt nước ngọt, trăn trở với người dân Đồng bằng sông Cửu Long hằng ngày phải cực nhọc chống chọi với hạn mặn… là động lực để các thành viên Câu lạc bộ Trí thức trẻ Hà Nội (CLB) nghiên cứu, chế tạo thành công máy lọc nước mặn thành nước ngọt. Không chỉ vậy, các thành viên CLB vẫn đang tìm tòi để có những ứng dụng thiết thực với mong muốn cuộc sống tốt đẹp hơn cho cộng đồng… Nước ngọt giữa trùng khơi

CLB Trí thức trẻ Hà Nội trực thuộc Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội, được thành lập tháng 1-2015, là nơi tập hợp những trí thức trẻ, hoạt động theo định hướng đưa những ứng dụng từ khoa học vào cuộc sống.

Khảo sát lắp máy lọc nước tại đảo An Bang.

Kể lại về chuyến đi Trường Sa vào đúng cao điểm mùa khô tháng 4-2014, anh Trần Vũ Thành, Chủ tịch CLB vẫn nhớ như in hình ảnh những chiến sĩ chia nhau từng ca nước ngọt trong sinh hoạt hằng ngày. Mang trăn trở ấy về Hà Nội, anh suy nghĩ, tìm tòi những đề tài khoa học lọc nước biển thành nước ngọt. Và cuối cùng, công nghệ lọc nước biển được CLB chọn triển khai là công nghệ màng lọc của Mỹ, song để phù hợp với thời tiết ngoài đảo, khâu thiết kế, chế tạo cũng phải cải tiến. Với sự giúp đỡ kinh phí chế tạo máy của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Bộ Tư lệnh Hải quân hỗ trợ vận chuyển máy ra đảo, tháng 5-2015, máy lọc nước biển thành nước ngọt đã được vận chuyển ra đảo Trường Sa Đông. Chỉ sau 20 ngày lắp đặt, máy đi vào hoạt động.

Nhớ lại ngày đầu tiên có nước ngọt từ máy lọc, anh Thành chia sẻ: “Ban đầu, có người vẫn không tin đó là nước ngọt; sau đó mọi người thống nhất làm một phép thử theo kinh nghiệm của một chiến sĩ sống lâu năm trên đảo: Lấy nước đó nấu cơm, nếu cơm chín và để cơm nguội mà không bị "lại gạo" thì đó mới là nước ngọt. Và quả thật, cơm nấu thử nghiệm hôm ấy để từ trưa đến chiều vẫn mềm. Vậy là không ai nghi ngờ gì nữa, ngày hôm sau nước ngọt từ máy lọc nước được dùng để nấu cơm trong toàn đơn vị… Ai cũng hoan hỉ! Điều ấy làm CLB của chúng tôi thấy rất ấm lòng”!

Sau thành công đó, tháng 4-2016 Bộ Tư lệnh Hải quân đề xuất với Trung ương Đoàn làm thêm một máy lọc nước biển nữa cho đảo An Bang và CLB lại một lần nữa ra đảo khảo sát. Đến nay, CLB đã thiết kế xong máy, gửi thiết bị ra thi công hạ tầng cơ sở ở ngoài đảo, nhưng đang thiếu kinh phí chế tạo máy. Để có tiền, ngoài việc CLB tích cực huy động nguồn xã hội hóa, anh em còn tự xoay xở bằng cách mở các cuộc triển lãm tranh, ảnh, bán bưu thiếp. Gần đây nhất, trong lúc nhiều người còn nghỉ Tết thì CLB lại bắt tay vào mở triển lãm ảnh “Có một Trường Sa trong lòng Hà Nội” từ ngày mùng 1 đến mùng 4 Tết Đinh Dậu. “Qua cuộc triển lãm ảnh về quần đảo Trường Sa, chúng tôi đã nhận được sự ủng hộ của khá nhiều người dân, du khách nước ngoài. Đặc biệt, nhiều người đã từng ra đảo, thấm thía nỗi khổ thiếu nước ngọt nên đã chung tay, đồng hành cùng chúng tôi. Số tiền tuy chưa nhiều nhưng đó là tấm lòng đáng trân quý của họ”, Trần Vũ Thành nói.

Ứng dụng thiết thực cho cuộc sống

Từ thành công trong chế tạo máy lọc nước biển thành nước ngọt cho các chiến sĩ ở đảo Trường Sa Đông, CLB đã tiến thêm bước mới khi đưa ứng dụng lọc nước mặn thành nước ngọt cho những vùng đất đang bị xâm nhập mặn ở nhiều tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Hình ảnh những em bé phồng rộp miệng vì đánh răng, rửa mặt bằng nước mặn; những người nông dân điêu đứng, lâm vào cảnh nghèo triền miên vì đất ngập mặn… đã khiến mỗi thành viên của CLB trăn trở. Một lần nữa, CLB lại đề xuất với Trung ương Đoàn cho phép đưa máy lọc nước mặn thành nước ngọt vào ứng dụng ở các tỉnh đang chịu hậu quả nặng nề từ biến đổi khí hậu ở miền Tây. Và cũng chỉ 20 ngày sau khi đề xuất, chiếc máy lọc nước đầu tiên được CLB lắp tặng gia đình chính sách của mẹ Lượng Thị Mót, ở xã Bình Thắng, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre. Đây là máy thử nghiệm đầu tiên với công suất 100 lít/giờ.

“Ở Đồng bằng sông Cửu Long, số hộ nghèo, cận nghèo chiếm tỷ lệ rất lớn, nhiều gia đình đành cho con nghỉ học vì phải dành tiền mua nước ngọt. Điều ấy làm các thành viên trong CLB trăn trở. Từ một số gợi ý, anh em trong CLB đã nghiên cứu, sáng tạo, nâng công suất để lắp máy lọc nước ở những trạm cấp nước miễn phí cho người dân nghèo” - Anh Thành tâm sự. Chưa đầy một tháng từ ngày lắp máy lọc nước cho gia đình mẹ Mót, CLB lại tiếp tục lắp thêm 12 máy ở các tỉnh: Long An, Tiền Giang, Trà Vinh, Bến Tre, Cà Mau… với trị giá 200 triệu đồng/máy/trạm. Hiện mỗi ngày, máy lọc được 72.000 lít nước sạch để cung cấp cho người dân.

Tiếp nối hành trình đó, dự kiến từ năm 2017 đến 2020 CLB sẽ lắp đặt hơn 2.000 máy lọc nước cho các điểm trường học và trạm y tế ở những xã nghèo miền Tây. Chia sẻ với phóng viên, Chủ tịch CLB Trí thức trẻ Hà Nội Trần Vũ Thành xúc động: “Ngày máy lọc nước được vận hành, bà con xếp hàng đến lấy nước khiến chúng tôi thấy ấm lòng. Niềm vui lan tỏa, là động lực xóa tan bao mệt nhọc sau những ngày chúng tôi rong ruổi trên những chặng đường xa; đồng thời là định hướng cho chúng tôi bước tiếp con đường dài phía trước”.

Không chỉ chế tạo và ứng dụng thành công máy lọc nước, anh em trong CLB đang quyết tâm đưa ra Trường Sa công nghệ vi sinh ứng dụng trong xử lý môi trường rác thải hữu cơ. Bằng công nghệ vi sinh, CLB đã ủ lá cây thành mùn để bổ sung chất cho đất. Khi xử lý rác thải trên đảo bằng công nghệ này, nguồn gây ô nhiễm môi trường sẽ không còn. Tháng 4-2017, Bộ Tư lệnh Hải quân sẽ nghiệm thu ứng dụng này. Hy vọng, Trường Sa sẽ xanh hơn từ những ứng dụng công nghệ thiết thực như thế!

Thiện Mỹ

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Phong-su-Ky-su/862972/nhung-giot-nuoc-dam-ngot-nghia-tinh