Những giai thoại về “cu” Nên- “đại ca” một thời của giang hồ đất Cảng

Giữa thập kỷ 90 của thế kỷ trước, giang hồ Hải Phòng được cả nước biết đến bởi những cái tên như “cu” Nên, Lâm "già", Dung "Hà"... Trong một thời gian dài, “cu” Nên ngông nghênh, hoành hành khắp Hải Phòng như thể là "con trời", đâm, chém bất cứ ai hắn thích. Nên luôn rêu rao, vỗ ngực, tự đắc là chẳng ai dám làm như mình. Vì thế, người ta có nhiều chuyện để đồn đại về gã giang hồ "thích máu" và "yêu" dao kiếm này.

“Cu” Lý là em “cu” Nên Bài thơ do Nên “sáng tác” khi ở trong phòng biệt giam Với khá nhiều người lớn và cả trẻ em ở Hải Phòng thời đó, “cu” Nên là một con người cực kỳ đáng sợ. Theo bác xích lô già, biết xem tướng số gần nhà Nên, thì y có đôi mắt rất dữ. Mỗi khi gặp chuyện, mắt Nên vằn đỏ, ai thấy cũng phải tránh xa. Tính Nên hung hãn, tàn bạo và khó lường, không chỉ kẻ thù, mà ngay cả đàn em nếu không vừa ý cũng “dính đủ”. Không những chửi, mắng mà Nên còn dùng lê, dao đâm đệ tử vì tội “ươn hèn”. Tại Hải Phòng, khi nói đến “cu” Nên, người biết chuyện thường gắn với “cu” Lý. “Cu” Lý cũng là giang hồ, nhưng khác hoàn toàn so với “cu” Nên. Giang hồ biết đến “cu” Lý bởi cái tài đánh bạc "dọc ngang, tung hoành". Dù là em nhưng giới giang hồ vẫn khẳng định rằng, không có thằng em Lý thì không có tên tuổi “cu” Nên trong "lịch sử" tội phạm Việt Nam. Giang hồ truyền nhau giai thoại sau: Thời “cu” Nên đang là một tên cướp vặt, chưa có số má trong giới giang hồ, bị một đám thanh niên du đãng ở vỉa hè xông vào đánh. Cao to là thế mà Nên không chống nổi mấy thằng du đãng quèn. Thấy "bất bình", một mình một dao, “cu” Lý xông vào đám du đãng, đánh, chém... lôi được “cu” Nên ra khỏi trận đòn hội đồng ấy. Họ kết nghĩa anh em từ đó. Lúc còn sống, Lý là một trong những con bạc khét tiếng, cả về độ máu me và cách chơi. Một điều đặc biệt khác làm dân cờ bạc luôn thích được cu Lý ghé sòng. Bởi không kẻ nào gan to tới mức, dám cướp sòng Lý đang chơi. Nhưng đã xảy ra ngoại lệ. Hôm đó, Lý đang say sưa sát phạt ở một sòng nhỏ nhỏ, 3-4 tên bịt mặt, tay dao tay kiếm đạp cửa xông vào. Chưa kịp hành động, nhìn thấy Lý, các "con giời" cuống... Tay vẫn cầm bát, lắc, ngước mặt lên, Lý buông câu: "Đi đi, anh tha!". Nên được "ăn sái" cờ bạc của Lý rất nhiều. Chính Lý dạy cho Nên cách đánh bạc, quản lý sòng bạc, thu tẩy, thu "xâu"... Tức là cách làm ăn quân tử. Lý khuyên Nên đừng ngông cuồng, đừng dao kiếm... để khỏi phải trả giá. Nên không nghe. Theo Nên chỉ có "huyết chiến" mới độc tôn địa vị trong giang hồ. Chán, Lý bỏ đi và sa đà cờ bạc, dùng thuốc phiện để “giải khuây”... Trong lúc Nên bị bắt thì Lý đi cai nghiện. Lý "chơi" lại ma túy và sốc thuốc rồi chết. Thế là giang hồ Hải Phòng mất đi một con bạc có cái uy hơn cả ông trùm. Giỡn mặt Dung “hà”, Lâm “già” Thời đó, Lâm "già" hay Dung "Hà" đều có "một cõi" đi về, không đụng đến nhau vì biết về nhau quá rõ. Nên thì không, hắn liên tục gây ra những cuộc đụng độ với "bề trên": Cướp sòng bạc do Dung "Hà" bảo kê; đánh người của Lâm, phá các mối làm ăn của Lâm. Nhiều lần, Lâm và Dung không chấp "thằng nhãi ranh", không muốn đụng dao, kiếm. Phương châm hoạt động phạm tội của Lâm và Dung giống nhau: Hạn chế đụng chạm, hạn chế sử dụng hàng "nóng" và chân tay... Sử dụng uy là chính. Thấy Lâm và Dung "bỏ qua", Nên càng bực và gây thanh thế bằng việc "tự chiến", gây sự từ những lý do nhỏ nhất. Giới giang hồ đồn: Cùng chiến tích đầy mình như nhau, khi bị "chơi" quá đà, Dung "Hà" đã cho đệ chuyển đến Nên thông điệp: "Lộc" đến đâu, hưởng đến đó. Cái giá của việc cướp "lộc", lấn sân... là rất tàn khốc. Thích thì "chơi"... cho vui. Nên thấy "chờn", chuyển hướng cướp sòng bạc sang địa bàn Thủy Nguyên và chỉ cướp ở những sòng biết không có sự bảo kê của Dung. Giang hồ "bề trên" cứ im lặng để cho Nên "lên số" để vào "còng". Điều hiển nhiên là vậy mà Nên chẳng thể nghĩ ra... Vào hang bắt cọp 10 năm ở vị trí cao nhất của công an Hải Phòng là 10 năm để lại rất nhiều dấu ấn trong cuộc đời của một người từng trải nghề và đời như đại tá Lê Văn Thụ (nguyên Giám đốc công an TP. Hải Phòng) hiện đang là Chủ tịch Hội Luật gia TP. Hải Phòng. Đại tá Thụ nhớ lại: “cu” Nên là băng nhóm tội phạm làm cho công an thành phố thời đó "hao người tốn của" nhất. Biết mình có trong danh sách đen của cơ quan công an nhưng Nên vẫn ngang nhiên tổ chức các hoạt động, thực hiện hành vi phạm tội. Đại tá Thụ cho biết, thực chất, thời điểm bị bắt, băng nhóm của Nên chỉ là một toán cướp ô hợp gồm 15 tên. Theo hồ sơ, chúng rất tàn bạo, côn đồ, sử dụng thành thạo nhiều loại vũ khí khác nhau như súng ngắn, súng AK, súng thể thao... Cứ mỗi lần đi cướp bạc về là Nên lại tìm kiếm, bổ sung vào "kho" súng đạn của mình một thứ gì đó hoặc là súng hoặc là vài chục viên đạn. Vì bọn Nên manh động, tàn bạo nên việc triệt phá băng nhóm này không thể ngày một, ngày hai mà phải có kế hoạch cụ thể nhằm tránh sát thương, thương vong cho cán bộ, chiến sỹ công an, cho dân lành... Vì công việc mà chiến sỹ công an phải cải trang làm "đệ" của “cu” Nên. Theo thông tin "người của ta" báo về, Nên tụ tập đàn em rất đông ở nhà để chuẩn bị cho một "kế hoạch" phạm tội với quy mô lớn và gây tiếng vang hơn những lần trước. Đó là tổ chức đánh bạc và cướp bạc. Người trực tiếp chỉ huy "trận đánh" ngày ấy là đại tá Trần Đồn, Phó Giám đốc công an thành phố. Vì Nên rất cảnh giác, manh động nên ban chuyên án phải tính kỹ phương án hành động. Mục tiêu đặt ra là thuyết phục để Nên đầu hàng. Nếu không được thì phải bắt sống, phải bảo toàn tính mạng cho chiến sỹ tham gia chuyên án. Ngày 15/3/1995 được ấn định phá án. Nhà Nên trên đường Lạch Tray, cạnh Cung văn hóa Việt - Tiệp. Y rất cảnh giác, cứ thấy xung quanh nhà đông người là cho "đệ" thăm dò, thậm chí "bắn tỉa". Hôm đó, ở Cung diễn ra Hội nghị do Trung ương tổ chức, khách từ Hà Nội về rất đông. Đó là thời điểm thuận lợi để chiến sỹ trà trộn vào, còn Nên thì không cảnh giác. 10h30, đại tá Trần Đồn cho "người của ta" vào thuyết phục Nên và đồng bọn đầu hàng. Nên cho rằng, "người của ta" nói nhảm, dám dọa dẫm kẻ chuyên đi dọa người khác là Nên. Kế hoạch 2 được sử dụng, đại tá Trần Đồn lệnh cho tất cả các mũi đột nhập vào nhà Nên. Khi thấy công an vào đông quá, vào bằng tất cả các lối đã được định trước, khi đó Nên mới biết, "người của ta" nói thật. Biết được sự thật thì Nên không kịp "trở tay". Lúc hỗn loạn trong nhà Nên, một số "đệ" đã bỏ "thầy" chạy lên tầng thượng, nhảy tường tẩu thoát ra ngoài nhưng bị lực lượng công an bao vây vòng ngoài bắt giữ. Nên và đồng bọn đã phải trả giá. Người ta kể rằng, khi dọa dẫm, chỉ đạo chém, giết Nên "oai hùng" bao nhiêu thì cận kề cái chết, y sợ sệt bấy nhiêu. Trong phòng biệt giam, chờ chết, Nên đã khóc, rồi còn làm thơ. Cái chết đến gần, sự "oai hùng" biến mất nhường chỗ cho sự yếu hèn. Khi ra trường bắn, y sợ đến mức không ăn được. Tới trường bắn, người y mềm nhũn. Khổ cho những người thực thi nhiệm vụ, phải vất vả lắm mới trói được y thẳng người vào cột. VŨ HOÀNG

Nguồn ĐS&PL: http://www.doisongphapluat.com.vn/story.aspx?id=6302&lang=vn&zone=3&zoneparent=0