Những giải pháp liên kết '4 nhà' tại Gia Lai

Với đặc điểm một tỉnh miền núi được thiên nhiên ưu đãi về nhiều mặt, Gia Lai có điều kiện phát triển nông nghiệp bền vững theo hướng sản xuất hàng hóa.

Cà phê là cây trồng thế mạnh của tỉnh Gia Lai

Trong đó tổng sản phẩm GDP năm 2015 ước đạt 12.227 tỷ, đạt 100% kế hoạch, tăng 12,98% so với cùng kỳ năm 2014. Kinh tế của tỉnh Gia Lai luôn duy trì tốc độ tăng trưởng cao, bình quân 12,81%/năm. Quy mô nền kinh tế được mở rộng đến năm 2015 gấp 2,54 lần so với năm 2010.

Quá trình phát triển của tỉnh Gia Lai gắn liền với sự phát triển và đi lên của nền nông nghiệp cả nước, của việc liên kết đội ngũ 4 nhà, nhờ đó từng bước đã hình thành những vùng chuyên canh cây trồng chủ lực như cao su, cà phê, tiêu, mía đường…

Tuy nhiên trong mối liên kết này cũng còn những hạn chế, lỏng lẻo như có những trường hợp doanh nghiệp ép giá nông dân mỗi khi nông sản được mùa, còn nông dân thì bội ước với doanh nghiệp khi giá lên, bán nông sản cho thương lái với giá cao hơn, phá vỡ hợp đồng. Kết quả là điệp khúc trồng chặt tái diễn, phá vỡ quy hoạch, rối loạn thị trường.

Do những hạn chế về thị trường tiêu thụ, phần lớn hợp đồng giữa doanh nghiệp và người sản xuất thiếu tính bền vững. Nông dân không yên tâm đầu tư dài hạn, nhất là nông, lâm sản đòi hỏi vốn đầu tư ban đầu lớn. Mối liên kết lỏng lẻo giữa 4 nhà thể hiện ở ngay hợp đồng liên kết. Việc xử lý các vi phạm gặp nhiều khó khăn, chưa có giải pháp ràng buộc hai bên.

Đối với nông dân trong quá trình sản xuất hàng hóa nông sản, bộc lộ rõ nhất là hạn chế về trình độ học vấn và hiểu biết về cây trồng, chưa có nhiều đơn vị tư vấn về công tác khuyến nông nhất là dự đoán thị trường nên chưa có chiến lược trong việc lựa chọn cây trồng và kế hoạch đầu tư.

Về phía nhà doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, khó khăn lớn nhất chính là việc thiếu vốn và phải chịu rủi ro cao khi ứng vốn cho nông dân. Do đó doanh nghiệp còn e dè, ngần ngại đầu tư vào nông - lâm - ngư nghiệp vì đầu tư càng nhiều thì tỷ lệ rủi ro càng lớn.

Bên cạnh đó hạn chế cũng bắt nguồn từ chính phía doanh nghiệp như chưa tôn trọng hợp đồng đã ký, không mua hết sản phẩm, chưa thực hiện đúng cam kết về giá mua, tự ý phá vỡ hợp đồng…

Trong quá trình thực hiện liên kết, vai trò của ngân hàng là hết sức quan trọng. Tuy nhiên, do tâm lý sợ rủi ro, muốn bảo toàn vốn nên nhiều ngân hàng chưa mạnh dạn tham gia trực tiếp vào quá trình liên kết như tạo điều kiện thông thoáng cho nông dân vay vốn để phát triển sản xuất.

Về phía Nhà nước, công tác chỉ đạo tổ chức còn hạn chế, đặc biệt trong công tác quy hoạch các loại cây trồng cho từng vùng và cung cấp thông tin cho nhà nông, nhà doanh nghiệp định hướng thị trường; chỉ đạo dồn điền đổi thửa, tập trung và tích tụ ruộng đất.

Đến nay, đất sản xuất của hầu hết các hộ nông dân còn phân tán nên khó khăn trong việc quy hoạch các vùng nông nghiệp hàng hóa tập trung hoặc các cánh đồng mẫu lớn, làm hạn chế việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Về phía nhà khoa học tuy giữ vai trò rất quan trọng trong quá trình liên kết nhằm giúp nông dân nâng cao năng suất, chất lượng, giảm chi phí sản xuất… nhưng việc thiếu những cơ chế rõ ràng khiến vai trò của nhà khoa học không được đề cao.

Các cơ quan chuyên môn như cơ quan nghiên cứu, các phân hiệu đại học trên địa bàn chưa thực sự gắn kết giữa nghiên cứu khoa học với sản xuất; chưa có kế hoạch hợp tác với doanh nghiệp, người sản xuất trong quá trình sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Do vậy để phát triển ngành nông nghiệp của tỉnh Gia Lai trong thời gian tới cần có những giải pháp sau:

- Công tác quy hoạch sản xuất nông nghiệp và vùng nguyên liệu phải đi trước một bước.

- Về lâu dài các doanh nghiệp phải đi tiên phong trong ký kết và thực hiện hợp đồng tiêu thụ nông sản, cần đầu tư vốn và ứng trước cho nông dân về giống, vật tư phân bón, hướng dẫn kỹ thuật để nông dân sản xuất đúng quy trình kỹ thuật tạo ra sản phẩm có chất lượng.

- Các cơ quan nhà nước đóng vai trò quan trọng thông qua các chính sách khuyến khích và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, xúc tiến thương mại...

- Các Sở chuyên ngành của tỉnh cần tuyên truyền giáo dục pháp luật, chỉ đạo, hướng dẫn và hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân trong quá trình xây dựng, tổ chức thực hiện hợp đồng sản xuất, tiêu thụ nông sản.

- Xây dựng và tăng cường năng lực quản lý và tiêu thụ sản phẩm của hợp tác xã, tổ hợp tác của nông dân, để các tổ chức này thực sự là cầu nối giữa doanh nghiệp và hộ nông dân.

- Cần phổ biến các tiến bộ khoa học trong lĩnh vực trồng, chế biến nông sản để hỗ trợ cho nông dân về sản xuất nông nghiệp sạch và bền vững; tăng cường công tác xúc tiến thương mại giúp cho nông dân và doanh nghiệp tìm kiếm thị trường.

Gia Lai cần có kế hoạch về xây dựng và phát triển cánh đồng mẫu lớn theo từng giai đoạn, chọn lựa diện tích đất canh tác phù hợp sản xuất các vùng hoa màu chuyên canh.

Các huyện định hướng cho các xã, thị trấn sản xuất nông nghiệp phải có cánh đồng mẫu lớn theo hướng tích tụ ruộng đất để áp dụng khoa học kỹ thuật phù hợp với từng vùng, miền.

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/nhung-giai-phap-lien-ket-4-nha-tai-gia-lai-post172886.html