Những già làng tiêu biểu ở vùng cao biên giới

Huyện biên giới vùng cao Tây Giang (Quảng Nam) có nhiều già làng, trưởng bản và người có uy tín. Đây là những “hạt nhân” gương mẫu, chung tay cùng chính quyền, các ban ngành, đoàn thể xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc; chung sức, chung lòng xây dựng bản làng ngày càng giàu đẹp…

Đại tá Võ Văn Hai, Trưởng Công an huyện Tây Giang phấn khởi, cho hay, trên địa bàn huyện có 69 già làng tiêu biểu, 70 người có uy tín… Đây là những hạt nhân trong phong trào bảo vệ ANTQ, xây dựng làng bản văn hóa, chống mê tín dị đoan và giải quyết kịp thời các vụ việc xảy ra tại địa phương.

Thời gian qua, 10/10 xã của huyện hoàn thành công tác quy hoạch, lập đề án xây dựng nông thôn mới và đã có 2 xã là A Nông và xã Lăng đạt chuẩn nông thôn mới đầu tiên trên dãy đại ngàn Trường Sơn của tỉnh Quảng Nam. Các hoạt động văn hóa, giáo dục được quan tâm, bản sắc văn hóa Cơ Tu được bảo tồn và phát huy.

Cán bộ, chiến sĩ Công an huyện vùng cao biên giới Tây Giang trao đổi công tác giữ gìn ANTT cùng các già làng và người có uy tín ở xã Lăng.

Năm ngoái, huyện Tây Giang phát động năm du lịch đã đạt được nhiều kết quả bước đầu rất khích lệ, trong đó đã tổ chức lễ công nhận cây di sản Pơ mu với 725 cây tại A Xan, Trhy; công nhận di sản phi vật thể quốc gia đối với làng truyền thống Cơ Tu; múa tân tung da dá; nói lý, hát lý; dệt thổ cẩm của người Cơ Tu…

Về ANTT được đảm bảo; phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được phát triển mạnh mẽ, sâu rộng; chủ quyền an ninh biên giới được giữ vững… Đời sống của người dân ngày một nâng cao. Có được kết quả đó, là có sự góp phần rất lớn của các già làng, trưởng bản và người có uy tín.

Theo chân các cán bộ, chiến sĩ Công an huyện, chúng tôi đến thôn Anoonh, xã A Nông gặp gỡ già làng Alăng Bhưm. Đồng bào Cơ Tu ở đây luôn xem già Alăng Bhưm như cây cổ thụ giữa đại ngàn, là chỗ dựa tin cậy của họ. Bà con thôn Anoonh đều tự hào, nói rằng, họ được già Alăng Bhưm chỉ dạy từ việc tỉa bắp, trồng lúa nước, đến việc cưới xin, ma chay trong thôn. Già Alăng Bhưm luôn tận tình hướng dẫn dân làng phát triển kinh tế, vận động bà con xóa bỏ các hủ tục lạc hậu và xây dựng nếp sống văn hóa…

Còn già Alăng Bhưm phấn khởi bảo: “Việc cưới xin, tang ma của bà con ở thôn Anoonh bây giờ chỉ còn tổ chức trong một ngày một đêm, không kéo dài đến 3-4 ngày, hay giết mổ nhiều trâu bò như trước đây. Nạn tảo hôn, thách cưới, bắt rể ở làm công cũng không còn diễn ra. Cái bụng mình mừng lắm”. Nói rồi già cười khà khà, sảng khoái.

Đến xã Lăng, chúng tôi gặp già làng Bríu Pố. Bà con Cơ Tu nơi đây đều được già Bríu Pố hỗ trợ trồng cây ba kích để phát triển kinh tế gia đình. Khoảng 16 năm trước, già Bríu Pố cùng với Tiến sỹ Ngô Trại, cán bộ của Viện Dược liệu Trung ương, đi khảo sát cây dược liệu ở khắp núi rừng xã Lăng. Khi Tiến sỹ Ngô Trại chỉ cho loại cây thuốc quý mà người Cơ Tu gọi là cây “ruột gà” (cây ba kích), ông trồng thử hơn 1.000 gốc tại rẫy gia đình.

Sau gần 4 năm, ông bắt đầu thu hoạch vụ đầu tiên. Từ thắng lợi này, ông nhân giống nhiều hơn, đến năm 2008, ông đã trồng tới hơn 2ha ba kích dưới chân núi A Dương, với gần 4.000 cây.Cùng với việc phát triển cây ba kích, ông còn trồng các loại cây ăn quả như: bưởi, quýt, cam, trồng cỏ chăn nuôi hàng chục con bò và cải tạo khe suối làm ao nuôi cá…

Học tập cách làm kinh tế của già Bhríu Pố, phong trào trồng ba kích, làm trang trại trồng cây ăn trái, chăn nuôi đã được bà con các dân tộc thiểu số ở Tây Giang và bà con Cơ Tu ở xã Lăng nói riêng, triển khai rộng khắp. Hiện cây ba kích trở thành cây chủ lực, mang lại hiệu quả kinh tế rất cao, giúp nhân dân cải thiện đời sống; xã Lăng trở thành một trong những xã đạt chuẩn nông thôn mới đầu tiên ở các huyện miền núi Quảng Nam…

Tại xã Lăng có thôn PơNing hiện là thôn điểm của tỉnh Quảng Nam về phát triển văn hóa xã hội. Dân làng ở đây rất tin yêu già làng Cơ Lâu Năm. Ông kể rằng, trong chiến tranh, ông tham gia bộ đội đánh giặc. Ngày đất nước hòa bình, ông về lại xã Lăng làm Xã đội trưởng, rồi Trưởng Công an xã, Phó Chủ tịch UBND xã. Sau hơn 15 năm làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Tây Giang, ông nghỉ hưu. “Bất kỳ việc gì Đảng viên cũng phải tiên phong đi trước để người dân làm theo…”, già Cơ Lâu Năm tâm sự.

Còn rất nhiều già làng tiêu biểu ở huyện vùng cao biên giới Tây Giang, như già A Lưng Nhắp ở xã Gia Ri; già Cơ Lâu Blừa ở xã Trhy; già Blúp Ứ ở xã A Tiêng, già Bling Rêu ở xã A Vương; già Pơ LoongJím ở xã A Xan… là những người gương mẫu đi đầu, thực hiện tốt mọi chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tích cực vận động nhân dân xây dựng thôn bản, phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, giữ gìn ANTT địa bàn.

“Tây Giang có đội ngũ đông đảo các già làng, trưởng bản và người có uy tín. Đây cũng là một trong những “thế mạnh” của địa phương. Mặc dù tuổi cao, song phát huy truyền thống quê hương cách mạng, các già làng, trưởng bản, người có uy tín luôn đi đầu, gương mẫu, chung tay cùng chính quyền, các ban ngành đoàn thể xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, chung sức, chung lòng xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp hơn…”, ông Bhling Mia, Chủ tịch UBND huyện Tây Giang, tự hào nói.

Thanh Hồng

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/doi-song/nhung-gia-lang-tieu-bieu-o-vung-cao-bien-gioi-429452/