Những đứa trẻ 'giữ lửa' làng nón Hà Nội

Ngay từ khi còn nhỏ, những đứa trẻ làng Chuông (Thanh Oai, Hà Nội) đã được tự tay tham gia vào những bước đơn giản nhất, phụ các chị, các mẹ, các bà làm nên chiếc nón 'chính hiệu' làng Chuông, góp phần gìn giữ hình ảnh cho một làng nghề truyền thống của Việt Nam.

Cô bé 10 tuổi say mê với nghề làm nón truyền thống của làng (trái) và Cụ bà Lưu Thị Thu, 94 tuổi, vừa khâu nón vừa vui vẻ kể chuyện về nghề.

Cô bé 10 tuổi say mê với nghề làm nón truyền thống của làng (trái) và Cụ bà Lưu Thị Thu, 94 tuổi, vừa khâu nón vừa vui vẻ kể chuyện về nghề.

“Thắp lửa” trong lòng những đứa trẻ

Nếu đã một lần đặt chân tới làng Chuông, có lẽ sẽ khó ai quên được hình ảnh của một cuộc sống sinh hoạt làng nghề, với cảnh những gia đình san sát nhau cùng phơi lá lụi,có những lưỡi cày nung nóng đang là lá. Mọi người trẻ có già có, ngồi thành những nhóm từ 5-6 người khâu nón, vừa làm vừa hỏi han tám chuyện rôm rả.Hay cảnh những chiếc xe đạp nối đuôi nhau chở đầy nón lá đi giao hàng.

`“Em làm nhiều nhưng vẫn không được đẹp, em còn vụng nên bị kim đâm suốt, đau tay lắm ạ.”. Em Trần Trang (13 tuổi) vô tư chia sẻ khi tôi nán lại nhà em xem làm nón. Bàn tay Trang chi chít các vết kim đâm còn lưu lại, có vết còn mới nguyên.Trang cho biết bình thường ngoài giờ đi học, em ở nhà phụ mẹ làm công đoạn nức nón và luồn nhôi. Trang bày tỏ rõ sự cố gắng, cô bé nói sẽ phải tập trung quan sát hơn, học từ mẹ nhiều hơn. “Em hi vọng sẽ có thể phụ mẹ làm nón bán kiếm tiền. Hơn nữa làng em ai cũng biết làm mà, em cũng phải trở thành một người làm nón đẹp và giỏi của làng Chuông”.

Mẹ của Trang kể, ngay từ bé, Trang đã thường được nghe kể về truyền thống làng nghề từ mẹ, bà ngoại và mọi người trong làng. Tám tuổi chị đã dạy con làm nón, dạy từng bước và cho con tập làm dần. Tuy nhiên chị cho biết sẽ không bắt Trang phải theo hẳn nghề nón. Chị vẫn định hướng cho con đi học và học theo nghề mà nó muốn. Còn làm nón rảnh rỗi thì làm thôi, làm để biết nghề, để giữ nghề và để còn truyền lại cho những thế hệ sau

Một đứa trẻ khác mới 10 tuổi nhưng đôi tay thoăn thoắt, khéo léo đang ngồi khâu từng sợi chỉ bên cạnh chị gái. Nhìn thấy sự hứng thú say mê từ trong ánh mắt ấy, tôi hỏi em có thích làm nón không? Cô bé gật đầu, cười tươi trả lời: “Con đòi chị dạy cho đấy cô ạ. Sau này con nhất định sẽ làm nón đẹp như chị cho cô xem.”

Trẻ con làng Chuông lớn lên trong những ngôi nhà dải đầy nguyên liệu làm nón. Ngày ngày đi học trên con đường mà nhìn bên nào cũng thấy những cụ ông, cụ bà ngồi rẽ lá, là lá, ngồi đan, ngồi thêu… và có lẽ vì vậy mà những đứa nhỏ sinh ra trên mảnh đất này đã gắn bó với nghề từ bao giờ không hay. Và rồi khi lớn lên, trưởng thành cho đến lúc về già, nghề nón vẫn đi theo và gắn bó với cuộc sống của mỗi con người nơi đây như những ngày đầu tiên.

Những ước mơ

Làng Chuông đã khẳng định được thương hiệu nón từ bao đời nay với sản phẩm nón độc quyền, bền, đẹp. Thế nhưng trước “cơn bão” cạnh tranh của những sản phẩm hiện đại, nón Chuông cũng như bao làng nghề truyền thống khác gặp phải những thách thức trong việc gìn giữ, phát triển làng nghề, lưu giữ một nét văn hóa truyền thống Việt Nam. Để làm ra một chiếc nón lá làng Chuông “chính hiệu”, người nghệ nhân bình thường sẽ phải bỏ ra nửa ngày, thậm chí là cả một ngày trời, với nhiều công đoạn, đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo, cùng bí quyết riêng của dân lành nghề trong làng. Thế nhưng thu nhập so với công sức bỏ ra quả thực còn rất thấp.

Trò chuyện với một nghệ nhân có tuổi trong làng, được biết, khoảng hai mươi năm đổ về trước, nón lá làng làm ra bán rất chạy. Những chiếc nón xịn dù bán giá cao vẫn hết hàng. Người tới mua buôn, mua lẻ cứ nườm nượp. Nhưng những năm gần đây, lượng tiêu thụ nón của làng có lẽ chỉ bằng hai phần ba ngày trước.

Tại làng Chuông, một người nghệ nhân làm nhanh nhất cũng chỉ được 2 chiếc nón một ngày. Mỗi chiếc nón xịn được làm từ những nguyên liệu tốt, tỉ mỉ và khéo léo có thể bán với giá hơn 100.000 đồng. Ngoài ra nón giá 70.000 đồng cũng có, 30.000-40.000 đồng cũng có nhưng không phải nón “chuẩn làng Chuông”. Thêm nữa, với 50.000 đồng, khó có thể mua được một chiếc nón lá chính hiệu, tốt, bền, đẹp. Nhưng số tiền đó có thể mua được chiếc mũ vải hay những chiếc ô, dùng tiện và gọn hơn. Có lẽ, công cuộc công nghiệp hóa không chỉ khiến bóng dáng làng nghề của làng Chuông phải tạm nép sau bê tông cốt thép, mà còn chứng minh rằng thời “hoàng kim” của nón lá có lẽ đã qua, nhường chỗ cho những sản phẩm hiện đại ngày nay.

Thu nhập thấp nên những người trẻ làng Chuông lớn lên với mong muốn thoát ly và đa số đã lên các thành phố lớn đi làm các ngành nghề khác. Nhưng vẫn còn đó những đứa trẻ đang ngày đêm nuôi dưỡng ước mơ và cố gắng “cũng phải trở thành một người làm nón đẹp và giỏi của làng Chuông”. Thế nên có thể nói mỗi chiếc nón là nơi lưu giữ niềm đam mê của nhiều thế hệ làng Chuông dày công gìn giữ. Dù cuộc sống có đổi thay thế nào, dù trong đời sống người thành phố hình ảnh chiếc nón lá chỉ còn trong kí ức, thì ở một nơi nào đó như làng Chuông, chiếc nón lá vẫn gần gũi như một chốn tìm về hình ảnh truyền thống của dân tộc Việt Nam.

Hồng Hạnh

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/ban-doc/nhung-dua-tre-giu-lua-lang-non-ha-noi-303452.html