Những đối tượng tuyệt đối không giác hơi

Giác hơi là liệu pháp giải độc cơ thể ngày càng được ưa chuộng nhưng nếu lạm dụng hoặc dùng sai cách, sai đối tượng sẽ rất nguy hiểm.

Giác hơi là liệu pháp lợi dụng áp suất âm trong dụng cụ giác nhằm gây hiện tượng sung huyết tại chỗ để giải độc cơ thể, chữa bệnh. Những vật dụng dùng để giác hơi bao gồm: ống nứa, ống thủy tinh, lọ nhỏ hoặc cốc nhỏ để làm dụng cụ giác cùng với bông, nước ấm hoặc cồn.

Cách giác hơi cũng khá đơn giản:

- Đốt bông tẩm cồn rồi bỏ vào ống giác, trong khi lửa vừa cháy, úp nhanh ống giác vào chỗ giác.

- Dùng panh kẹp bông tẩm cồn đốt cháy rồi hơ nhanh vào lòng ống giác, rút panh ra và úp ống giác vào chỗ định giác.

- Úp ống vào nước đang sôi. Nhanh tay dùng khăn sạch nhấc lên, thấm khô miệng ống và úp nhanh vào chỗ giác.

Ảnh Internet.

Giác hơi có thể phòng và chữa bệnh nhưng không phải bị mắc bệnh gì cũng có thể chữa bằng phương pháp này. Mới đầu, trong y học cổ truyền, giác hơi được dùng để hút mủ ở mụn nhọt, sau đó được phát triển để chữa các bệnh khác.

Theo quan niệm của đông y, giác hơi dùng lửa cũng có nghĩa là nhiệt nên được sử dụng chủ yếu để chữa các chứng bệnh do hàn (lạnh) gây ra. Nếu dùng giác hơi để chữa các chứng bệnh do nhiệt gây ra thì bệnh chỉ nặng thêm. Thông thường, giác hơi chữa các chứng đau do hàn như đau bụng, đau lưng, đau vai, đau gáy, đau cổ...

Có thể bạn quan tâm: Cảnh giác với những bệnh phổ biến có khả năng "ghé thăm" bạn vào mùa thu

Ngày nay, nhiều người coi giác hơi như một phương pháp thư giãn. Tuy nhiên, do giác hơi là phương pháp sử dụng nhiệt, chính vì vậy, khi giác hơi, người thực hiện cần có kinh nghiệm, kỹ thuật đốt lửa đến độ vừa phải, tránh bỏng cho bệnh nhân. Những phần thường được làm giác là những vùng có cơ dày như lưng, ngực, đùi, bắp chân... Người làm giác cần tránh những chỗ da bị dị ứng, nổi mẩn, trầy xước, vết thương hở, đầu khớp xương...

Ảnh Internet.

Trong các trường hợp sau không nên dùng giác hơi để chữa bệnh vì có thể gây nên những biến chứng, thậm chí tử vong.

- Những người mắc bệnh thận, phổi có hiện tượng thiếu máu, xuất huyết dưới da, phù thũng toàn thân, thiếu tiểu cầu.

- Người mắc bệnh tâm thần, suy nhược thần kinh, thường xuyên bị chuột rút.

- Người gầy, cơ da đàn hồi kém.

- Người trong tình trạng quá no, quá đói hoặc say rượu.

- Những người đau vùng thắt lưng, vùng bụng dưới, phụ nữ có thai, đang thời kỳ kinh nguyệt, cho con bú.

- Những người đang sốt phát ban, mê sảng, co giật toàn thân…

T/h

Nguồn SKCĐ: http://suckhoe.com.vn/chua-benh/nhung-doi-tuong-tuyet-doi-khong-giac-hoi-71828