Những đối tượng tuyệt đối không cạo gió trong bất kỳ trường hợp cảm nào

Khi bị cảm cúm, đau nhức cơ thể... chúng ta thường áp dụng cách cạo gió trong dân gian để trị bệnh mà không biết rằng cách làm này với một số người là vô cùng nguy hiểm và rất dễ mất mạng.

Không phải ngẫu nhiên mà cạo gió có thể chữa được các loại bệnh cảm mạo thông thường, mà bởi vì cách làm này thực chất dựa theo học thuyết Âm Dương, kinh lạc.

Theo đó, người ta sẽ dùng những vật có canh hình tròn, nhẵn như tiền xu, nhẫn bạc, thìa... để cạo dọc hai bên cổ gáy, dọc hai bên cột sống rồi tỏa ra bên mạng sườn... Trong trường hợp bị đau bụng, bạn có thể cạo thêm vùng bụng, còn nếu nhức tay có thể cạo thêm phần cánh tay và cẳng tay.

Ảnh minh họa

Trường hợp nào có thể cạo gió?

Dù có tác dụng tức thời, thế nhưng, theo Ths. Hoàng Khánh Toàn (Trưởng khoa Đông y - Bệnh viện Trung ương Quân đội 108): Không phải trường hợp nào cũng có thể áp dụng phương pháp này. Ông nhấn mạnh, nó chỉ thực sự phù hợp với những người bị cảm mạo, bao gồm: cảm lạnh, cảm cúm hay bệnh cúm.

Nguyên nhân gây nên cảm mạo thường do hai yếu tố, sức đề kháng của cơ thể giảm sút và do mầm bệnh như phong, hàn, thử, thấp, táo, hỏa xâm nhập vào cơ thể. Ngoài ra, cạo gió còn được chỉ định trong các trường hợp nhức đầu, đau mình mẩy, hoa mắt, chóng mặt...

Trái ngược với cảm mạo, nếu cảm phong nhiệt hoặc say nắng mà cạo gió lại rất nguy hiểm, bởi nó không những không giảm bệnh, không làm mát cơ thể mà còn làm cho khí nóng tích tụ thêm vào cơ thể trong khi sức nóng vốn tích tụ trong cơ thể vẫn bị tích lại làm cho tình trạng bệnh càng nặng hơn. Thậm chí, cạo gió lúc này còn làm cho huyết áp tăng cao dẫn đến các tai biến như nguy cơ bị liệt mặt, méo mồm, xuất huyết não...

Người bị cảm lạnh thường ít sốt, gai gai lạnh trong khi người bị cảm phong nhiệt sẽ nóng, không sợ lạnh, khô môi, nước tiểu vàng, ra mồ hôi.

Những trường hợp cấm kỵ việc cạo gió

Về cách thức tiến hành, bác sĩ Hoàng Khánh Toàn hướng dẫn, trước hết cần chọn nơi kín gió, để người bệnh nằm ngay ngắn, tĩnh tâm, toàn thân thư giãn. Sau đó sát trùng dụng cụ cạo gió, thoa dầu gió lên vùng cần cạo rồi dùng lực vừa phải miết đều theo hướng một chiều từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài sao cho người bệnh cảm thấy nóng ấm, dễ chịu. Ở vùng lưng có thể dùng lực mạnh hơn một chút. Lần lượt cạo từ vùng này sang vùng khác đến khi da ửng đỏ thì dừng lại.

Người bị cao huyết áp, mắc bệnh tim mạch không nên đánh gió (Ảnh minh họa)

Để tránh các tai biến không đáng có, bác sĩ khuyến cáo tuyệt đối không tiến hành cạo gió với trẻ em bởi da của trẻ rất non và mỏng nên rất dễ xung huyết, khí huyết cũng rất yếu sẽ không chịu được nhiệt độ cao khi cạo gió.

Bệnh nhân tim, cao huyết áp, phụ nữ có thai và người bị các bệnh da liễu ở những vị trí cần cạo gió cũng là những đối tượng tuyệt đối không cạo gió dưới bất kỳ trường hợp cảm nào.

Trong trường hợp bị cảm lạnh nhưng cơ thể có dấu hiệu suy nhược cũng cần tránh cạo gió để tránh mất huyết, vỡ mạch, ép cơ thể phải sản sinh ra huyết nhiều hơn.

Dụng cụ cạo gió cần cầm thẳng không nên cầm nghiêng vì dễ gây xuất huyết. Không cho bệnh nhân đi ra ngoài ngay sau khi cạo gió để tránh bị cảm lại. Sau khi cạo gió, nên cho người bệnh uống một cốc sữa hoắc một cốc trà gừng nóng hoặc ăn một bát cháo giải cảm có hành tươi và tía tô rồi đắp chăn nằm nghỉ.

TH

Nguồn SKCĐ: http://suckhoe.com.vn/chua-benh/nhung-doi-tuong-tuyet-doi-khong-cao-gio-trong-bat-ky-truong-hop-cam-nao-69672