Những đổi thay trên quần đảo Trường Sa

(PLO) - Một người lính làm thơ đã viết: “Quần đảo Trường Sa ngày nay đã khác xưa/ Các đảo nổi, đảo chìm đâu còn khô cằn nữa/ Không phải cồn cào ngóng từng cơn mưa đổ/Điện sáng lung linh, cây xanh ngát bốn mùa”.

Vườn rau “di động” trên đảo Đá Lớn

Đến với Trường Sa giữa những ngày tháng 5 mùa khô, được đi dưới những tán dừa trên đảo Nam Yết, ngắm những hàng hoa giấy trên đảo Sơn Ca hay chụp ảnh dưới những tán bàng vuông trên đảo Trường Sa Lớn, không ai nghĩ rằng chỉ mới cách đây mươi năm, điện, nước, rau xanh còn là những khát khao cháy bỏng với những người lính nơi tuyến đầu Tổ quốc.

Vườn rau mơn mởn trên đảo Sinh Tồn Đông

Gọi là vườn rau “di động” vì rau được trồng vào các khay lớn để xung quanh đảo. Đất và giống rau được mang từ đất liền ra. Tùy theo mùa mà các khay rau được di chuyển đến những nơi kín gió để rau sinh trưởng tốt nhất.

Đảo Đá Lớn thuộc một bãi đá ngầm của nền san hô ngập nước, mang đặc trưng khí hậu thủy văn của quần đảo Trường Sa, mùa hè mát, mùa đông ấm. Mùa khô ở đảo bắt đầu từ tháng 2 đến tháng 5, mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 1 năm sau. Những tháng mùa khô, thời tiết rất khắc nghiệt, ngày nắng nóng kéo dài từ sáng sớm đến sẩm tối.

Vậy mà khi chúng tôi đến, những ngọn rau muống, rau mùng tơi vẫn mơn mởn xanh tươi. Trung úy Phan Văn Huỳnh, Chỉ huy trưởng đảo Đá Lớn B cho biết, nhờ được chăm sóc tốt, rau trên đảo đáp ứng cơ bản đủ nhu cầu rau xanh cho bữa ăn của bộ đội. Ở đảo Sinh Tồn Đông, cả vườn rau mơn mởn cũng trở thành địa điểm lý tưởng cho các vị khách tới thăm đảo chọn làm nơi chụp ảnh.

Hệ thống phong điện và điện năng lượng mặt trời trên
đảo Nam Yết

Tới đảo Trường Sa Lớn và các đảo nổi trên quần đảo Trường Sa, điều đầu tiên mà ai cũng ấn tượng là các trạm phong điện (điện lợi dụng sức gió) và điện năng lượng mặt trời được đặt ở rất nhiều nơi trên đảo.

Thượng tá Phạm Văn Hòa, Chủ tịch UBND thị trấn Trường Sa cho biết, hiện huyện đảo Trường Sa đã hoàn thành hệ thống điện năng ứng dụng năng lượng gió, năng lượng mặt trời đưa vào sử dụng, bảo đảm cho các hoạt động của quân và dân trên đảo. Tập đoàn Viễn thông Quân đội cũng đã lắp đặt các trạm thu phát sóng điện thoại di động, truyền số liệu trên đảo, góp phần nâng cao chất lượng đời sống văn hóa, tinh thần cho quân và dân huyện đảo Trường Sa.

Chị Lê Thị Hoa, công dân thị trấn Trường Sa cho biết, nhà chị có con nhỏ nên dùng khá nhiều điện. Rất may là những tháng nóng nực này, điện ở Trường Sa vẫn ổn định nên chị và các gia đình trên đảo rất yên tâm.

Có sức người “sỏi đá cũng thành cơm”

Không chỉ ấn tượng về hệ thống điện, bể nước ngầm, vườn rau xanh trên đảo, sự sáng tạo của các cán bộ, chiến sỹ trên quần đảo Trường Sa cũng để lại cho chúng tôi nhiều cảm xúc.

Sơn Ca là đảo nổi đầu tiên trong chuyến hành trình của chúng tôi đến với quần đảo Trường Sa. Đang nhìn những đảo chìm không một bóng cây to, đảo Sơn Ca hiện lên trước mắt chúng tôi như một bức tranh. Những ngư dân có kinh nghiệm đi biển cho biết, trên đảo có nhiều cây cối xanh tốt, nhiều cây sống lâu năm cành lá sum suê, rợp bóng mát, rất thích nghi với điều kiện sống của loài chim sơn ca nên từ bao đời nay, loài chim này thường đến đây làm tổ, nuôi con và sinh sống. Chính vì thế, người ta đặt tên cho đảo là Sơn Ca.

Thiếu tá Ngô Ngọc Tú, quê ở Hải Phòng, mới ra đảo được mấy hôm bật mí cho tôi về một điều thú vị trên đảo. Đó chính là những sập gỗ, những bộ bàn ghế, những bộ khay uống trà bằng gỗ khá “sang” được kê ngay sảnh dãy nhà làm việc để khách tới thăm đảo ngồi nghỉ ngơi. Để có được những bộ bàn ghế như thế này, nếu ở Hà Nội, gia chủ sẽ phải bỏ ra không ít tiền mới có thể sắm được. Thế thì tại sao các cán bộ, chiến sỹ của đảo Sơn Ca lại có tiêu chuẩn “sang” như vậy? Tò mò hỏi ra tôi mới biết, đây chính là sản phẩm từ khối óc, bàn tay khéo léo của các cán bộ, chiến sỹ trên đảo Sơn Ca.

Năm 2013, ra nhận công tác tại đảo Sơn Ca, Thiếu tá Đỗ Thế Tuyến thấy trên đảo có nhiều cây gỗ lớn dạt vào khi mùa mưa tới, anh liền tổ chức cho anh em xẻ gỗ, chế tác thành những bộ bàn ghế sang trọng. Đi dọc đảo, chúng tôi cũng gặp nhiều cụm san hô được trang trí thành hình gấu trúc, hình bông hoa rất đẹp… Thế mới biết, có sức người “sỏi đá cũng thành cơm”. Không gì có thể ngăn cản được sự bay bổng, sức sáng tạo của người chiến sỹ Hải quân.

Nước ngọt trên đảo Cô Lin

Máng lọc nước mặn thành nước ngọt trên đảo Cô Lin

Có một điều thú vị nữa mà chúng tôi bắt gặp ở đảo Cô Lin, đó chính là hệ thống lọc nước mặn thành nước ngọt được lắp đặt trên đảo. Nước biển được đổ vào một cái can treo trên cao, cho chảy từ từ xuống một máng lọc đặt bên dưới. Thế là một ngày cán bộ, chiến sỹ đảo Cô Lin đã có khoảng 30 lít nước ngọt phục vụ sinh hoạt.

Còn ở đảo chìm Đá Tây, chúng tôi được thưởng thức món cá chim trắng do Đội Nuôi trồng hải sản, Công ty Hải sản Trường Sa thuộc Lữ đoàn 129 gửi tặng. Những con cá tươi rói, mỗi con nặng hơn 2kg khiến những vị khách dù khó tính nhất cũng phải tấm tắc khen ngon.

Thiếu tá Đặng Văn Bình, Đội trưởng Đội Nuôi trồng hải sản cho biết, từ năm 2007 Công ty Hải sản Trường Sa đã triển khai thử nghiệm việc nuôi cá lồng bè trên khu vực đảo Đá Tây. Rất nhiều loại cá đã được nuôi thử tại các lồng bè gần khu vực đảo như cá mú, cá chẽm, cá chim trắng…. nhưng đến nay chỉ có cá chim trắng là thích nghi và cho sản lượng tốt. Đây sẽ là cơ sở quan trọng cho các làng chài trên biển sau này.

Những đổi thay trên quần đảo Trường Sa không chỉ giúp quân và dân huyện đảo Trường Sa vững lòng hơn, yêu mến, gắn bó với biển hơn mà còn là sự động viên, thuyết phục của quân và dân Trường Sa gửi tới đất liền: hãy vững tin vào ý chí, quyết tâm và sức mạnh của những chiến sỹ đang ngày đêm bảo vệ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Những tán cây xanh mướt trên đảo Trường Sa Lớn

Cây cảnh, chim cảnh và bộ bàn ghế, sập gỗ do các
cán bộ, chiến sỹ đảo Sơn Ca tự đóng

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/xa-hoi/nhung-doi-thay-tren-quan-dao-truong-sa-185391.html