Những đòi hỏi sau một cuộc bỏ phiếu

Sự hứng khởi với một tổng thống trẻ tuổi sẽ nhanh chóng qua đi nhường chỗ cho một thực tại khó khăn.

Tuổi trẻ, tài năng và các tư tưởng tự do, cởi mở của Emmanuel Macron thổi một luồng sinh khí mới vào hy vọng tái sinh nước Pháp hùng mạnh về kinh tế. Ảnh: TL

Hơn 66% cử tri Pháp đi bầu hôm 7-5 đã chọn Emmanuel Macron làm Tổng thống mới của nước này, vị nguyên thủ trẻ nhất trong lịch sử nước Pháp kể từ thời Napoleon. Đây cũng là chiến thắng áp đảo của ông Macron.

Nhưng khi sự hứng khởi giảm dần, có thể nhận ra rằng sự áp đảo này chỉ có tính chất tương đối. Nước Pháp có 47 triệu cử tri đủ điều kiện đi bầu nhưng hôm Chủ nhật, khoảng 25% trong số này, tức 12 triệu người, đã chọn cách ở nhà, con số cao nhất kể từ năm 1969. Trong số những người đi bầu, lại có khoảng 4 triệu người nữa bỏ phiếu trắng (vote blanc) hoặc vứt vào hòm phiếu một lá phiếu không hợp lệ (vote nul). Tính ra, 16 triệu cử tri Pháp đã không hề chọn cho mình một ai làm tổng thống, dù đó là Emmanuel Macron hay Marine Le Pen.

Luật bầu cử Pháp quy định, phiếu trắng (vote blanc) không được tính vào kết quả bầu cử nhưng vẫn được kiểm đếm bởi từ ba năm nay, các nhà làm luật của Pháp tin rằng, phiếu trắng có giá trị như một thông điệp mà cử tri muốn phát ra trong một cuộc bầu cử. Nếu phiếu trắng được tính, số phiếu dành cho Emmanuel Macron sẽ tụt xuống 60,3% thay vì 66,1% và Marine Le Pen là 30,93% thay vì 39,9%.

Các con số mang đầy thông tin này thực ra chỉ chứng thực một điều: việc Emmanuel Macron vượt qua Marine Le Pen trước hết là một tình huống “không được phép cho Marine Le Pen thắng” hơn là “bầu để Macron thắng”. Vì nghĩa vụ cộng hòa mà các đảng phái khác và đa số cử tri Pháp phải bỏ phiếu cho Macron, nhằm ngăn chặn nguy cơ tan vỡ đất nước khi một người cực hữu với các chính sách kinh tế và đối ngoại “tự sát” như bà Marine Le Pen lên nắm quyền. Bầu cho Macron là một sự mặc định, chứ không hoàn toàn vì sự ủng hộ.

Chỉ trong vòng hơn hai năm, Macron đã tạo nên một biến động ngoạn mục đến mức khó tin trong bức tranh chính trị Pháp nhưng truyền thống chính trị phân chia “tả-hữu” của nước Pháp hàng trăm năm qua không biến mất một cách chóng vánh đến thế. Trong cuộc bầu cử 2017 này, cử tri Pháp bị đẩy vào một tình huống tương đối vô vọng và mất phương hướng. Họ có một cánh tả lụn bại và chia rẽ sâu sắc sau năm năm cầm quyền thất bại của chính quyền Francois Hollande. Họ có một cánh hữu tưởng chừng đang hồi sinh mạnh mẽ nhờ sức hút của François Fillon để rồi đúng vào giai đoạn quyết định, ứng cử viên này dính vào một xì căng đan cá nhân nghiệt ngã, hủy diệt mọi cơ hội chiến thắng.

Để so sánh thì có một con số: chỉ riêng cuộc bầu cử sơ bộ cánh hữu cuối năm 2016, François Fillon đã được trên 4 triệu người Pháp lựa chọn và trong suốt nhiều tháng trước khi xì căng đan “việc làm ảo” cho vợ con nổ ra, Fillon và cánh hữu được xem là không thể thua trong cuộc đua vào ghế Tổng thống, với tỷ lệ ủng hộ đỉnh cao lên đến 40% cử tri Pháp. Con số đó Emmanuel Macron chưa từng vươn tới và bên cạnh tài năng, may mắn thực sự đã đóng vai trò quan trọng đưa Macron lên đỉnh cao quyền lực.

Nhưng điều hành một nền kinh tế đứng thứ 6 thế giới và thứ 2 châu Âu như Pháp thì cần nhiều hơn cả tài năng lẫn may mắn. Chính trị là một cuộc chơi phức tạp của đảng phái, của các nhánh quyền lực và của các cuộc mặc cả đi đêm.

Trước khi trở thành tân Tổng thống Pháp, Emmanuel Macron chưa từng tham gia tranh cử và cũng chưa từng được bầu. Tương tự, đảng “Tiến bước” mới có 14 tháng tuổi của ông cũng chưa từng tham gia các cuộc bầu cử để cấy các ứng cử viên của mình vào bộ máy chính trị nước Pháp. Cuộc bầu cử lập pháp vào tháng 6 tới sẽ quyết định tân Tổng thống Macron sẽ có bao nhiêu không gian để hành động.

Nếu “Tiến bước” không chiếm được đa số trong quốc hội, điều khó khả thi, Macron sẽ phải tìm cách kéo các nhân vật chính trị thuộc các đảng phái khác tham gia chính quyền, trong một không gian chính trị mà các đảng cực hữu của Marine Le Pen và cực tả của Jean-Luc Melenchon đang trở thành các lực lượng chính trị đối lập lớn nhất, thay cho cánh hữu và cánh tả truyền thống.

Tổ chức chính trị của nước Pháp trao cho Tổng thống quyền lực rất lớn nhưng cũng trao cho Nghị viện một quyền lực tương đương. Macron sẽ không thể thực hiện được những mơ ước cải cách táo bạo nếu các bộ luật mà ông đề xuất không nhận được sự hậu thuẫn của một đa số trong Nghị viện. Pháp không như Mỹ và nếu chỉ bằng sắc lệnh, Tổng thống chỉ có thể điều hành một cách rất hạn chế.

Tuổi trẻ, tài năng và các tư tưởng tự do, cởi mở của Emmanuel Macron thổi một luồng sinh khí mới vào hy vọng tái sinh nước Pháp hùng mạnh về kinh tế. Nhưng, để hàn gắn một nước Pháp đã bị chia thành 4-5 xu hướng chính trị đối kháng gay gắt vào thời điểm này thì tính trẻ hay động năng mà Macron tạo ra thời gian qua là không đủ. Nước Pháp đang trong một thời điểm lịch sử, với đầy đủ các thách thức nghiêm trọng hơn nhiều các câu chuyện ngôn tình.

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/159906/nhung-doi-hoi-sau-mot-cuoc-bo-phieu.html/