Những điều lợi khi nhập khẩu, sản xuất ô tô là ngành nghề kinh doanh có điều kiện

Nhập khẩu, sản xuất ô tô là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, điều này sẽ giúp tạo đà phát triển cho doanh nghiệp trong nước

Việc bổ sung ngành, nghề sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ôtô vào danh mục ngành nghề sản xuất kinh doanh có điều kiện là phù hợp với Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ôtô đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 1168/QĐ-TTg ngày 16-7-2014. Cùng với đó, sẽ phát triển được ngành công nghiệp phụ trợ, tạo thêm việc làm cho người lao động.

Người tiêu dùng sẽ được lợi

Với việc được Quốc hội thông qua, ngành, nghề sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu xe ô tô đã chính thức được bổ sung vào danh mục những ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Theo đó, ngành sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu xe ô tô sẽ có hiệu lực thi hành từ 1-7-2017. Việc áp dụng chuyển tiếp đối với tổ chức, cá nhân đang đầu tư kinh doanh trong các ngành, nghề này sẽ được Chính phủ quy định.

Việc đưa ngành sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu xe ô tô trở thành ngành kinh doanh có điều kiện gây nên khá nhiều tranh cãi trong thời gian qua trước khi Quốc hội thảo luận và thông qua Luật Đầu tư mới. Nhiều thông tin cho rằng, việc nhập khẩu, lắp ráp, sản xuất ô tô vào danh mục này không có nghĩa là cản trở doanh nghiệp (DN) và không hạn chế quyền kinh doanh của DN mà là ra điều kiện, ai đáp ứng được thì kinh doanh. Nguyên nhân bởi vì ô tô là sản phẩm công nghệ phức tạp, đòi hỏi sự an toàn cao và liên quan đến tính mạng của nhiều người. Và việc áp điều kiện kinh doanh là để đảm bảo lợi ích cho người tiêu dùng trong việc bảo dưỡng, bảo hành sản phẩm nếu xảy ra sự cố.

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Đặng Huy Đông, nhìn từ nhiều góc độ khác nhau, khi chính sách ban hành có thể có mức độ tác động khác nhau đến những nhóm lợi ích khác nhau. Nhưng Chính phủ phải căn cứ từ lợi ích tổng thể của nền kinh tế kết hợp hài hòa nhiều mục tiêu; trong đó, có một mục tiêu quan trọng là đảm bảo sự tồn tại, phát triển của ngành công nghiệp ôtô Việt Nam, bảo vệ những đơn vị đã đầu tư và đang hoạt động trong lĩnh vực sản xuất linh kiện, lắp ráp ôtô...

“Hơn nữa, theo quy định của Luật Đầu tư, việc điều chỉnh các ngành nghề kinh doanh có điều kiện là hoạt động diễn ra thường xuyên phù hợp tình hình diễn biến kinh tế. Do vậy, tùy từng giai đoạn kinh tế phù hợp mà những ngành nghề kinh doanh có điều kiện có thể đưa ra, bỏ vào danh mục là điều bình thường. Việc đưa ngành nghề này vào danh mục nhằm đưa ra cơ sở pháp lý quản lý, không tạo rào cản cho DN,” ông Thứ trưởng Đặng Huy Đông cho biết.

Trước đó, đại diện Bộ KH&ĐT cũng khẳng định: Việc đưa ngành sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô trở thành ngành nghề kinh doanh có điều kiện không chỉ mang lại lợi ích cho người tiêu dùng, DN mà còn cho cả quốc gia. Cụ thể, người tiêu dùng sẽ được bảo vệ, yên tâm về chất lượng xe và dịch vụ bảo hành, góp phần an toàn cho chủ xe và người tham gia giao thông. Ở góc độ DN, quy định sẽ minh bạch hóa điều kiện sản xuất, kinh doanh đối với cả DN trong và ngoài nước.

Theo các chuyên gia kinh tế của Bộ KH&ĐT, việc đưa ngành nghề này vào danh mục ngành nghề kinh doanh không phải gấp gáp, trước đó đã có sự tham vấn, bàn luận với các Bộ liên quan, cân nhắc kỹ trước khi đưa vào áp dụng.

Sản xuất, lắp ráp ô tô đòi hỏi điều kiện khắt khe về môi trường và an toàn.

Cần phải có điều kiện đi kèm

Mỗi khi chính sách của Nhà nước có sự thay đổi là đều được sự chú ý đặc biệt từ dư luận, nhất là chính sách liên quan đến ô tô. Tâm lý người tiêu dùng hiện nay đều mong muốn được mua xe nhập khẩu với giá rẻ. Nhưng không có quốc gia nào muốn phát triển công nghiệp ô tô, lại để ô tô nhập khẩu giá rẻ tràn vào. Chính vì vậy, khi có bất cứ một sự thay đổi về chính sách của Nhà nước đều được sự quan tâm và phản hồi của dư luận.

Nêu quan điểm về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho biết: Các mục tiêu phát triển công nghiệp ô tô Việt Nam đến nay nhìn chung là chưa đạt được như mong muốn nếu không muốn nói là thất bại, không đạt mục tiêu đề ra. Nguyên nhân thì có nhiều nhưng một nguyên nhân cơ bản là chính sách thay đổi liên tục, quy mô thị trường còn nhỏ, giá xe quá cao với hầu hết người dân. Công nghiệp phụ trợ không phát triển cũng do thị trường nhỏ và chưa có chính sách khuyến khích các DN đầu tư.

Cũng theo ông Thanh: Ngành công nghiệp hỗ trợ công nghiệp ô tô đã hình thành, nhưng mới chỉ sản xuất được một số ít chủng loại phụ tùng đơn giản, có hàm lượng công nghệ thấp như gương, kính, ghế ngồi, bộ dây điện, ắc quy, săm-lốp, sản phẩm nhựa...

Theo thống kê, hiện Việt Nam có 46 liên doanh sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu ô tô được ủy quyền chính hãng. Cũng theo số liệu thống kê từ Bộ KH&ĐT, ngành công nghiệp ô tô đóng góp khoảng 2% cho GDP và dự kiến đến năm 2030 sẽ là khoảng 5% GDP của cả nước “Việc Chính phủ bổ sung “ngành sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu xe ô tô” vào danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện trong khi vẫn giữ nguyên ngành “kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng xe ô tô” là một bước để lập lại thị trường ô tô trong nước và giúp các DN sản xuất ô tô trong nước phát triển” - ông Thanh phân tích..

Theo phân tích của các chuyên gia kỹ thuật, dòng đời một chiếc ô tô thường rất dài, có thể kéo dài đến hàng chục năm. Chúng là loại phương tiện đòi hỏi sự an toàn cao vì liên quan đến tính mạng không chỉ của chủ phương tiện, gia đình, người thân của họ mà còn liên quan đến nhiều người tham gia giao thông. Vì vậy, việc bổ sung “ngành sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu xe ô tô” vào danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện là cần thiết để người bán hàng có đầy đủ thủ tục pháp lý và điều kiện để có thể bảo hành, bảo dưỡng, sửa chữa mỗi khi nhà sản xuất phát hiện ra lỗi trên xe.

Có như vậy mới có thể phát triển ngành công nghiệp ô tô trong nước đi theo Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020 đã được Chính phủ phê duyệt trong bối cảnh thị trường sẽ được mở toang do các hiệp định kinh tế được ký kết và sẽ có hiệu lực trong thời gian tới.

Trước đó, ngày 22-11, với 410/456 đại biểu biểu quyết tán thành (83,16%), Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư. Và liên quan đến đề xuất bổ sung ngành, nghề sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô vào danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, Ủy ban thường vụ cho biết nội dung này được 348/439 (chiếm 79,3% tổng số đại biểu Quốc hội) tán thành.

Sẽ không ngăn cản xe giá rẻ tràn vào Việt Nam

Trước câu hỏi liệu đưa ngành sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu xe ô tô vào danh mục kinh doanh có điều kiện có phải để ngăn cản làn sóng ô tô giá rẻ từ các nước trong khu vực tràn vào Việt Nam hay không, ông Phạm Anh Tuấn, Trưởng tiểu ban chính sách của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho rằng: Không thể làm được việc đó vì theo các Hiệp định đã được ký kết, thuế suất nhập khẩu ô tô từ Đông Nam Á về nước ta sẽ giảm dần về 0% vào năm 2018. Và khi đó thì không có gì có thể ngăn cản xe các nước khác tràn vào ngoài chất lượng và giá cả.

Nguyễn Khuê

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/thi-truong/nhung-dieu-loi-khi-nhap-khau-san-xuat-o-to-la-nganh-nghe-kinh-doanh-co-dieu-kien-98696/