Những điều chưa biết về danh phận Đệ nhất phu nhân

Những đòi hỏi của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron về việc chính danh cho người vợ Brigitte Macron đã trở thành nguồn cơn khiến dư luận Pháp tức giận và làm giảm mạnh uy tín của ông.

Và trong cuộc họp mới nhất hôm 9-8, chính phủ Pháp đã bác bỏ hoàn toàn đề xuất này của Tổng thống. Điều đáng chú ý là không chỉ Pháp mà ngay tại Mỹ cũng như nhiều quốc gia lớn khác ở châu Âu và trên thế giới, "đệ nhất phu nhân/phu quân" vẫn chỉ là một danh phận không chính thức.

Trong bài viết mang tên "Tại sao nước Pháp không muốn bà Brigitte Macron trở thành Đệ nhất phu nhân?" đăng tải trên hãng thông tấn Independent của Anh, tác giả Nabila Ramdani (một nhà báo người Pháp gốc Algeria) đã có những lý giải khá thú vị về sự giằng xé và mâu thuẫn trong công chúng Pháp.

Một mặt, họ ngưỡng mộ trước mối tình lệch tuổi giữa cô giáo và học trò của vợ chồng đương kim Tổng thống Macron, mặt khác, họ lại không muốn trao thêm bất kỳ quyền lực nào cho người phụ nữ khác biệt này.

Trên thực tế, Hiến pháp nước Pháp không có quy định cụ thể và rõ ràng nào về vị trí "Đệ nhất phu nhân". Tuy nhiên, bà Brigitte Macron hiện giờ, với vai trò là phu nhân Tổng thống Pháp, vẫn được chu cấp một văn phòng làm việc với 2-3 trợ lý và 2 phụ tá cùng một nhóm nhân viên an ninh.

Ngoài ra, bà Brigitte Macron còn được quyền sử dụng máy bay phản lực của chính phủ, thợ làm tóc và cả các nhân viên vệ sinh, làm vườn trong Điện Elysee nếu cần. Nhưng như nhà báo Nabila Ramdani đã viết: "Brigitte Macron mà tôi đã phỏng vấn trong chiến dịch bầu cử của chồng không phải là người có tham vọng cá nhân. Bà ý chỉ muốn được xem xét nghiêm túc về vai trò của mình bên cạnh chồng".

Bởi lẽ, như phân tích của Nabila Ramdani, phu nhân của các đời Tổng thống Pháp trước đây dù rất được tôn trọng nhưng cuối cùng vẫn chỉ được xem như một "bộ sưu tập thời trang", một điểm nhấn bên ông chồng quyền lực của mình mà không được có tiếng nói riêng.

Trong khi đó, bên kia Thái Bình Dương, trong suốt 8 năm ông Barack Obama tại vị Tổng thống Mỹ, Đệ nhất phu nhân Michelle Obama đã được đánh giá là có vai trò tích cực và quan trọng trong việc thúc đẩy vị thế của chồng trên chính trường trong nước cũng như trên quốc tế.

Các hoạt động xã hội của bà Michelle Obama đã phần nào đó giúp hình ảnh của ông Barack Obama trở nên "thần tượng" hơn trong mắt mọi người. Còn bà Brigitte Macron, kể cả khi không được trao một danh phận chính thức là Đệ nhất phu nhân thì bà vẫn đang làm rất nhiều công việc để củng cố hình ảnh và địa vị của chồng.

Mỗi tuần, bà đều nhận và xử lý khoảng 150 lá thư từ người dân gửi về Điện Elysee. Bà cũng mong muốn dành những năm tháng trong nhiệm kỳ Tổng thống của chồng để giúp đỡ "thay đổi đời sống của những người khuyết tật cùng thân nhân của họ".

Để khuyến khích cũng như ghi nhận các hoạt động xã hội của phu nhân, Tổng thống Emmanuel Macron đã nói về việc tìm kiếm danh phận cho vợ dưới tên gọi Đệ nhất phu nhân. Và như nhà báo Nabila Ramdani đã viết thì động thái này chỉ mang tính chất biểu tượng, là sự công nhận một phụ nữ chính trị có vị trí như thế nào chứ không phải mong muốn cho thêm ngân sách dành cho phu nhân.

Chính vì lẽ đó mà khi còn tranh cử, Tổng thống Emmanuel Macron đã khẳng định, ông muốn chính danh cho vợ nhưng bà sẽ không nhận lương của chính phủ hay đưa ra bất kỳ đòi hỏi nào để tạo nên gánh nặng tài chính cho ngân sách.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cùng phu nhân Brigitte Macron. Mặc dù bị chính phủ Pháp từ chối trao một danh phận chính thức song phu nhân Brigitte Macron vẫn đang nỗ lực hết mình cho các hoạt động xã hội. Ảnh: Getty Imagine

Vậy tên gọi "Đệ nhất phu nhân" xuất hiện từ đâu, bao giờ và nó có ý nghĩa gì trong danh phận của gia đình người quyền lực nhất của một quốc gia?

Theo các nhà nghiên cứu chính trị quốc tế, thuật ngữ "Đệ nhất phu nhân" (tiếng Anh là First Lady) là một phát kiến của người Mỹ và dành cho người là chồng hoặc vợ của người giữ vị trí cao nhất trong Nhà Trắng. Trong những ngày đầu của nền Cộng hòa tại Mỹ, không có tên gọi này cho phu nhân của Tổng thống.

Khi đó, các phu nhân Tổng thống Mỹ thích được gọi bằng những từ như "Lady", "Mrs. President" và "Mrs. Presidentress". Riêng phu nhân Tổng thống Washington, bà Marthe Washington thì thường được gọi là "Lady Washington" (Quý bà Washington).

Một trong những cách sử dụng thuật ngữ "Đệ nhất phu nhân" sớm nhất được áp dụng trong một bài báo xuất bản năm 1838 ở St.Johnsbury Caledonian bởi tác giả Mrs. Sigourney.

Bài báo đã bàn về cách bà Marth Washington không thay đổi thói quen và cuộc sống của mình ngay cả khi chồng bà trở thành Tổng thống. Bài báo có đoạn viết: "Đệ nhất phu nhân vẫn giữ được thói quen của việc dậy sớm và sau khi ăn sáng, bà dành một giờ để nghiên cứu về những lời dạy về giáo lý và lòng thành kính".

Đến năm 1849, Dolley Madison, phu nhân Tổng thống James Madison được gọi là "Đệ nhất phu nhân" trong diễn văn của Tổng thống Zachary Taylor tại đám tang của chính bà nhưng cho đến nay, người Mỹ vẫn chưa tìm thấy bất cứ một báo cáo nào đề cập đến việc bà được gọi bằng thuật ngữ đó.

Khoảng thời gian 1849-1877, danh hiệu này bắt đầu được một số nhóm xã hội tại thủ đô Washington D.C của Mỹ sử dụng. Thuật ngữ này cũng được nhắc đến trong dòng nhật ký ghi ngày 3-11-1863 của William Howard Russel khi ông viết những mẩu chuyện thú vị về "Đệ nhất phu nhân" Mary Todd Lincoln - phu nhân Tổng thống thứ 16 của Mỹ Abraham Lincoln...

Danh hiệu "Đệ nhất phu nhân" lần đầu tiên được công nhận trên khắp nước Mỹ là vào năm 1877 khi nhà báo Mary C.Ames giới thiệu bà Lucy Webb Hayes trong khi viết về lễ nhậm chức của Tổng thống Rutherford B.Hayes.

Khi đó, nhà báo Mary C.Ames đã nhấn mạnh đến vai trò và các hoạt động của bà Lucay Hayes trong quá trình tranh cử của chồng và thời gian sau đó sử dụng rộng rãi, nhiều lần từ "Đệ nhất phu nhân". Nhưng có lẽ, vở hài kịch nổi tiếng năm 1911 về nhà thờ Dolley Madison của nhà biên kịch Charles Nirdlinger với tựa đề "The First Lady in the land" mới thực sự giúp cho tên gọi này được phổ biến rộng rãi hơn.

Từ năm 1930, không chỉ Mỹ mà nhiều quốc gia khác bắt đầu dùng danh hiệu này. Còn trong chính quyền Washington, Đệ nhất phu nhân Mỹ đôi khi còn được gọi tắt là "FLOTUS" (chữ đầu của cụm từ tiếng Anh "First Lady of the United States). Và cho đến nay, "Đệ nhất phu nhân" ở Mỹ cũng không phải là một chức danh chính thức nhưng nó lại bao hàm một vị trí rõ ràng trong xã hội Mỹ và cũng có tính chất lễ nghi cao.

Vai trò của Đệ nhất phu nhân tại Mỹ cũng phát triển qua nhiều thế kỷ và có mức độ ảnh hưởng chính trị lớn tới Tổng thống. Từ thế kỷ 20 đến nay, các Đệ nhất phu nhân Mỹ đã chú trọng nhiều hơn tới vai trò và hoạt động của mình nhằm quảng bá và làm đẹp hình ảnh của người chồng là Tổng thống, ông chủ Nhà Trắng.

Khánh Chi

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/tu-lieu-quoc-te/nhung-dieu-chua-biet-ve-danh-phan-de-nhat-phu-nhan-453397/