Những điều chưa biết về cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm

Trước khi được trao trả về cho gia đình bác sĩ Đặng Thùy Trâm tại Việt Nam, cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm đã được dịch ra tiếng Anh và sao chép thành hàng trăm bản gửi cho các cựu chiến binh Mỹ cùng đọc.

Những người quan tâm đến cuốn nhật ký của bác sỹ Đặng Thùy Trâm hẳn đã nghe nói nhiều về chặng đường di chuyển đầy bí ẩn và ly kỳ của cuốn sổ trước khi quay về Việt Nam. Nhưng còn có những câu chuyện xúc động hơn đằng sau những trang viết đã được nhà báo, đại tá Đặng Vương Hưng chia sẻ với bạn đọc báo PNVN.

Theo nhà báo, đại tá Đặng Vương Hưng, tháng 9/1971, Carl W.Greifzu, một cựu chiến binh Mỹ trong chiến tranh Việt Nam đã có cơ duyên khi được Fredric Whitehurst, đã từng là lính Mỹ tại chiến trường Đức Phổ, Quảng Ngãi gửi giữ hộ cuốn sổ tay của bác sỹ Đặng Thùy Trâm. Những ký ức về cuộc chiến luôn ám ảnh, nên ông Carl W.Greifzu thường nhờ vợ là bà Trần Thị Kim Dung đọc cho nghe từng đoạn của cuốn nhật ký. Càng ngày những dòng nhật ký viết chân thật về cuộc sống nơi chiến tuyến càng cuốn hút ông. Nhận ra giá trị của di vật đặc biệt của một “nữ bác sỹ Việt Cộng”, Carl W.Greifzu đã đề nghị vợ dịch toàn bộ nội dung ra giấy bằng tiếng Anh với mong muốn để nhiều người, đặc biệt là các cựu chiến binh Mỹ cùng được đọc, giúp họ hiểu thêm về cuộc chiến tranh ở Việt Nam.

Trang đầu tiên của tập bản thảo viết tay gốc dịch cuốn Nhật ký sang tiếng Anh

Trong thập niên 80, bà Trần Thị Kim Dung đã dịch cuốn bản thảo tại Mỹ, gồm 102 trang, được viết bằng bút chì trên hai mặt giấy, với nhiều nét chữ hiệu đính. Đây là bản dịch tiếng Anh đầu tiên của Nhật ký Đặng Thùy Trâm. Từ bản dịch viết tay này, cựu binh Carl W. Greifzu đã trực tiếp hiệu đính và sử dụng máy chữ gõ thành văn bản hoàn chỉnh dài 121 trang. Sau đó, ông photo thêm hàng trăm bản gửi cho các cựu binh Mỹ cùng đọc. Nhờ bản dịch này, các cựu binh Mỹ đã hiểu được giá trị, ý nghĩa của cuốn nhật ký, hiểu thêm về cuộc chiến tranh ở Việt Nam và họ đã quyết định tìm mọi cách trao trả cho gia đình liệt sỹ Đặng Thùy Trâm.

Trong lần sang thăm Việt Nam vào tháng 3/2016, ông Carl W.Greifzu đã trao cho đại tá Đặng Vương Hưng những tài liệu quý giá liên quan đến cuốn nhật ký này.

Tháng 5/2016, tập bản thảo gốc bản dịch tiếng Anh đầu tiên của “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”, gồm 121 trang giấy khuôn khổ 20 x 26 cm, được đánh bằng máy chữ và có bút tích chỉnh sửa tất cả các trang đã được trao tặng cho Bảo tàng Chứng tích chiến tranh.

Tập bản thảo dịch tiếng Anh viết tay gốc được trao tặng cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam

Ngày 21/7/2017, tập bản thảo viết tay gốc dịch cuốn nhật ký sang tiếng Anh đã được nhà báo Đặng Vương Hưng trao tặng bảo tàng Phụ nữ Việt Nam với mong muốn mang lại những giá trị lịch sử cho thế hệ Việt Nam hôm nay.

Mời bạn nghe chia sẻ của nhà báo, đại tá Đặng Vương Hưng chia sẻ thêm về cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm tại đây:

PV (Ghi theo lời kể của nhà báo Đặng Vương Hưng và tư liệu của Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam)

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/kho-bau/nhung-dieu-chua-biet-ve-cuon-nhat-ky-dang-thuy-tram-post30411.html