Những điều cần biết về bướu cường giáp

PNO – Tuần qua, một số bạn đọc gửi câu hỏi đến Phòng mạch miễn phí của PNO thắc mắc về bướu cường giáp. Khi điều trị bệnh này có hết hoàn toàn không? Vì sao phải làm xét nghiệm TRAb?

Ảnh: Internet Chị Tuyết (ngụ Q.5, TPHCM) cho biết: “Tôi bị bướu cường giáp đã hơn 4 năm. Điều trị 18 tháng, kết quả xét nghiệm TSH và FT4 bình thường, bác sĩ nói đã ổn định nên cho ngưng thuốc. Sau 5 tháng, kết quả xét nghiệm 2 chỉ tiêu trên không bình thường, bác sĩ cho biết tôi bị tái phát. Nhưng lần điều trị sau này, mỗi khi tái khám, bác sĩ cho tôi xét nghiệm thêm chỉ tiêu TSH Receptor (TRAb). Mỗi khi xét nghiệm, chỉ tiêu này đều nằm ngoài giới hạn bình thường. Uống thuốc được hai năm, các chỉ tiêu TSH và FT4 của tôi bình thường nhưng TRAb thì vẫn vậy. Thế nhưng, bác sĩ nói bướu của tôi đã ổn định và cho ngưng uống thuốc. Vậy bác sĩ đề nghị tôi làm xét nghiệm TRAb để làm gì?”. Giải đáp những thắc mắc về bệnh cường giáp nói chung và thắc mắc của chị Tuyết nói riêng, bác sĩ Võ Tuấn, Phó trưởng khoa Khám bệnh - Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM phân tích: Cường giáp là tình trạng tuyến giáp tăng hoạt động quá mức gây tăng hoc-mon tuyến giáp (biểu hiện bằng chỉ số FT3, FT4 tăng cao trong máu) gây nên các triệu chứng cường giáp (hồi hộp, run tay, sụt cân, mất ngủ...). Cường giáp do nhiều nguyên nhân như bệnh basedow, bướu giáp đơn hạt độc, bướu giáp đa hạt độc, viêm giáp... Trong đó, bệnh basedow thường gặp nhất, chiếm hơn 90%. Basedow (dân gian thường gọi là bướu cổ lồi mắt, bướu tim) là bệnh lý tự miễn do cơ thể người bệnh tự tạo ra kháng thể TSH (TRAb) gắn kết với thụ thể TSH trên màng tế bào kích thích gia tăng sản xuất ra các hoc-mon tuyến giáp (FT4, FT3). Khi hoc-mon tuyến giáp tăng cao quá mức gây nên tình trạng nhiễm độc giáp. Vì vậy, chuyên gia y tế theo dõi điều trị bệnh lý cường giáp bằng các chỉ số TSH, FT4 và TRAb. Điều trị basedow bằng thuốc kháng giáp nhằm ức chế tổng hợp các hoc-mon tuyến giáp để bệnh trở về tình trạng ổn định (TSH, FT4, FT3 bình thường). Hiện nay, chưa có thuốc đặc hiệu ức chế TRAb. Do đó, sau thời gian điều trị (thường từ 18-24 tháng) các chỉ số FT3, TF4, TSH bình thường là tình trạng bệnh ổn định. Chỉ số TRAb là yếu tố để bác sĩ dự đoán khả năng tái phát của bệnh. Riêng những bệnh nhân bị bệnh cường giáp đã từng tái phát sau khi điều trị dù hiện tại bệnh ổn định, nhưng chỉ số TRAb cao, thì bác sĩ có thể xem xét điều trị tiếp bằng phẫu thuật hoặc phóng xạ I131 để giảm khả năng tái bệnh. Tuy nhiên, tùy từng trường hợp bệnh, bác sĩ sẽ có hướng điều trị cụ thể khác nhau. Vì vậy, người bệnh nên đi khám lại ở các cơ sở điều trị chuyên khoa bệnh lý tuyến giáp để được tư vấn cụ thể hơn. Nguyên Hạnh (ghi)

Nguồn Phụ Nữ TP.HCM: http://www.phunuonline.com.vn/suckhoe-dinhduong/2011/Pages/nhung-dieu-can-biet-ve-buou-cuong-giap.aspx