Những điểm sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh về Bà mẹ Việt Nam anh hùng

QĐND - Tại Phiên họp thứ 12 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII (UBTVQH) đã biểu quyết thông qua Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh quy định Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” (gọi tắt là Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung). Đây là việc làm cần thiết, kịp thời, tiếp tục thể hiện sự tôn vinh, tri ân và đền ơn, đáp nghĩa của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với những bà mẹ có nhiều cống hiến cho đất nước, qua đó góp phần giáo dục truyền thống các thế hệ người Việt Nam...

Sự cần thiết của Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung

Sau gần 18 năm thực hiện Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước "Bà mẹ Việt Nam anh hùng" (ban hành ngày 29-8-1994), đã có 49.609 bà mẹ được tặng và truy tặng danh hiệu cao quý này. Trên thực tế, những năm qua, Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều chế độ, chính sách ưu đãi, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của các Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Cùng với đó, các cơ quan, tổ chức, cá nhân cũng đã có nhiều hoạt động thiết thực chăm sóc, phụng dưỡng các bà mẹ cả về vật chất, tinh thần. Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đến nay đã có 100% các bà mẹ được nhận chăm lo phụng dưỡng đến cuối đời; thường xuyên được động viên, thăm hỏi tặng quà trong các dịp lễ Tết; trao tặng nhà tình nghĩa; khám, chữa bệnh định kỳ…

Tuy nhiên, theo Tờ trình của Chính phủ do Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tại phiên họp của UBTVQH vừa qua, quá trình tổ chức thực hiện cho thấy, vẫn còn những bà mẹ có nhiều cống hiến hy sinh nhưng chưa được tôn vinh. Nội dung chế độ, chính sách đối với các bà mẹ mới chỉ dừng lại ở sự ưu đãi về vật chất, chưa quy định, cụ thể hóa nội dung chính sách tôn vinh về giá trị tinh thần; chưa quy định chế độ, chính sách đối với các Bà mẹ Việt Nam anh hùng từ trần. Ngoài ra, Pháp lệnh hiện hành chủ yếu mới xem xét áp dụng đối với các bà mẹ có 3 con là liệt sĩ trở lên hoặc chỉ có 1 con hoặc 2 con nhưng đều là liệt sĩ. Mặt khác, các Bà mẹ Việt Nam anh hùng hiện nay, hầu hết tuổi đã cao, sức đã yếu, số mẹ còn sống không nhiều. Theo kết quả giám sát của UBTVQH, số Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống khoảng 8% so với tổng số đã được công nhận (hiện nay còn 3.923/49.609 Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống). "Pháp lệnh ưu đãi người có công không quy định về điều kiện đối tượng công nhận "Bà mẹ Việt Nam anh hùng". Vì vậy, việc sửa đổi Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước "Bà mẹ Việt Nam anh hùng" để đồng bộ với việc sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng là hết sức cần thiết, kịp thời" - Bộ trưởng Phùng Quang Thanh nhấn mạnh khi đọc Tờ trình.

Đoàn viên, thanh niên Thành đoàn Hà Nội thăm, tặng quà Bà mẹ Việt Nam anh hùng Bùi Thị Bệc, khu phố 5, phường 3, thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị.

Thêm nhiều “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” được tôn vinh

Dự thảo Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều quy định Danh hiệu vinh dự Nhà nước "Bà mẹ Việt Nam anh hùng" tập trung vào hai vấn đề trọng tâm tại Điều 2 "Quy định những trường hợp được tặng, truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ Việt Nam anh hùng" và Điều 4 "Quy định một số chế độ ưu đãi của pháp lệnh hiện hành". Tại Điều 2 của Pháp lệnh hiện hành (năm 1994) quy định 4 trường hợp được tặng hoặc truy tặng là: Có 2 con là liệt sĩ và có chồng hoặc bản thân là liệt sĩ; có 2 con mà cả 2 con là liệt sĩ hoặc chỉ có 1 con mà người con đó là liệt sĩ; có từ 3 con trở lên là liệt sĩ; có 1 con là liệt sĩ, chồng và bản thân là liệt sĩ.

Tại Điều 2 của dự thảo Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung, các trường hợp được tặng, truy tặng Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”, có nhiều ý kiến cho rằng, nên cân nhắc trường hợp “bà mẹ chỉ có 2 con mà 1 con là liệt sĩ, 1 con là thương binh hoặc bệnh binh nhưng suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên”.

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và nhiều đại biểu cho rằng, đối với những trường hợp này, nếu con là thương binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên khi chết do vết thương tái phát, sẽ được phong tặng là liệt sĩ. Còn đối tượng là bệnh binh khi mất không được xem xét để phong tặng liệt sĩ. Mặt khác, nếu mở rộng đến đối tượng là bệnh binh, thì cũng sẽ mở rộng thêm với nhiều đối tượng khác. Tuy nhiên, bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề về xã hội của Quốc hội lại bày tỏ, nếu bà mẹ rơi vào trường hợp như trên thì rất khổ, đây là trường hợp có sự cống hiến, hy sinh rất lớn, xứng đáng được tuyên dương. Ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, có thể mở rộng thêm đối tượng bà mẹ là bệnh binh, bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.

Sau khi thảo luận cho ý kiến, UBTVQH quyết định bỏ đối tượng bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên trong Điều 2. Như vậy, trong Điều 2 Pháp lệnh, sửa đổi, bổ sung được quy định như sau: "Những bà mẹ thuộc một trong các trường hợp sau đây được tặng hoặc truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”: Có 2 con trở lên là liệt sĩ; chỉ có 1 con mà người con đó là liệt sĩ; chỉ có 2 con mà 1 con là liệt sĩ và 1 con là thương binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; có 1 con là liệt sĩ và có chồng hoặc bản thân là liệt sĩ; hoặc có 1 con là liệt sĩ và bản thân là thương binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên”.

Tại Điều 4 của Pháp lệnh cũng đã kế thừa các quy định của Pháp lệnh năm 1994, bổ sung thêm quy định việc tổ chức lễ tặng hoặc truy tặng nhằm tôn vinh các Bà mẹ Việt Nam anh hùng về giá trị tinh thần. Theo đó, đã quy định rất cụ thể: "Người được tặng hoặc truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” được tặng bằng kèm theo huy chương và được hưởng các chế độ ưu đãi như sau: Được tổ chức lễ tặng hoặc truy tặng; được hưởng một khoản tiền một lần và được hưởng chế độ ưu đãi theo quy định của pháp luật ưu đãi người có công với cách mạng; khi Bà mẹ Việt Nam anh hùng từ trần, được tổ chức lễ tang trang trọng; kinh phí tổ chức lễ tặng hoặc truy tặng, tổ chức lễ tang do Nhà nước bảo đảm".

Ngoài ra, trong Nghị định hướng dẫn thi hành sẽ quy định về vấn đề phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng theo hướng tăng cường sự chỉ đạo, quản lý để có hiệu quả thiết thực hơn, tránh hình thức; giảm sự chênh lệch mức trợ cấp phụng dưỡng giữa các cơ quan, đơn vị nhận phụng dưỡng đối với từng Bà mẹ Việt Nam anh hùng.

Qua tổng hợp kết quả báo cáo của 63 tỉnh, thành phố về số gia đình có 2 liệt sĩ trở lên do ngành Lao động - Thương binh và Xã hội các địa phương đang quản lý và chi trả, dự kiến số lượng bà mẹ được tặng hoặc truy tặng theo Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung là 19.992 mẹ. Trong đó, còn sống 6.785 mẹ, chiếm 33,93%. Các Bà mẹ Việt Nam anh hùng được tặng hoặc truy tặng tiếp tục được hưởng chế độ đối với thân nhân liệt sĩ theo quy định. Dự toán kinh phí tăng thêm hằng tháng khoảng 331 tỷ đồng/năm; kinh phí một lần là 618 tỷ đồng, trong đó năm 2013, dự kiến khoảng hơn 285 tỷ đồng.

Pháp lệnh đã được UBTVQH thông qua ngày 18-10 vừa qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2013.

Bài và ảnh: Minh Mạnh

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/11/11/11/211859/Default.aspx