Những 'điểm sáng' trong tuần

Tiếp theo ông Trịnh Xuân Thanh, phiên họp thứ 8 Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã không công nhận tư cách đại biểu Quốc hội của bà doanh nhân có chân trong Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thị Nguyệt Hường vì đã tham gia Quốc hội từ khóa trước nhưng không khai mình có 2 quốc tịch Malta và Việt Nam.

Cầu Đồng Hoàng (quận Hà Đông, Hà Nội) được xây dựng từ những năm 1980 của thế kỷ trước. Ảnh: Dân trí

Năm 2004, Malta gia nhập EU, chỉ cần bỏ ra 1 triệu euro là cả gia đình được nhập quốc tịch, cao hơn 2 lần ở Mỹ. Dân ta đón nhận thông tin này không có gì đặc biệt. Làm đại biểu Quốc hội mà không trung thực thì… làm dân cũng khó!

Đứng đầu “bảng phong thần” hiện tại vẫn là anh Formosa với hàng trăm tấn chất thải rắn chôn giấu nhiều nơi đang được đào lên để hủy. Cơ quan có trách nhiệm về môi trường Kỳ Anh, Hà Tĩnh đã rụt rè lên tiếng công bố chất thải này có “hơi tí” độc hại. Chúng ta lại chờ xem các nhà khoa học công bố một chút độc hại này là bao nhiêu. Cái kim trong bọc đang từ từ thòi ra.

Tháng trước, Bộ Công an cùng Công an Hải Phòng phá vụ sàn nhảy cà phê thác loạn 400 người. Tuần này, cà phê Bon Sai ở Dĩ An, Bình Dương cũng bị tập kích, tóm gọn 400 khách thác loạn, 165 người bị giải về đồn thử ma túy (đều ở tình trạng phê). Rõ ràng, đây không phải tin giật gân với nhân dân các đô thị. Còn nhiều tụ điểm lắm, công khai cả đêm. Bao giờ cả nước ra quân dẹp “thác loạn” lúc đó mới là nổi đình đám.

Có lẽ, câu chuyện gia đình nhạc sĩ Văn Cao hiến tặng “Tiến quân ca” không còn là chuyện mới vì đã nói cả tháng trước, nay Quốc hội mới làm lễ tiếp nhận và truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh cho bác Văn Cao. Nhưng ý kiến của bác Vũ Mão, một “cựu thượng nghị sĩ”, về việc cách đây 35 năm, Quốc hội ta tiến hành sáng tác quốc ca mới là điểm chú ý của dư luận. Đó là năm 1981, Quốc hội khóa VI. Một cuộc thi lớn, tốn kém. 1.500 bài “quốc ca” được sáng tác. 17 bài vào chung kết, Đài Tiếng nói Việt Nam phát liên tục cả 17 bài để toàn dân chọn. Cuối cùng, Quốc hội vẫn chọn “Tiến quân ca”! Chúng tôi xin bổ sung thêm: “Tiến quân ca” trở thành “quốc ca” ngay từ khi đạo quân 34 người của Võ Đại tướng đã hát khi xuất quân dưới gốc đa Tân Trào (1944). Và ngày 2.9.1945, trong lễ tuyên ngôn độc lập, cả Ba Đình cùng hát. Bác Hồ ký sắc lệnh về Quốc ca tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa I (tháng 3.1945) để chính thức hóa.

Có một câu chuyện nhỏ xíu ở Hà Nội, xin kể ra đây để chúng ta cùng suy ngẫm. Ngày 17.7, các báo mạng đưa tin cây cầu nguy hiểm nhất thủ đô là cầu Đồng Hoàng thuộc quận Hà Đông. Cây cầu nhỏ dặt dẹo bắc qua con mương để 1.000 dân làng đi lại không có gì đáng nói vì ngay ở nội thành Hà Nội cũng còn nhiều chư vị dặt dẹo lắm. Nhưng vấn đề là vai trò chính quyền địa phương. Đã có biển: “Cầu có nguy cơ sập. Cấm người và các phương tiện”. Như thế là chính quyền đã xong trách nhiệm. Còn dân vẫn phóng xe máy, xe đạp, đi bộ qua cầu bình thường. Cấm mà vẫn cứ đi vì làm gì có lối đi khác. Bao giờ làm cầu mới nhỉ?

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/lao-dong-doi-song/nhung-diem-sang-trong-tuan-575065.bld