Những điểm nóng trong nền kinh tế

“Những bất ổn kinh tế vĩ mô hiện nay là đặc trưng của giai đoạn 2006 - 2010, ở nhiều lĩnh vực chúng ta đang “vô địch" những cái không ai mong muốn như lạm phát, thâm hụt tài khoản vãng lai, ngân sách, dự trữ ngoại hối…", đó là những phân tích của TS. Vũ Thành Tự Anh - Giám đốc Nghiên cứu Chương trình giảng dạy kinh tế Fullbright, Đại học Harvard Kennedy trả lời câu hỏi của báo giới về những điểm nóng này.

Ông đánh giá thế nào về việc phân bổ vốn đầu tư công hiện nay?

Phân bổ vốn đầu tư công hiện nay có nhiều cách, thứ nhất là theo lĩnh vực xã hội, chẳng hạn như y tế, giáo dục, văn hóa… nhưng những lĩnh vực này đang có xu thế giảm đi, cách đây 5 - 7 năm nguồn này khoảng 20%, thì hiện nay chỉ trên 15%, tức là chúng ta đang có một sự thiên lệch quá nhiều về kinh tế, mà quên mất những dự án đầu tư cho phúc lợi xã hội. Thứ hai, nếu nhìn cụ thể đầu tư vào từng ngành một thì có những lĩnh vực không thật sự mạnh nhưng lại đầu tư quá lớn, ví dụ như ngành thép, hiện nay có gần 50% dự án thép đã vượt ra ngoài quy hoạch, 50% dự án còn lại trong quy hoạch thì hoạt động chưa đến 50% công suất. Tương tự, với 88 khu kinh tế ven biển, nhưng tỉ lệ lấp đầy chưa đến 5%, 300 khu công nghiệp, hàng ngàn cụm công nghiệp cũng rơi vào tình trạng tương tự. Khi đầu tư không có trọng tâm, trọng điểm sẽ làm tăng chi phí đầu tư, không làm giảm chi phí cơ sở hạ tầng, giảm sức cạnh tranh của các doanh nghiệp.

Đây cũng là câu chuyện về quản lý của các doanh nghiệp nhà nước hiện nay?

Ở đây có 2 vấn đề lớn. Thứ nhất, những lĩnh vực nào tư nhân đang làm tốt thì DNNN không nhất thiết phải tham gia, chẳng hạn trường hợp cảng Cái Mép, Thị Vải. Hiện nay có rất nhiều dự án tư nhân đã đầu tư vào đây, nhưng vẫn có những dự án đầu tư liên doanh của các DNNN. Điều này cho thấy, DNNN đang cạnh tranh với doanh nghiệp tư nhân mà họ đang làm rất tốt, trong khi đó, việc kết nối từ cảng đến các đường vận chuyển chính dẫn đến cảng lại không có. Theo tôi, thay vì cạnh tranh trực diện với tư nhân, chúng ta nên dành nguồn vốn này đầu tư cho cơ sở hạ tầng, để đảm bảo sự kết nối, tạo nên cụm cảng có sức cạnh tranh tổng thể, chứ không phải cùng tranh nhau mấy mảnh đất để cùng xây cảng.

Vậy có thể đặt câu hỏi, liệu có chuyện lobby?

Lobby thì chắc chắn, còn tham nhũng thì tôi không biết.

Việc phân cấp đầu tư tràn lan hiện nay, có phải một phần do cơ quan chủ quản không thể quản lý hết?

Theo tôi điều này không đúng. Ví dụ, đầu tư vào khu công nghiệp, khi đầu tư vào đây có một quy định, các tỉnh nghèo đầu tư 2 khu công nghiệp đầu tiên sẽ được trung ương hỗ trợ 70 tỉ đồng, với điều kiện phải chứng minh khu đầu tiên lấp đầy trên 60%, thì khu thứ 2 sẽ được nhà nước tiếp tục hỗ trợ 70 tỉ. Khái niệm lấp đầy ở Việt Nam thường là trên đăng ký, thực tế có thể trống chơn nhưng đều được "vẽ" đã có dự án. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến thời gian qua mọc tràn lan các khu công nghiệp.

Có ý kiến cho rằng, chúng ta nên thành lập riêng một hội đồng tái cấu trúc lại nền kinh tế. Quan điểm của ông thế nào?

Tôi ủng hộ quan điểm này. Thứ nhất, các quy hoạch của Việt Nam hiện nay rất chồng chéo, quy hoạch nào cũng "hoành tráng" từ vài chục tỉ đến vài trăm tỉ USD. Khi không có sự điều phối thì dứt khoát quy hoạch nào cũng sẽ lớn như vậy, mà vấn đề này liên quan đến chuyện, đôi khi các cơ quan làm quy hoạch thường là thích những dự án lớn, càng to càng tốt, vì sẽ được hưởng theo %, tức là kinh phí để lập quy hoạch là tỉ lệ % nhất định của quy mô.

Khi quy hoạch có vấn đề thì phải có một cơ quan nào đó điều phối. Về lý thuyết thì phải là Chính phủ, nhưng đến thời điểm này, tất cả các quy hoạch lại do Chính phủ thực hiện. Cho nên cơ chế này hiện nay chưa phát huy tác dụng, do đó rất cần phải có một cơ quan có tính khách quan, không bị chịu áp lực của các nhóm chính trị, nhóm lợi ích nào.

Việt Nguyễn (thực hiện)

Nguồn TG&VN: http://www.tgvn.com.vn/Item/VN/KinhTe/2011/11/903D11765475B263/