Những điểm nhấn năm học mới trên vùng đất Vua Hùng

GD&TĐ - Cho đến thời điểm này, Phú Thọ đã sẵn sàng bước vào năm học mới 2017 - 2018. 9 nhiệm vụ chủ yếu, 5 giải pháp cơ bản cũng được ngành Giáo dục của vùng đất Vua Hùng cụ thể hóa cho phù hợp với địa phương trong năm học mới.

Những kết quả đạt được trong năm học vừa qua; nhiệm vụ và giải pháp "điểm nhấn" trong năm học mới cũng như giải pháp khắc phục một số khó khăn đang tồn tại được ông ông Nguyễn Minh Tường - Giám đốc Sở GD&ĐT Phú Thọ - trao đổi với báo Giáo dục và Thời đại.

Cụ thể hóa 9 nhiệm vụ và 5 giải pháp

- Năm học 2017 - 2018, ngành GD&ĐT tiếp tục thực hiện 9 nhiệm vụ chủ yếu, 5 giải pháp cơ bản. Giáo dục Phú Thọ sẽ triển khai những nhiệm vụ và giải pháp này như thế nào?

Để nâng cao hơn nữa chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW, nhiệm vụ chính và giải pháp trọng tâm trong năm học 2017-2018 và những năm tiếp theo là thực hiện có hiệu quả 9 nhiệm vụ chủ yếu, 5 giải pháp cơ bản theo tinh thần Kết luận số 455/TB-BGDĐT của Bộ Trưởng Bộ GD&ĐT tại Hội nghị với Giám đốc các Sở GD&ĐT trong đó nổi bật là:

Thứ nhất: Tiếp tục rà soát, điều chỉnh Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông trên cơ sở Bộ quy chuẩn của Bộ GD&ĐT.

Thứ 2: Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lí giáo dục các cấp học, xác định khâu đột phá trong việc thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 05-CT/TW và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) gắn với đội ngũ CBQL và giáo viên xứng đáng là đơn vị làm điểm trong thực hiện Chỉ thị 05 của tỉnh Phú Thọ.

Tổ chức rà soát điều chỉnh và thực hiện tốt quy hoạch phát triển nhân lực đáp ứng yêu cầu về số lượng chất lượng đội ngũ thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.

Thứ 3: Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ chương trình giáo dục phổ thông hiện hành tiếp cận chương trình giáo dục phổ thông mới, theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực của người học; đẩy mạnh đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông gắn với định hướng nghề nghiệp và phân luồng trong giáo dục phổ thông.

Thứ 4: Nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học và trình độ đào tạo; chú trọng việc đào tạo, bồi dưỡng Chuẩn hóa đội ngũ giáo viên ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu triển khai chương trình ngoại ngữ 10 năm đối với giáo dục phổ thông.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý giáo dục, nghiên cứu khoa học theo Quyết định số 117/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính Phủ. Triển khai trang thiết bị, đường truyền để có thể họp trực tuyến giữa Sở với tất cả các đơn vị trực thuộc; triển khai hệ thống camera giám sát trên 300 trường mầm non trong toàn tỉnh.

Thí điểm thực hiện Mô hình trường học thông minh (dự kiến thí điểm 20 trường trong năm học 2017-2018).

Thứ 5: Đẩy mạnh giao quyền tự chủ, tự chịu tránh nhiệm đối với các cơ sở giáo dục và đào tạo. Đổi mới công tác quản lý giáo dục và quản trị nhà trường; tăng cường kỷ cương, nề nếp, dân chủ, chất lượng quản trị tại các cơ sở giáo dục; chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, ý thức trách nhiệm của công dân với xã hội.

Thứ 6: Thực hiện hoàn thành các mục tiêu Kế hoạch xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2016-2020 gắn với Đề án xây dựng nông thôn mới, riêng năm 2018 công nhận mới 33 trường học đạt chuẩn quốc gia.

Thứ 7: Chủ động hội nhập quốc tế về giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học trên cơ sở đảm bảo các quy định hiện hành. Tập trung thực hiện có hiệu quả khâu đột phá về phát triển nguồn nhân lực theo tinh thần Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015-2020.

Các nhóm giải pháp để thực hiện nhiệm vụ là: Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong GD&ĐT; nâng cao năng lực lãnh đạo của cán bộ quản lý các cấp; tăng cường các nguồn lực đầu tư cho GD&ĐT; tăng cường công tác khảo thí và kiểm định chất lượng GD&ĐT; đẩy mạnh công tác truyền thông về GD&ĐT.

Ông Nguyễn Minh Tường - Giám đốc Sở GD&ĐT trao thưởng tại CLB Tiếng Anh dành cho HS THPT tỉnh Phú Thọ năm học 2016-2017

Đảm bảo đội ngũ, nâng chất lượng dạy học ngoại ngữ

- Một trong những khó khăn của Phú Thọ là thiếu giáo viên mầm non? Ông có thể cho biết cụ thể hơn về khó khăn này và giải pháp khắc phục trong năm học mới?

Tính đến thời điểm hiện tại, tỉnh Phú Thọ có 6.615 giáo viên/3.315 nhóm, lớp (đạt tỷ lệ đạt 02 giáo viên/nhóm, lớp) đảm bảo được các điều kiện chăm sóc, giáo dục trẻ.

Tuy nhiên, để tiếp tục đảm bảo tỷ lệ giáo viên/nhóm,lớp hàng năm (do quy mô nhóm, lớp tăng), Sở GD&ĐT tiếp tục đề xuất với UBND tỉnh cho hợp đồng giáo viên như những năm học trước, kinh phí chi trả do nguồn ngân sách tỉnh, huyện.

Về lâu dài để đảm bảo tối đa 2,2 giáo viên/nhóm trẻ và 2,5 giáo viên/lớp mẫu giáo theo quy định tại TT 06 thì cần phải có lộ trình và thời gian thực hiện.

Khuyến khích phát triển trường mầm non tư thục ở những nơi có điều kiện, những nơi phát triển các khu công nghiệp để giảm bớt áp lực về đội ngũ giáo viên mầm non cho các trường công lập trên địa bàn.

- Hội nghị tổng kết năm học 2016 - 2017 của giáo dục Phú Thọ cũng đưa ra hạn chế về chất lượng dạy học ngoại ngữ. Ông có thể chia sẻ những giải pháp cụ thể của địa phương để khắc phục hạn chế nói trên?

Để nâng cao chất lượng dạy học Ngoại ngữ, năm học 2017 - 2018, chúng tôi sẽ tập trung vào 3 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu như sau:

Một là: Tăng cường chỉ đạo để tổ chức mời các trường sư phạm các giáo sư, các nhà khoa học về bồi dưỡng cho giáo viên dạy ngoại ngữ nhằm đáp ứng các yêu cầu, đồng thời nâng cao ý thức tự bồi dưỡng của giáo viên.

Bồi dưỡng và tự bồi dưỡng tập trung vào các nội dung: Bồi dưỡng năng lực tự học cho giáo viên tiếng Anh; bồi dưỡng tổng hợp các kỹ năng giao tiếp nói chung; bồi dưỡng các kỹ năng được phát hiện là yếu nhất của giáo viên; bồi dưỡng phương pháp giảng dạy và nghiệp vụ sư phạm; bồi dưỡng phương thức đánh giá.

Hai là: Tăng cường công tác quản lý và sinh hoạt tổ, nhóm chuyên môn; đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra, đánh giá. Tăng cường công tác kiểm tra, dự giờ thăm lớp của Sở, Phòng, Ban giám hiệu, Tổ trưởng chuyên môn đối với giáo viên bộ môn nhằm kịp thời chấn chỉnh các sai sót, bổ sung những chỗ còn thiếu trong dạy học.

Tổ chức hội thảo, thao giảng rút kinh nghiệm dạy học, hội giảng giáo viên giỏi giữa các trường phổ thông trong tỉnh để nhân rộng các điển hình.

Đồng thời tổ chức các hình thức hoạt động ngoại khóa như: CLB Ngoại ngữ, đố vui, kể chuyện bằng tiếng Anh, hùng biện, ngày hội tiếng Anh, làm báo tường bằng tiếng Anh, các hoạt động trải nghiệm sáng tạo…. Xây dựng qui chế sử dụng tiếng Anh trong giờ học tiếng Anh.

Tăng cường hợp tác quốc tế trong dạy và học ngoại ngữ, mời giáo viên tình nguyện người nước ngoài có trình độ sư phạm giảng dạy cho học sinh và giáo viên; kết nghĩa với các trường trung học, trường chuyên nghiệp trong và ngoài nước để tổ chức giao lưu, hợp tác...

Ba là: Tăng cường CSVC từ các nguồn hợp pháp và công tác xã hội hóa để tiếp tục đầu tư xây dựng phòng học bộ môn ngoại ngữ, trang bị thiết bị dạy học môn ngoại ngữ, các phần mềm, các chương trình học trực tuyến, nguồn học liệu mở… cho các trường phổ thông.

Sẵn sàng cho năm học mới

- Cho đến thời điểm này ngành giáo dục Phú Thọ chuẩn bị như thế nào cho năm học mới?

Sở GD&ĐT Phú Thọ đã tập trung bồi dưỡng cho CBQL và giáo viên về thực hiện nhiệm vụ năm học; tổ chức tập huấn cho CBQL về công tác quản lý giáo dục và quản trị nhà trường; tập huấn cho giáo viên về đổi mới phương pháp giảng dạy theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh…

Đồng thời, chỉ đạo các phòng GD&ĐT, các cơ sở giáo dục: Rà soát, sửa chữa lại cơ sở vật chất, trang bị thêm các thiết bị dạy học, tổ chức tu bổ cảnh quan, khuôn viên nhà trường; cung ứng đủ sách giáo khoa, giấy, vở,... cho học sinh;

Bố trí, sắp xếp giáo viên, nhân viên theo vị trí việc làm, phân công các nhiệm vụ đảm bảo theo yêu cầu của các hoạt động dạy và học;

Hoàn thành công tác tuyển sinh đầu cấp, huy động học sinh đi học theo kế hoạch; quan tâm phát hiện và giúp đỡ những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh là con các đối tượng chính sách, học sinh khuyết tật, bảo đảm cho các em được hưởng đầy đủ chế độ chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước;

Hướng dẫn các đơn vị xây dựng và tổ chức học nội quy nhà trường, hoạt động sinh hoạt tập thể trong tuần đầu năm học 2017-2018, nhất là ở những lớp đầu cấp học.

Ngoài ra Sở GD&ĐT thành lập đoàn kiểm tra tại các đơn vị về công tác chuẩn bị cho năm học mới.

Đến thời điểm này ngành giáo dục Phú Thọ đã sẵn sàng để bước vào năm học mới.

- Xin cảm ơn ông!

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/nhung-diem-nhan-nam-hoc-moi-tren-vung-dat-vua-hung-3650278-v.html