Những điểm đáng chú ý trong dự thảo Luật Trợ giúp pháp lý

Dự thảo Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi) gồm 8 chương, 49 điều với những nội dung chính và điểm mới đáng chú ý.

Bộ Tư pháp vừa công bố dự thảo Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi) trong cuộc họp báo thường kỳ quý III năm 2016.

Chánh văn phòng Bộ Tư pháp, ông Đỗ Đức Hiển cho biết, dự thảo Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi) đã bổ sung các đối tượng được TGPL được quy định trong các luật ban hành sau Luật TGPL năm 2006 và Nghị định hướng dẫn thi hành Luật TGPL hiện hành. Đồng thời, dự thảo bổ sung mới một số đối tượng được trợ giúp pháp lý chưa được Luật hiện hành quy định bao gồm: Người thuộc hộ cận nghèo bị buộc tội, nạn nhân trong vụ việc bạo lực trên cơ sở giới có hoàn cảnh khó khăn về tài chính...

Trong dự thảo Luật TGPL (sửa đổi) cũng quy định rõ hình thức thực hiện trợ giúp pháp lý theo đúng bản chất và yêu cầu của trợ giúp pháp lý. Cụ thể, dư thảo trên đã kế thừa 03 hình thức trợ giúp pháp lý trong Luật hiện hành là tham gia tố tụng, tư vấn pháp luật và đại diện ngoài tố tụng. Đồng thời, dự thảo cũng bỏ quy định “các hình thức TGPL khác” để tránh tình trạng triển khai dàn trải, nặng về hình thức và trùng lắp với các hoạt động theo Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, Luật Hòa giải ở cơ sở...

Dự thảo Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi) có nhiều điểm mới đáng chú ý.

Theo ông Đỗ Đức Hiển, dự thảo Luật TGPL (sửa đổi) cũng quy định theo hướng nâng cao chất lượng dịch vụ và chuyên nghiệp hóa hoạt động trợ giúp pháp lý. Theo đó, dự thảo đã đưa ra những quy định nhằm nâng cao điều kiện tiêu chuẩn đội ngũ người, tổ chức cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý.

Cụ thể, dự thảo bổ sung điều kiện, tiêu chuẩn để trở thành Trợ giúp viên pháp lý là phải qua tập sự hành nghề để có những kỹ năng cần thiết trong công việc; không huy động cộng tác viên trợ giúp pháp lý khác (trừ luật sư) như quy định trong Luật hiện hành vì hiệu quả hoạt động trong thời gian qua của những cộng tác viên trợ giúp pháp lý không cao. Đồng thời, dự thảo luật cũng đưa ra điều kiện, tiêu chuẩn cho các tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý bao gồm tổ chức ký hợp đồng TGPL bằng nguồn lực của Nhà nước và đăng ký tham gia bằng nguồn lực của chính mình.

Ông Đỗ Đức Hiển cũng cho hay, dự thảo Luật TGPL (sửa đổi) cũng kế thừa các quy định của Luật hiện hành về tổ chức thực hiện TGPL của Nhà nước. Dự thảo luật sửa đổi quy định tổ chức thực hiện TGPL của Nhà nước là các Trung tâm TGPL Nhà nước cấp tỉnh (đơn vị sự nghiệp thuộc Sở Tư pháp do UBND cấp tỉnh thành lập). Đồng thời, Dự thảo không quy định Chi nhánh với tư cách là một đơn vị tổ chức của Trung tâm cũng như việc thành lập mới các Chi nhánh mà quy định chuyển tiếp việc rà soát các Chi nhánh đã thành lập theo Luật hiện hành để đưa ra các giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động hoặc giải thể.

Dự thảo Luật TGPL (sửa đổi) cũng đưa ra những quy định nhằm tiếp tục tạo cơ chế để các lực lượng xã hội tham gia công tác trợ giúp pháp lý. Cụ thể, dự thảo Luật đã bổ sung cơ chế ký hợp đồng với tổ chức, cá nhân nhằm tăng cường khả năng đáp ứng nhu cầu trợ giúp pháp lý Dự thảo luật cũng khuyến khích, ghi nhận và tôn vinh các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp, hỗ trợ phát triển hoạt động trợ giúp pháp lý.

Vân Anh

Nguồn: Người đưa tin

Video đang được xem nhiều nhất:

Đọc báo Pháp luật Đời Sống trong ngày cập nhật liên tục từng giờ tại chuyên mục Pháp Luật

Nguồn ĐS&PL: http://www.doisongphapluat.com/phap-luat/van-ban-phap-luat/nhung-diem-dang-chu-y-trong-du-thao-luat-tro-giup-phap-ly-a166612.html