Những 'đại tá đen' của tình báo Nga

Siêu sao triệu đô của CIA bị bắt như thế nào?

(ĐVO) Các đại tá Nga làm gián điệp cho Mỹ liên tiếp sa lưới

Các phiên tòa gián điệp đình đám mới đây đã diễn ra ở Moskva. Ban đầu, tòa án thành phố Moskva kết án đại tá dự bị Vladimir Lazar 12 năm tù chế độ nghiêm ngặt và tước quân hàm do tội làm gián điệp cho Mỹ. Ngày 6/6, Tòa án quân sự khu vực Moskva phạt đại tá an ninh FSB về hưu 61 tuổi Valery Mikhailov 18 năm tù vì tội phản quốc.

Hai tên phản bội này đã về hưu khi bị bắt, nhưng hai viên đại tá về hưu kiêm “chuột chũi” này vẫn tiếp tục làm việc cho tình báo nước ngoài. Dưới đây là tiết lộ và đánh giá của Andrei Viktorovich N., cán bộ phản gián cao cấp của Nga.

Siêu sao triệu đô của CIA

Ông Andrei Viktorovich N. cho biết, Lazar và Mikhailov đã cung cấp cho CIA những bí mật mà thời Liên Xô chúng đã bị dựa cột. Ví dụ, từ năm 2001-2007, Mikhailov đã chuyển cho các điệp viên CIA hàng ngàn tài liệu mật và tuyệt mật mà FSB soạn thảo để báo cáo cho ban lãnh đạo nước Nga và được CIA trả thù lao hơn 2 triệu USD. Đã đi qua tay hắn có các báo cáo gửi Tổng thống, Thủ tướng, Hội đồng An ninh Nga. Hắn rất thạo việc và được coi là nhà thông thái tiếng Nga.

Các báo cáo mật của FSB gửi Điện Kremlin bị Valery Mikhailov (áo đen) sao chép gửi cho CIA. Ảnh: Kommersant

Tại Cục Hành chính FSB, y là nhân viên sửa morat ngoài biên chế. Lợi dụng vị trí công tác, đại tá Mikhailov đã ghi từ máy tính bản sao các tài liệu vào đĩa USB. Sau đó, y bỏ các đĩa USB chứa thông tin tuyệt mật vào các hộp thư mật để các điệp viên Mỹ đến nhận lấy.

Như vậy, các tài liệu của FSB đã đồng thời gửi đến Phủ Tổng thống Nga ở Điện Kremlin, còn các bản sao của chúng thì đến tay Cục Tình báo Trung ương Mỹ CIA.

Sở dĩ, Mikhailov không sử dụng internet để liên lạc mà dùng hộp thư mật vì lo ngại Cục K của FSB và các cơ quan đặc vụ khác của Nga kiểm soát internet.

Khi FSB phát hiện thông tin bị rò rỉ, họ nhanh chóng bắt được một điệp viên Mỹ khi đang lấy các đĩa USB từ hộp thư mật. Sau vụ này, Mikhailov khẩn cấp xin nghỉ vì đã hết tuổi phục vụ. Nhưng điều đáng kinh ngạc là trong khi vẫn giữ quốc tịch Nga, y đã cùng gia đình thân thích chuyển sang Mỹ sống ở thành phố Arlington. Bằng tiền kiếm được từ CIA, y đã mua nhà ở Mỹ. Tên gián điệp này còn có các căn hộ ở Sevastopol, Ukraine có tổng diện tích trên 300 m2, và một căn hộ sang trọng trên đại lộ Lenin ở Moskva, chính là nơi hắn đã bị bắt.

Phản gián FSB đã phải kỳ công nắm mới lừa được Mikhailov từ Mỹ trở về Nga để bắt giữ. Lòng tham mù quáng đã làm hại hắn. Phản gián Nga đã tìm cách nhử hắn bằng một đề nghị cực kỳ hấp dẫn mà theo bản tính, Mikhailov không thể từ chối. Cuối cùng, ngày 7/9/2010, tên phản bội đã bị bắt tại căn hộ của hắn trên đại lộ Lenin ở Moskva.

Nay thì Mikhailov đang hy vọng chính quyền Mỹ sẽ đánh đổi một tình báo viên Nga nào đó hay trùm buôn lậu vũ khí Nga Viktor But mới đây bị Mỹ kết án 25 năm tù lấy hắn. Đã có những tiền lệ như vậy. Nhờ vụ đổi chác gián điệp vào năm 2010, các cựu cán bộ của SVR (Cục Tình báo đối ngoại Nga) và GRU (Tổng cục Tình báo - Bộ Tổng tham mưu quân đội Nga) là đại tá Aleksandr Zaporozhsky và đại tá Sergei Skripal, vốn đang chịu các mức án 18 và 13 năm tù vì bán đứng mấy trăm điệp viên Nga ở nước ngoài, đã được thả.

Tên Penkovski thứ hai

Danh sách dài các “đại tá đen”

Ngày 11/11/2002, đại tá SVR Aleksandr Sypachev bị Tòa án quân sự khu vực Moskva (MOVS) tuyên phạm tội phản quốc và bị kết án 8 năm tù. Hắn bị bắt khi chuyển tin mật cho nhân viên CIA.

Ngày 11/6/2003, MOVS kết án 18 năm tù đối với cựu phó trưởng phòng 1, Cục Phản gián của SVR Aleksandr Zaporozhsky. Viên cựu đại tá này làm việc cho CIA từ năm 1995. Tháng 7/2010, hắn được trao cho Mỹ trong khuôn khổ giao kèo đánh đổi lấy các tình báo viên bất hợp pháp Nga bị FBI bắt giữ ở Mỹ.

Ngày 5/3/2011, Tòa án thành phố Moska đã kết án 18 năm tù đại tá quân đội về hưu, cựu cán bộ của Bộ Năng lượng nguyên tử Nga và Bộ Tình trạng khẩn cấp Nga Andrei Khlychev vì tội cung cấp tin tức về các chương trình hạt nhân của Nga cho tình báo Mỹ.

Ngày 27/6/2011, MOVS kết án vắng mặt 25 năm tù đối với phó trưởng phòng của SVR, đại tá Aleksandr Poteyev, kẻ đã chạy khỏi nước Nga trước đó. Hắn đã cáo giác với tình báo Mỹ nhóm tình báo gồm 10 điệp viên bất hợp pháp của SVR vào tháng 6/2010.

Ngày 10/2/2012, Tòa án quân sự khu vực 3, tỉnh Moskva đã kết án 13 năm tù kỹ sư thử nghiệm cao cấp của sân bay vũ trụ Plesetsk trung tá Vladimir Nesterets, kẻ đã cung cấp cho CIA thông tin về các vụ thử nghiệm các hệ thống tên lửa chiến lược Nga.

Cựu đại tá GRU Sergei Skripal bị các nhân viên phản gián Nga so sánh với tên phản bội tai tiếng Oleg Penkovski. Đại tá GRU Penkovski đã bị tình báo Anh tuyển mộ và cung cấp cho họ thông tin về các điệp viên GRU hoạt động ở các nước châu Âu.

Penkovski được coi là một trong những điệp viên quan trọng nhất của phương Tây thời chiến tranh lạnh, bị Liên Xô tử hình năm 1963.

Sergei Skripal bị bắt vào tháng 12/2004 ở gần nhà hắn tên đại lộ Osen, không lâu sau khi hắn từ Anh trở về. Trước đó, FSB đã phát giác ra chính hắn là nguồn rò rỉ thông tin mật, nhưng để thật sự chắc chắn, họ đã tổ chức theo dõi Skripal, kẻ đã chuyển sang làm kinh doanh sau khi về hưu vào năm 1999.

Việc theo dõi đã khẳng định, viên sĩ quan hưu trí này đã nhiều lần gặp các nhà ngoại giao Anh công tác ở Moskva, cũng như các nhân viên Cục Tình báo Anh SIS (Secret Intelligence Service, tức MI-6) trên lãnh thổ Anh.

Theo thông tin của tình báo Nga, Sergei Skripal đã tiếp tục làm việc cho tình báo Anh cả sau khi đã về hưu bằng cách thu thập tin tức thông qua các đồng nghiệp ở Bộ Tổng tham mưu.

Trong quá trình điều tra kéo dài từ tháng 12/2004 đến cuối tháng 6/2006, Skripal đã khai rằng, “trong mỗi lần gặp, các đại diện tình báo Anh đều trả tiền thù lao bằng ngoại tệ vì thông tin nhận được cho y”.

Trong 9 năm làm việc cho tình báo Anh, Sergei Skripal đã nhận được hơn 100.000 USD. Ảnh: AP

Ngoài ra, viên đại tá này còn có tài khoản tại một nhà băng Tây Ban Nha, nơi tiền hàng tháng trả cho hắn được chuyển tới. Trong 9 năm làm việc cho tình báo Anh, Sergei Skripal đã nhận được hơn 100.000 USD một chút. Trong chuyện này người Anh tỏ ra bủn xỉn hơn người Mỹ.

Nhưng cuối cùng, người Anh cũng nhờ tay người Mỹ để cứu được điệp viên của họ ra khỏi nhà tù Nga. Hai viên đại tá Mikhailov và Lazar mới bị kết án cũng đang trông mong có được kết cục như thế.

Nếu như trước đây, những kẻ phản quốc thường bị xử bắn thì thời đại dân chủ, nhân đạo hiện nay, chúng thường được đánh đổi. Tất nhiên là người ta thường phải dùng đến biện pháp này để cứu những điệp viên giá trị nhất. Còn tên phản bội Lazar tuy bị án 12 năm tù nghiêm ngặt ở Nga, nhưng đâu phải là siêu sao của tình báo Mỹ. Tuy nhiên, hắn cũng đã gây tổn hại không nhỏ cho an ninh quốc gia Nga.

Giúp tên lửa Mỹ tấn công nước Nga

Đại tá Vladimir Lazar thì “chết” bởi tội bán bản đồ quân sự cho tình báo Mỹ. Bản án của tòa nêu: “Trong quá trình điều tra sơ bộ, đã xác định được rằng, cựu quân nhân Cục Địa hình quân sự của Bộ Tổng tham mưu quân đội Liên bang Nga, đại tá dự bị V. Lazar vào tháng 12/2008 đã chuyển giao cho điệp viên tình báo nước ngoài Aleksandr Lesment các bản đồ địa hình có chứa những thông tin cấu thành bí mật nhà nước”.

Vladimir Lazar tại tòa. Ảnh: 1tv.ru

Sau khi nghỉ và chuyển sang ngạch dự bị, Lazar làm việc tại công ty nhà nước một thành viên Goszemkadastrsiomka, nơi hắn cũng có quyền tiếp cận thông tin mật.

Theo yêu cầu của tình báo Mỹ, hắn đã thu thập gần 7.000 ảnh điện tử bản đồ địa hình lãnh thổ Nga. Y đã ghi các bản đồ này vào một đĩa cứng, sau đó sang Belarus để chuyển cho điệp viên CIA Lesment thông qua một người trung gian.

Trong phiên tòa mới đây, các chuyên gia Nga đã xác định rằng, các bản đồ đó có những thông tin mà khi lọt vào tay các nước khác có thể gây tổn hại lớn cho an ninh Nga.

Các bản đồ này cho phép đối phương lập kế hoạch bay rất chính xác cho tên lửa phóng từ mặt đất, biển và trên không, cũng như dễ dàng định hướng trên lãnh thổ Nga khi chuẩn bị và tiến hành các chiến dịch mặt đất.

Vì sao các sĩ quan về hưu lại phản bội? Phải chăng là vì lương hưu quá thấp?

Về vấn đề này, chuyên gia phản gián FSB Andrei Viktorovich N. cho rằng, lương hưu đại tá của Nga hiện nay thua xa thời Liên Xô. Hồi đó, lượng hưu đại tá cao gấp đôi lương bác sĩ hay kỹ sư. Còn nay thì thấp bằng một nửa mức lương trung bình ở Moskva. Mặc dù từ năm mới, chính phủ Nga đã tăng mấy lần lương cho quân nhân và tăng khá nhiều lương cho quân nhân về hưu, nhưng do hệ số giảm lương khi về hưu là 0,54 nên lương của sĩ quan về hưu thấp hơn gần 2 lần so với quy định pháp luật. Còn trước đó, các sĩ quan về hưu nói chung đều ở dưới mức nghèo và nhiều khi phải chuyển sang xin trợ cấp dân sự. Tuy nhiên, nghèo túng không thể biện minh cho sự phản bội.

Văn Phong

Nguồn Đất Việt: http://quocphong.baodatviet.vn/home/qpcn/nhung-dai-ta-den-cua-tinh-bao-nga/20126/220071.datviet