Những công trình tuổi trẻ vì cộng đồng

GD&TĐ - Giải thưởng Hồ Hảo Hớn năm nay vừa được chọn trao cho 6 tập thể.

Những công trình, sản phẩm được chọn trao giải xứng đáng được nhân rộng để qua đó góp phần lan tỏa những giá trị nhân văn sâu sắc, hướng đến cộng đồng xã hội.

Lần trao giải thưởng Hồ Hảo Hớn năm 2017 là năm thứ 15 liên tiếp Thành đoàn TPHCM vinh danh đóng góp nổi bật của các cá nhân, tập thể cho phong trào của giới trẻ thành phố.

Học bổng từ Đường chạy nghị lực

Đường chạy nghị lực VNU Will Run của các bạn đoàn viên thuộc Đoàn Trường ĐH Quốc tế là kết quả sự nỗ lực của các bạn đoàn viên, thanh niên nhằm mang lại nguồn học bổng cho học sinh, SV có hoàn cảnh khó khăn. Được thực hiện từ năm 2014, mục đích của Đường chạy nghị lực VNU Will Run là trao tặng học bổng cho các SV giàu nghị lực, vượt khó vươn lên trong cuộc sống.

Các SV Trường ĐH Quốc tế (ĐHQG TPHCM) đã chủ động tìm hiểu những bạn có hoàn cảnh khó khăn, tham khảo nhiều mô hình tổ chức hoạt động nhằm thu hút đông đảo SV cùng tham gia, kêu gọi các nguồn lực xã hội cùng chung tay đồng hành.

Chương trình đã nhận được sự ủng hộ tham gia từ ban giám hiệu nhà trường, các ban - văn phòng và SV của các trường thành viên ĐHQG TPHCM tham gia quyên góp bằng hiện vật và hiện kim phục vụ cho công tác tổ chức và gây quỹ cho các bạn. Sau 2 năm tổ chức, các bạn đã vận động hơn 600 triệu đồng gây quỹ học bổng và trao 80 suất học bổng cho các tấm gương nghị lực, vượt qua khó khăn.

“Ở đâu có nghị lực, ở đó có lối đi”, với phương châm này, Đường chạy nghị lực VNU Will Run tiếp tục là động lực để thúc đẩy ước mơ cho nhiều bạn SV nghèo. Trong đó, bạn Trần Hoàng Giang, SV Trường ĐH Quốc tế, đã nhận học bổng Đường chạy nghị lực năm 2014 và đã xuất sắc trúng tuyển vào Tập đoàn Grab tại Singapore.

Anh Lê Hải Đăng, Phó Bí thư Đoàn trường, cho biết sự khác biệt của chương trình là chính các bạn tham gia chạy và đóng góp nguồn kinh phí hỗ trợ, chứ không phải vận động từ các mạnh thường quân. Từ những kết quả ban đầu, Ban cán sự Đoàn ĐH Quốc gia TPHCM đã nâng lên thành Đường chạy nghị lực VNU Will Run với đối tượng trao học bổng được mở rộng hơn và duy trì tổ chức 2 năm/lần

Những công trình có sức lan tỏa xã hội

Một những công trình hướng tới đời sống của thanh niên công nhân thành phố là mô hình “Căn phòng mơ ước” dành cho thanh niên công nhân có hoàn cảnh khó khăn không đủ khả năng tự lo cho bản thân nơi ăn, chốn ở đã nhận được nhiều sự quan tâm của xã hội.

“Căn phòng mơ ước” của Trung tâm Hỗ trợ thanh niên công nhân TPHCM đã mang lại niềm vui, nụ cười cho nhiều gia đình thanh niên nghèo khi được hỗ trợ miễn phí tiền thuê phòng tại Khu lưu trú văn hóa trong vòng một năm. Bên cạnh đó, các gia đình còn được tặng thêm một số vật dụng, trang thiết bị nhằm ổn định cuộc sống như ti vi, quạt, nồi cơm điện, bếp gas, tủ thuốc gia đình…

“Căn phòng mơ ước” đầu tiên được trao tặng cho anh Nguyễn Văn Hồng (quê tỉnh Tiền Giang) và chị Trần Thị Thanh Trúc (quê tỉnh An Giang) tại Khu lưu trú văn hóa số 25 quận Bình Tân. Với thu nhập hàng tháng của hai vợ chồng chỉ vỏn vẹn có 7 triệu đồng mà còn phải lo cho con nhỏ đang tuổi ăn, tuổi học nên cuộc sống anh chị rất khó khăn.

Trung tâm Hỗ trợ thanh niên công nhân TP đã hỗ trợ tiền thuê nhà trọ, lắp đặt các trang thiết bị cần thiết khác. Tính đến nay đã có 33 “Căn phòng mơ ước” được trao tặng gia đình thanh niên công nhân khó khăn, với tổng kinh phí hơn 500 triệu đồng, góp phần làm nhẹ gánh cho những phận đời cơ cực.

Từ mô hình này, màu áo Đoàn đã tiếp thêm niềm tin và hy vọng để cuộc sống của những phận đời đỡ cơ cực hơn. Đó cũng là giải pháp góp phần thực hiện vấn đề an sinh xã hội mà TPHCM đang nỗ lực triển khai.

Trong khi đó, “Học từ thiên nhiên” là hội trại mang nhiều ý nghĩa cho các em ở độ tuổi tiểu học đến từ Trung tâm Sinh hoạt dã ngoại thanh thiếu nhi thành phố.

Hội trại được tổ chức như một hội thi để các em so tài kiến thức về môi trường thông qua các phần thi: Chồi xanh, Tri thức xanh, Cộng đồng xanh, Ước mơ xanh và Ứng dụng xanh. Trong hội thi các em sẽ đưa ra những thông điệp về bảo vệ môi trường, thể hiện tính sáng tạo của bản thân qua việc thiết kế các sản phẩm ứng dụng thực tế từ những vật dụng phế thải, tái sử dụng…

Thông qua “Học từ thiên nhiên”, các em thể hiện những suy nghĩ, hiểu biết của bản thân về môi trường, cho các em học hỏi, giao lưu với các bạn cùng trang lứa… để từ đó có những giải pháp phù hợp trong việc tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức trách nhiệm cho các em trong việc bảo vệ môi trường và cùng nhau đưa ra những giải pháp, hành động thiết thực cụ thể để bảo vệ môi trường. Không chỉ có tham gia các phần thi trong hội trại, các em còn được tham gia thám hiểm rừng ngập mặn Cần Giờ, tái tạo rừng ngập mặn thông qua việc trồng cây đước, trải nghiệm việc nuôi nghêu, làm muối… giúp các em thiếu nhi hiểu hơn về đời sống khó khăn của người dân Cần Giờ nói riêng và những ngư dân, diêm dân nói chung để các em biết trân trọng những điều mà bản thân đang có, từ đó cố gắng học tập thật tốt và biết chia sẻ với cộng đồng.

Những sản phẩm, công trình Hồ Hảo Hớn không chỉ gói gọn ở quy mô giải thưởng, mà những giá trị làm lợi cho cộng đồng đã và đang được nhân rộng và có ảnh hưởng sâu rộng đến cuộc sống người dân thành phố.

Thanh Hải

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/tre/nhung-cong-trinh-tuoi-tre-vi-cong-dong-3095356-b.html