Những cộng tác viên dân số tâm huyết

Công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) thu được những kết quả như hôm nay có đóng góp không nhỏ của đội ngũ cộng tác viên (CTV) dân số. Mặc dù gặp nhiều khó khăn, chế độ đãi ngộ thấp, nhưng họ vẫn nhiệt tình, hăng say với công việc. Nơi nào có người dân, nơi đó có dấu chân của người CTV, họ đi từng nhà, rà từng đối tượng để đưa ra cách tuyên truyền phù hợp và hiệu quả.

Chị Lương Thị Hậu tuyên truyền về dân số cho người dân thôn Kép III, xã Quyết Thắng, huyện Hữu Lũng, Lạng Sơn.

Phần lớn người dân thôn Kim Đới 3, xã Tiên Thanh (Tiên Lãng, TP Hải Phòng) đều yêu mến chị Nguyễn Thị Sáng. Những đóng góp âm thầm của chị trong 23 năm làm CTV dân số là rất rõ. Trong suốt thời gian ấy, chị đã vượt qua nhiều khó khăn như địa bàn đông dân cư; trình độ dân trí không đồng đều; phong tục, tập quán của địa phương còn lạc hậu, nhất là quan niệm về sinh con trai để nối dõi tông đường vẫn còn nặng nề trong một bộ phận dân cư…

Chia sẻ kinh nghiệm làm thế nào để gắn bó với công việc lâu như thế, chị Sáng cho rằng phải yêu nghề, tâm huyết với nghề thì mới gắn bó lâu dài được. Việc tuyên truyền về công tác dân số phải bằng cái tâm, cái tình, thật khéo léo, tế nhị để không chỉ chị em phụ nữ hiểu mà người chồng cũng hiểu, cùng có trách nhiệm thực hiện các biện pháp KHHGĐ. Tuyên truyền kiến thức về sức khỏe sinh sản, KHHGĐ được chị thực hiện không chỉ trên hội trường, hội nghị mà có lúc “gặp đâu tuyên truyền đấy” như trên đường cùng nhau đi chợ, lúc cấy hái, mùa màng…

23 năm qua, chị Sáng vẫn miệt mài trên chiếc xe đạp “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”. Nhờ đó, các chỉ tiêu về DS-KHHGĐ mà xã giao, thôn đều đạt và vượt, nhiều năm liền thôn Kim Đới 3 không có người sinh con thứ ba… Không những thế, tư tưởng trọng nam khinh nữ từng bước được đẩy lùi; phần lớn người dân đã hiểu và chấp nhận mô hình gia đình ít con.

Cũng có thâm niên như chị Sáng, chị Mai Thị Lan có tới 24 năm làm CTV dân số tại thôn Đoàn Kết, xã Ia Tôr thuộc huyện biên giới Chư Prông (Gia Lai). Tham gia làm CTV, chị Lan luôn đi đầu trong các phong trào và làm gương cho người khác noi theo. Với những kinh nghiệm tích lũy trong thời gian dài làm công tác DS-KHHGĐ, chị Lan đã biết cách vượt qua khó khăn để thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao. Tất cả người dân, nhất là các cặp vợ chồng đang trong độ tuổi sinh đẻ đều được tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện các biện pháp KHHGĐ. Chị kết hợp chặt chẽ với Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân… để tạo ra “sức mạnh tập thể” tuyên truyền dưới nhiều hình thức như: nói chuyện, phát tờ rơi, sách báo, tạp chí về dân số; đóng kịch, xây dựng các tiểu phẩm lồng ghép nội dung và thông điệp liên quan đến DS-KHHGĐ trong các buổi diễn văn nghệ quần chúng… từ đó, góp phần giảm nhanh tỷ lệ sinh, nâng cao chất lượng cuộc sống của bà con nhân dân.

Thôn Trà Co 1 thuộc xã miền núi Phước Tiến, Bác Ái (Ninh Thuận) hiện có tới 95% số dân là đồng bào dân tộc Raglai: Điều kiện kinh tế còn nghèo nàn, lạc hậu, giao thông đi lại hiểm trở, nhưng công tác dân số - KHHGĐ ở đây thật sự là một điểm sáng, với sự tham gia đầy nhiệt huyết của chị Katơr Thị Tấn. 11 năm làm CTV dân số, chị phối hợp với cán bộ chuyên trách dân số, các ban, ngành, đoàn thể của xã tổ chức tuyên truyền nhóm nhỏ; tư vấn tại hộ gia đình; sinh hoạt các câu lạc bộ liên quan đến dân số; giao lưu, tọa đàm về DS-KHHGĐ dành cho các cặp vợ chồng... cũng như vận động người dân tích cực tham gia các hoạt động nâng cao chất lượng dân số như: khám và tư vấn sức khỏe tiền hôn nhân; chăm sóc sức khỏe sinh sản cho trẻ vị thành niên, thanh niên; sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh để kịp thời phát hiện dị tật thai nhi nếu có và có phương pháp xử lý tốt nhất.

Hằng năm, tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai tại Trà Co 1 đều đạt 100% số chỉ tiêu giao; nhiều năm liền thôn không có người sinh con thứ ba trở lên. Trước đây, theo phong tục dân tộc Raglai, mỗi khi sinh, các thai phụ phải rời làng, vượt cạn trong căn chòi tạm do người nhà dựng ở mé rừng. Hủ tục lạc hậu ấy đã cướp đi sinh mạng của nhiều trẻ sơ sinh và thai phụ, trở thành nỗi ám ảnh không dứt của phụ nữ Raglai. Nhưng đến nay, nhờ được tuyên truyền, giáo dục về các chính sách DS-KHHGĐ, nhất là việc tư vấn lợi ích của sinh đẻ tại các cơ sở y tế trong việc bảo đảm sức khỏe cho cả mẹ lẫn con, hủ tục đẻ rừng xưa kia gần như được xóa bỏ.

Giồng Ông Thìn là ấp vùng sâu của xã Thanh Sơn, huyện Trà Cú (Trà Vinh) có tới 1.149 nhân khẩu sinh sống, trong đó, người dân tộc Khmer chiếm đến 93,33%. Do người Khmer có truyền thống kết hôn trong nội tộc, nên tình trạng hôn nhân cận huyết thống trước đây diễn ra phổ biến. Bên cạnh đó, việc người dân thích gả con cái lấy vợ, lấy chồng sớm vẫn còn tồn tại trong một bộ phận không nhỏ khiến việc tuyên truyền, vận động người dân thực hiện công tác DS-KHHGĐ gặp rất nhiều khó khăn. Muốn giải những bài toán đó, CTV dân số Sơn Sa Tha chọn cách tìm hiểu hoàn cảnh từng gia đình trong ấp để có cách tuyên truyền công tác DS-KHHGĐ phù hợp.

Bên cạnh đó, hằng tháng chị Tha phối hợp các ban, ngành, đoàn thể đến gặp đối tượng nhằm tuyên truyền, vận động với nhiều hình thức như: họp nhóm, tư vấn, phát tờ rơi, phát thanh… Với vấn đề tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, từ khi triển khai Mô hình can thiệp giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống với các hoạt động tuyên truyền tích cực đã giúp người dân nhận thức được việc kết hôn chung dòng máu ảnh hưởng như thế nào đến thế hệ con cháu. Là người địa phương, nắm rõ từng đối tượng nên khi thấy có gia đình nào định kết hôn trong nội tộc hoặc có ý định cho con cái kết hôn khi chưa đến tuổi quy định của Nhà nước, chị Tha đến tuyên truyền, giải thích để họ hiểu và dừng ý định đó lại.

Nhờ 11 năm nhiệt tình với công việc, đến nay, 85% số cặp vợ chồng ở ấp Giồng Ông Thìn thường xuyên áp dụng các biện pháp tránh thai; tỷ lệ sinh giảm dần; 5 năm liền, ấp không có trường hợp sinh con thứ 3 trở lên… và xu hướng thích sinh nhiều con đã thay đổi bằng mô hình gia đình ít con để có thời gian chú tâm phát triển kinh tế, góp phần nâng cao chất lượng dân số.

NGUYỄN THANH

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/suckhoe/tin-tuc/item/31649702-nhung-cong-tac-vien-dan-so-tam-huyet.html