Những công nghệ làm chủ xe hơi trong tương lai

Xe tự hành, xe hơi giao tiếp với người lái, điều khiển xe hơi qua điện thoại thông minh… sẽ là những công nghệ làm chủ xe hơi trong tương lai.

Xe tự lái

Tương lai của xe tự lái chẳng còn xa khi chỉ 10 năm nữa, sẽ có khoảng 20 triệu chiếc xe loại này có mặt trên thế giới.

Nhiều hãng nghiên cứu thị trường đã dự báo, đến 2025 sẽ có khoảng 20 triệu xe tự lái đi qua các tuyến đường trên thế giới. Con số này tương đương với 28% tổng số xe bán ra trên toàn cầu trong năm 2014.

Tốc độ phát triển của các mẫu xe tự lái rất nhanh. Hồi tháng 10, tại Tokyo Motor show, các nhà sản xuất xe hơi Nhật Bản như Toyota, Nissan đã cam kết đưa tính năng tự lái vào các dòng xe thị trường của họ vào cuối thập kỷ tới. Nhưng nhanh chân hơn, Ford trở thành nhà sản xuất ôtô đầu tiên bắt đầu sử dụng MCity, một công nghệ không gian được mở ra để thử nghiệm công nghệ xe tự lái.

Cuối 2015, mẫu đầu tiên của chiếc xe tự hành Peugeot Citroen cũng đã hoàn thành một chuyến đi vòng 3.000km băng qua biên giới Pháp lần đầu tiên và đi qua Madrid trước khi trở về Paris qua các tuyến đường công cộng mà không có sự tham gia (hoặc tham gia rất ít) của người lái.

Tuy nhiên, Google chứ không phải bất kỳ hãng xe hơi truyền thống nào khác mới có thể nắm chắc trong tay công nghệ xe tự lái. Và hãng này sẽ cung cấp những chiếc xe không người lái như một dịch vụ (chẳng hạn như taxi, cảnh sát, giao hàng,…) trước bất kỳ công ty xe hơi nào. Egil Juliussen, Giám đốc nghiên cứu cấp cao tại IHS Automotive cho biết: Không có công ty nào sở hữu nhiều công nghệ liên quan đến phần mềm lái xe tự hành. Và Google đang ở vị trí “độc tôn” có thể tận dụng các công nghệ kế cận để phát triển phần mềm tự lái xe.

Thực tế, từ 2009, Google đã bắt đầu phát triển và thử nghiệm công nghệ xe không người lái trong các mô hình xe mang nhãn hiệu Lexus và Toyota Pirus trên các nẻo đường ở California (Mỹ).

Hãng công nghệ hàng đầu nước Mỹ đã có những bước tiến và thay đổi đáng kể từ các thử nghiệm đầu tiên. Hồi tháng 5/2014, Google tiết lộ kế hoạch chế tạo nguyên mẫu chiếc xe tự động hoàn toàn và bắt đầu kiểm nghiệm vào cuối 2015 và tin rằng những chiếc xe không người lái sẽ cải thiện đáng kể an toàn đường bộ và giúp cho những người khiếm thị hoặc tàn tật có thể sử dụng xe hơi mà không bị phụ thuộc vào người khác.

Ngoài Google, hàng loạt những mẫu xe tự lái của Mercedes-Benz, Volv, Tesla hay Nissan cũng bắt đầu lăn bánh trong những cuộc thử nghiệm và hứa hẹn ra mắt thị trường trong năm 2016.

Điện thoại thông minh kết nối xe hơi

Hệ thống giải trí được tiên tiến là một trong những cuộc cạnh tranh mới giữa các thương hiệu. Các tiện ích như kết nối mạng Internet, hệ thống tương tác và các ứng dụng thông minh được sử dụng với hàm lượng ngày càng nhiều trên các ôtô hiện đại. Đó là lí do, Apple và Google tham gia ngày càng nhiều hơn trong lĩnh vực xe hơi. Và sự nâng cấp hệ thống kết nối giữa smartphone và xe hơi được xem như một tính năng công nghệ mà rất nhiều người tiêu dùng chờ đợi.

Năm 2014, Apple chính thức giới thiệu dịch vụ CarPlay giúp người dùng có thể sử dụng mọi tiện ích của Iphone khi đang điều khiển xe mà không cần chạm tay vào điện thoại. Hệ thống này cho phép người dùng nghe nhạc, nhắn tin, trả lời cuộc gọi, xem bản đồ,…qua màn hình cảm ứng và các nút điều chỉnh có sẵn trên xe. Sự ra đời của CarPlay đã khởi động cuộc đua giữa các đại gia công nghệ trong lĩnh vực xâm chiếm buồng lái xe hơi.

Vừa qua, Google cũng đã cho ra mắt ứng dụng Android Auto có chức năng kết nối điện thoại sử dụng hệ điều hành Android với trung tâm điều khiển xe giúp tài xế có thể tập trung lái xe trong khi vẫn sử dụng được các tiện ích thông minh thử nghiệm trên mẫu Huyndai Sonata. Trong tương lai gần, Android Auto sẽ sớm xuất hiện ở tất cả các mẫu xe khác của Huyndai và được dự đoán có thể soán ngôi của Apple CarPlay nếu có chiến lược kinh doanh phù hợp.

Không chỉ dừng lại ở đó, nhờ kết nối, điện thoại thông minh còn có thể điều khiến đóng/mở khóa xe, hỗ trợ đỗ xe, kiểm tra xăng,...tất cả những tính năng này sẽ sớm được đưa vào các mẫu xe mới.

Công nghệ chia sẻ

Việc các hãng chia sẻ dịch vụ lái xe như Uber hay Lyft làm mưa làm gió trên thị trường dịch vụ vận chuyển hành khách khiến các nhà sản xuất xe hơi “không thể ngồi yên” và nhanh chóng mở rộng lĩnh vực khai thác của mình.

Hãng xe Ford (hợp tác cùng Getaround) thử nghiệm chương trình có tên Peer-2-Peer Car Sharing cho phép các chủ xe kết nối với các khách hành online thông qua ứng dụng để tìm xe cho hành trình. Dịch vụ thử nghiệm này tương đối giống Uber khi cả người lái xe và khách hàng đều được hưởng lợi vì người lái có thể kiếm được khách hàng dễ dàng hơn còn những người có nhu cầu đi xe cũng thuận tiện hơn trong việc tìm phương tiện đi lại cho hành trình của mình. Chương trình đã tìm được 14.000 khách hàng của Ford tại 6 thành phố ở Mỹ và hãng này đang thử dịch vụ tương tự ở London, Anh.

Giám đốc điều hành của General Motors, Mary Barra chia sẻ trên trang mạng cá nhân Linkedln của mình, rằng GM sẽ đưa ra chương trình chia sẻ trong năm 2016 tại Mỹ. Và rất nhanh chân, đầu tháng 1, GM mua lại dịch vụ chia sẻ xe cá nhân Sidecar, đối thủ của Uber. Điều này cũng chứng minh được sự nhanh nhạy của nữ tướng Mary Barra khi thấy rằng chia sẻ ôtô sẽ sớm trở thành một xu hướng mới.

Các công nghệ hỗ trợ lái xe

Các tính năng và công nghệ hỗ trợ lái xe công nghệ cao sẽ là một trong những xu hướng được tích hợp mạnh mẽ nhất trên các ôtô thế hệ tiếp theo. Đáng kể là công nghệ cảnh báo làn đường, công nghệ kiểm soát hành trình chủ động, tính năng đỗ xe tự động,…sẽ dần được đưa vào các dòng xe mới. Những công nghệ mới giúp người lái chủ động hơn trong việc kiểm soát hành trình, cảnh báo làn đường hay những nguy hiểm để hạn chế các tai nạn có thể xảy ra.

Đỗ xe tự động

Tính năng đỗ xe tự động hoạt động nhờ các camera lùi và cảm biến được trang bị dọc thân xe. Công nghệ này giúp người lái đỗ xe an toàn và đúng cách mà không cần phải sử dụng vô-lăng. Chỉ cần bấm nút kích hoạt trước khi vào bãi đỗ, hệ thống trên xe sẽ tự động dò tìm khoảng trống phù hợp cho việc đỗ xe và hướng dẫn người lái cách đạp chân phanh, chân ga và chuyển số mà không cần chạm tay vào vô-lăng.

Ford đã trang bị cho mẫu xe Focus của mình tính năng này và được nhiều người dùng đánh giá cao. Hãng này cũng đang cho thử nghiệm công nghệ hỗ trợ đỗ xe hoàn chỉnh giúp người điều khiển phương tiện có thể đỗ xe hoàn toàn chỉ bằng một nút bấm hoặc đỗ xe khi đang đứng bên ngoài xe. Công nghệ này kì vọng sẽ sớm xuất hiện trên nhiều mẫu xe thương mại và xe phổ thông trong thời gian tới.

Công nghệ cảnh báo sớm tai nạn

Công nghệ cảnh báo tai nạn được các hãng xe chú trọng nghiên cứu và phát triển từ khá lâu. Ở hầu hết các mẫu xe hiện đại, hệ thống cảnh báo tai nạn hoạt động dựa trên thông tin từ các cảm biến dọc thân xe có nhiệm vụ phát hiện vật cản, nguy cơ va chạm, trạng thái xe bất thường, từ đó kích hoạt hàng loạt các chức năng an toàn để thông báo cho lái xe đồng thời giảm thiểu tổn thương cho người ngồi trong xe. Không chỉ bảo vệ hành khách bằng cách tự siết chặt dây an toàn, nhiều mẫu xe hiện đại còn được trang bị hàng loạt các tính năng an toàn như hệ thống cân bằng điện tử ESP, hệ thống phanh khẩn cấp BA, hệ thống chống bó cứng phanh ABS, hệ thống kiểm soát hành trình thông minh ACC,…

Gần đây, nhiều công nghệ cảnh báo tai nạn cũng bắt đầu được nghiên cứu ứng dụng như: cảnh báo trẻ bị bỏ quên trong xe, công nghệ dự đoán hành động của tài xế qua quan sát ngôn ngữ cơ thể, công nghệ tự động liên lạc giữa các xe đang lưu thông trên đường khi có nguy cơ tai nạn,..

Theo news.zing.vn

Nguồn ICTNews: http://ictnews.vn/cong-nghe-360/o-to-xe-may/nhung-cong-nghe-lam-chu-xe-hoi-trong-tuong-lai-144717.ict