Những cống hiến xuất sắc với sự nghiệp cách mạng vẻ vang

Online - Nhân dịp kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Thượng tướng Song Hào (20-8-1917/20-8-2017), phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã trao đổi, phỏng vấn nhiều cán bộ, chiến sĩ trong quân đội và cán bộ, nhân dân một số địa phương về những đóng góp lớn lao của đồng chí Song Hào trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Qua đó, làm sâu sắc hơn những cống hiến xuất sắc của Thượng tướng Song Hào với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, của Quân đội. Sau đây chúng tôi xin lược trích một số ý kiến.

Đại tá, TS Nguyễn Như Trúc, Trưởng Phòng Tuyên truyền – Cổ động, Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị:

Công tác tư tưởng phải luôn dựa trên cơ sở tự nguyện, tự giác

Thượng tướng Song Hào luôn quan niệm, tiến hành công tác tư tưởng (CTTT) phải vận dụng nhiều hình thức, biện pháp như: Tuyên truyền, giáo dục, hướng dẫn hành động, rèn luyện trong thực tiễn chiến đấu, công tác. Quá trình tiến hành CTTT cần nắm vững: CTTT phải gắn chặt với yêu cầu nhiệm vụ cách mạng, nhiệm vụ của lực lượng vũ trang (LLVT) trong từng thời kỳ, phải kết hợp chặt chẽ với công tác tổ chức nhằm làm cho mọi người đều tiến bộ, trưởng thành và hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ.

Đại tá, TS Nguyễn Như Trúc.

Theo Thượng tướng Song Hào, khi tiến hành CTTT phải kết hợp chặt chẽ giữa việc giáo dục lý luận, đường lối, giáo dục nhiệm vụ để nâng cao nhận thức, bồi dưỡng tư tưởng cách mạng với việc tổ chức, hướng dẫn hành động, biến nhận thức, tư tưởng đúng thành hành động tích cực trong chiến đấu, công tác, sinh hoạt. Phải đấu tranh khắc phục những nhận thức, tư tưởng sai trái, trở ngại cho việc hoàn thành nhiệm vụ, cho tiến bộ của từng người và sự lớn mạnh của tổ chức. CTTT phải chỉ rõ mục tiêu phấn đấu, phương hướng hành động và động viên, cổ vũ mọi người hăng hái, nỗ lực hoạt động theo mục tiêu, phương hướng đó. Phải kết hợp chặt chẽ giữa việc xây dựng tư tưởng trong Đảng với xây dựng tư tưởng trong LLVT, giữa CTTT trong LLVT với CTTT của các ngành ngoài xã hội. Phải động viên tinh thần tự nguyện, tự giác của mọi người. Bởi xây dựng con người là một quá trình giáo dục, rèn luyện rất công phu, phải tiến hành từng bước và biết giải quyết tốt mối quan hệ giữa yếu tố khách quan và yếu tố chủ quan.

Đồng chí Song Hào cho rằng, đối với tư tưởng con người, yếu tố khách quan là điều kiện xã hội, môi trường hoạt động, sự giáo dục của tổ chức, của tập thể, tác động của những người xung quanh; yếu tố chủ quan là sự tu dưỡng, rèn luyện của bản thân mỗi người. Trong đó, yếu tố chủ quan là cơ bản, quyết định, yếu tố khách quan là rất quan trọng. Bởi vì sự đấu tranh giữa mặt tích cực và tiêu cực trong tư tưởng mỗi người là động lực chủ yếu thúc đẩy sự phát triển, tiến bộ của người đó. Sự giáo dục của Đảng, của quân đội, công an và sự giúp đỡ của tập thể dù sâu sắc, tận tình đến đâu cũng không thể thay thế được sự tự giáo dục và rèn luyện, tu dưỡng của mỗi người. Cho nên, CTTT phải luôn dựa trên cơ sở tự nguyện, tự giác của mọi người. Nắm vững phương pháp giáo dục, thuyết phục nhằm bồi dưỡng cho mọi người có lý luận, nhận thức, tư tưởng đúng để đấu tranh khắc phục nhận thức, tư tưởng sai trái, không thể độc đoán cưỡng ép về nhận thức, tư tưởng... (ANH QUANG lược ghi)

Thiếu tướng Hồ Thanh Tự, Chủ nhiệm Chính trị Bộ Tổng Tham mưu:

Nâng cao hiệu quả hoạt động công tác chính trị trong đời sống bộ đội

Thượng tướng Song Hào cho rằng: Công tác chính trị (CTCT) là một trong những nguyên tắc cơ bản trong xây dựng quân đội cách mạng, là điều kiện tiên quyết để phát huy sức mạnh chiến đấu của quân đội. Ngoài ra, CTCT còn tham gia đấu tranh chống mọi kẻ thù trên mặt trận chính trị, tư tưởng, đập tan mọi âm mưu phá hoại của địch, bảo vệ quân đội; tích cực tiến công chính trị làm tan rã hàng ngũ địch.

Thiếu tướng Hồ Thanh Tự.

Theo quan điểm của đồng chí Song Hào, chúng ta liên hệ với tình hình hiện nay. Các thế lực thù địch, phản động đã lợi dụng vấn đề về chính sách tôn giáo, nhân quyền và một số thiếu sót trong lãnh đạo, điều hành đất nước của Đảng, Nhà nước để đẩy mạnh chiến lược "Diễn biến hòa bình", thúc đẩy "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ và thực hiện âm mưu "phi chính trị hóa" quân đội, chống phá công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Hơn lúc nào hết chúng ta cần phát huy vai trò, nâng cao hiệu quả hoạt động CTCT trong đời sống bộ đội.

Quán triệt quan điểm của Thượng tướng Song Hào về nhiệm vụ CTCT trong quân đội, theo tôi, cấp ủy, chỉ huy cơ quan, đơn vị các cấp cần tập trung giáo dục, quán triệt cho bộ đội nắm chắc quan điểm đường lối quốc phòng, quân sự của Đảng, chức năng, nhiệm vụ của quân đội và những âm mưu, thủ đoạn thâm độc của các thế lực phản động, thù địch. Tăng cường giáo dục, bồi dưỡng nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ về bản chất cách mạng của Đảng, bản chất giai cấp công nhân trong quân đội, trung thành tuyệt đối với Tổ quốc, với Đảng, với nhân dân. Mặt khác, cấp ủy, chỉ huy cơ quan, đơn vị cần tiếp tục quán triệt và thực hiện hiệu quả quyết định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Chỉ thị của Tổng cục Chính trị về thực hiện đổi mới công tác giáo dục chính trị ở đơn vị cơ sở trong giai đoạn mới; tăng cường các biện pháp đấu tranh chống âm mưu, hoạt động "diễn biến hòa bình" trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa. Đồng thời, triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng các cấp. Cấp ủy, chỉ huy cơ quan, đơn vị cần quan tâm, chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ vững mạnh; thực hiện tốt công tác chính sách hậu phương quân đội; chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ; giữ vững mối quan hệ đoàn kết nội bộ, đoàn kết quân dân; xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. (ANH QUANG lược ghi)

Đại tá Trần Quý Trọng, Trưởng ban Tổng kết lịch sử CTĐ, CTCT, Tổng cục Chính trị:

Những quan điểm của đồng chí Song Hào về xây dựng LLVT nhân dân

Thượng tướng Song Hào là một nhà chính trị, quân sự văn võ song toàn, đã có những cống hiến to lớn, xuất sắc trên nhiều lĩnh vực: Chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội.

Đại tá Trần Quý Trọng.

Quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng và tư tưởng Hồ Chí Minh về: Xây dựng và củng cố LLVT nhân dân là một trong những điều kiện quan trọng của cách mạng nước ta để chiến thắng kẻ thù xâm lược, bảo vệ và phát triển những thành quả cách mạng, đồng chí Song Hào thường xuyên quan tâm, chăm lo xây dựng và nâng cao sức mạnh chiến đấu của LLVT nhân dân.

Theo Thượng tướng, để xây dựng LLVT nhân dân phải có ba điều kiện: Thứ nhất: Có đường lối xây dựng và chiến đấu đúng đắn đảm bảo cho lực lượng vũ trang vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Thứ hai: Chăm lo đảm bảo cơ sở vật chất cho lực lượng vũ trang nhân dân. Thứ ba: Chăm lo xây dựng, nâng cao trình độ giác ngộ, nắm vững đường lối, chủ trương của Đảng và sử dụng thành thạo các vũ khí trang bị, kỹ thuật cho LLVT nhân dân

Cũng theo Thượng tướng Song Hào: Sau khi có đường lối đúng đắn, thì con người và cơ sở vật chất là hai điều kiện cơ bản để thực hiện đường lối. Trong hai điều kiện đó thì con người có giác ngộ, có trình độ khoa học kỹ thuật là yếu tố quan trọng nhất. Có vũ khí trang bị nhưng không có chiến sĩ dũng cảm gan dạ biết sử dụng, thì những vũ khí trang bị ấy dù tốt đến đâu cũng sẽ không phát huy được tác dụng.

Cùng với việc coi trọng yếu tố con người, Thượng tướng Song Hào thường xuyên coi trọng vai trò đội ngũ cán bộ các cấp trong xây dựng LLVT cách mạng. Để xây dựng được đội ngũ cán bộ vừa hồng vừa chuyên, đồng chí yêu cầu các cấp ủy Đảng phải: Hết sức chú trọng lựa chọn, bồi dưỡng và cất nhắc cán bộ xuất thân từ công nông. Chúng ta cũng phải lựa chọn, bồi dưỡng cán bộ xuất thân từ trí thức hết lòng hết dạ phục vụ công nông. Chỉ có làm như vậy mới có điều kiện về tổ chức đảm bảo cán binh nhất trí, quân dân nhất trí, đảm bảo cho quân đội có bản chất giai cấp vững vàng, đảm bảo cho mọi đường lối, chính sách của Đảng được chấp hành nghiêm túc và triệt để.

Quan điểm của Thượng tướng Song Hào về những vấn đề cơ bản của trong xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đã góp phần đặt nền móng vững chắc cho việc phát triển và hoàn thiện lý luận và tổ chức thực tiễn công tác cán bộ trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Những quan điểm của đồng chí về xây dựng LLVT nhân dân đến nay vẫn còn nguyên ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc; góp phần quan trọng đảm bảo cho hình ảnh, phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” luôn tỏa sáng; đảm bảo cho LLVT nhân dân luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. (PHẠM VĂN THỦY lược ghi)

Đại tá, TS Đỗ Ngọc Tuyên (Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam):

Vị tướng có nhiều đóng góp vào sự phát triển đội ngũ chính ủy của Quân đội ta

Chính ủy là một chức danh được bố trí từ cấp trung đoàn và tương đương đến cấp quân khu trong QĐND Việt Nam. Theo Thượng tướng Song Hào, chính ủy là "thủ trưởng chính trị", "người chủ trì công tác lãnh đạo của Đảng, công tác chính trị trong đơn vị", người "phụ trách" cơ quan chính trị - "cơ quan chỉ huy, đồng thời là cơ quan của Đảng".

Đại tá, TS Đỗ Ngọc Tuyên.

Quân đội là một tổ chức quân sự cách mạng do Đảng tổ chức, lãnh đạo, giáo dục và rèn luyện. Đảng lãnh đạo quân đội được Thượng tướng Song Hào nhấn mạnh là một "nguyên tắc cơ bản” và là "nhân tố quyết định nhất sự trưởng thành và chiến thắng của quân đội ta".

Thượng tướng chỉ rõ: "Nhiệm vụ lãnh đạo của Đảng quyết định nhiệm vụ công tác chính trị. Nhiệm vụ công tác chính trị quy định trách nhiệm của chính ủy”. Trong mọi hoạt động, chính ủy phải "lấy mục tiêu cách mạng: Độc lập dân tộc, ruộng đất cho dân cày, tiến tới chủ nghĩa xã hội của Đảng" làm mục tiêu chiến đấu của mình và đơn vị; "lấy lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, bản chất, truyền thống cách mạng của giai cấp công nhân" để xây dựng lập trường, tư tưởng chiến đấu cho mình, cho cán bộ, chiến sĩ. Chính ủy, với trọng trách là người "thể hiện tinh thần của Đảng ta trong lực lượng vũ trang", cần phải nắm chắc, hiểu sâu những vấn đề căn cốt trên để tập trung quán triệt và thực hiện tốt trong đơn vị.

Theo Thượng tướng Song Hào, để hoàn thành tốt trách nhiệm, chính ủy phải có đủ ba điều kiện cơ bản: Hiểu đầy đủ và nắm thật vững đường lối, chủ trương của Đảng, chỉ thị, nghị quyết của cấp trên và nhiệm vụ cụ thể của đơn vị; nghiên cứu hiểu rõ kẻ thù giai cấp, kẻ thù dân tộc, nhất là kẻ thù cụ thể mà đơn vị phải chiến đấu; nghiên cứu hiểu chính xác tình hình mọi mặt của nhân dân và đơn vị.

Chính ủy cần nắm và thực hiện cho tốt phương châm "ở đâu có chỉ huy là có sự lãnh đạo của Đảng, có hoạt động quần chúng là có công tác chính trị". Theo Thượng tướng Song Hào, "tất cả cán bộ trong quân đội muốn làm tròn nhiệm vụ của mình, góp phần vào việc hoàn thành nhiệm vụ chung của quân đội đều phải có đạo đức và năng lực"; "Đạo đức và năng lực là hai yêu cầu không thể thiếu đối với bất cứ cán bộ nào của Đảng" và việc "tu dưỡng và rèn luyện để có đạo đức cách mạng và năng lực hành động cách mạng là yêu cầu chung đối với mọi cán bộ của Đảng”.

Thượng tướng Song Hào đã có nhiều đóng góp vào sự phát triển đội ngũ chính ủy của Quân đội nhân dân Việt Nam. Thượng tướng đã đi xa, nhưng những quan điểm của đồng chí về xây dựng Đảng, công tác chính trị, về người chính ủy đã trở thành di sản quý báu của quân đội, vẫn vẹn nguyên giá trị lý luận, thực tiễn. (PHẠM VĂN THỦY lược ghi)


Đồng chí Lương Quốc Tuấn, Phó bí thư, Chủ tịch UBND huyện Vụ Bản (Nam Đinh):

Để “ý Đảng hợp lòng dân” xây dựng quê hương giàu mạnh

Trong phong trào Mặt trận Dân chủ Đông Dương, đồng chí Nguyễn Văn Khương (tức Song Hào) được chọn cùng với 10 thanh niên tiến bộ khác, dự lớp huấn luyện chính trị của Tỉnh ủy Nam Định. Năm 1937, đồng chí phụ trách tổ chức Ái hữu thợ thêu, Thanh niên dân chủ tại quê hương xã Hào Kiệt (nay là xã Liên Minh, huyện Vụ Bản). Tháng 4 năm 1939, Tỉnh ủy Nam Định cử cán bộ về thành lập Chi bộ Đảng Hào Kiệt. Chi bộ có 5 đảng viên được kết nạp, đồng chí Nguyễn Văn Khương (tức Song Hào) là Bí thư chi bộ. Đây là Chi bộ cộng sản đầu tiên của huyện Vụ Bản.

Đồng chí Lương Quốc Tuấn.

Chi bộ Hào Kiệt lãnh đạo phong trào yêu nước và cách mạng của địa phương phát triển mạnh, đẩy mạnh hoạt động sang các xã lân cận. Chi bộ còn tổ chức các hoạt động như treo cờ Đảng, rải truyền đơn dọc theo đường số 10. Năm 1940, đồng chí Song Hào bị thực dân Pháp bắt giam và kết án 7 năm tù, lưu đầy qua các nhà tù từ Nam Định, Hà Nội, Sơn La, Hòa Bình, Chợ Chu (huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên). Sau đó năm 1944 đồng chí vượt ngục, tiếp tục hoạt động cách mạng mạnh mẽ. Trải qua gần 70 năm hoạt động cách mạng, giữ nhiều cương vị, trọng trách lớn của Đảng và Nhà nước, Quân đội, đồng chí Song Hào luôn thể hiện sự mẫu mực, làm việc nghiêm túc, khoa học, cần, kiệm, liêm, chính. Đồng chí luôn gắn bó sâu nặng với quê hương, được đảng viên và nhân dân huyện Vụ Bản tin yêu, quý trọng.

Tuy sống ở xa quê nhưng đồng chí vẫn luôn hướng về quê hương, giữ tình cảm sâu nặng với bà con huyện Vụ Bản. Đồng chí luôn quan tâm theo dõi, gắn bó với sự phát triển của xã Liên Minh và huyện Vụ Bản. Trong các phong trào cách mạng của địa phương thời gian chiến tranh chống Mỹ ác liệt cũng như trong hòa bình thống nhất, xây dựng chủ nghĩa xã hội, mặc dù bận nhiều công việc của Trung ương, của Quân đội, đồng chí vẫn dành thời gian về thăm và chỉ đạo cấp ủy, chính quyền huyện Vụ Bản. Trong những lần về thăm quê, đồng chí Song Hào đều đi xuống các địa phương nắm sát tình hình, nghe rất kỹ ý kiến đóng góp của quần chúng nhân dân, đồng chí luôn nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải quan tâm đến đời sống nhân dân, khơi dậy sức mạnh đoàn kết để “ý Đảng hợp lòng dân” xây dựng quê hương giàu mạnh. (ANH QUANG lược ghi)

Ông Đỗ Thế Trà, xã Đội Cấn, thành phố Tuyên Quang (Tuyên Quang):

Bảo vệ vững chắc "trái tim" của Khu giải phóng Việt Bắc

Tôi là người dân của tỉnh Tuyên Quang nên tôi rất ấn tượng và luôn ghi nhớ những đóng góp to lớn của Thượng tướng Song Hào với quê hương tôi. Khi nghiên cứu lịch sử Đảng bộ tỉnh, lịch sử LLVT tỉnh Tuyên Quang tôi nhớ nhất mốc thời gian tháng 10 -1944. Đó là thời gian đồng chí Song Hào vượt ngục thành công, được Xứ ủy Bắc Kỳ phân công làm Bí thư Phân khu ủy Phân khu Nguyễn Huệ.

Ông Đỗ Thế Trà.

Đồng chí đã chỉ đạo xây dựng, tổ chức, phát triển mọi mặt phong trào cách mạng trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, tỉnh Hà Giang cùng một phần các tỉnh: Bắc Kạn, Thái Nguyên. Vào khoảng giữa tháng 3-1945, chớp thời cơ Nhật đảo chính Pháp, đồng chí cùng Phân khu ủy Phân khu Nguyễn Huệ lãnh đạo nhân dân huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) tiến hành khởi nghĩa thành công, đưa Sơn Dương trở thành huyện đầu tiên trên cả nước thiết lập được chính quyền cách mạng. Thắng lợi này là cơ sở thực tiễn quan trọng, góp phần để Trung ương Đảng và Bác Hồ quyết định tiến hành khởi nghĩa từng phần tiến lên Tổng khởi nghĩa trên phạm vi cả nước.

Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa ở huyện Sơn Dương là dấu mốc, tiền đề quan trọng để tháng 5-1945, Trung ương Đảng và Lãnh tụ Hồ Chí Minh quyết định chuyển toàn bộ các cơ quan lãnh đạo của cách mạng về xã Tân Trào, xã Hồng Thái, huyện Sơn Dương (hai xã lúc đó thuộc địa bàn trung tâm của Phân khu Nguyễn Huệ). Tại Sơn Dương đồng chí Song Hào đã cùng cán bộ, nhân dân trong Phân khu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ vững chắc khu căn cứ địa Tân Trào, Hồng Thái; góp phần làm cho Tân Trào, Hồng Thái trở thành "trái tim" của Khu giải phóng Việt Bắc - trung tâm chỉ đạo đầu não của Đảng trong cao trào cách mạng tiến tới Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945. Từ cuối năm 1945, trên cương vị Xứ ủy viên Xứ ủy Bắc Kỳ phụ trách liên tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, đồng chí Song Hào đã góp phần củng cố, phát triển các tổ chức chính quyền, đoàn thể và LLVT địa phương; đánh tan các lực lượng phản động và thổ phỉ trên địa bàn, tạo tiền đề quan trọng để Tuyên Quang, Thái Nguyên trở thành khu căn cứ địa chiến lược - "Thủ đô kháng chiến" của cả nước trong suốt 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp... (ANH QUANG lược ghi)

Hạ sĩ Nguyễn Đức Mạnh, Đại đội 5, Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 209 (Sư đoàn 312, Quân đoàn 1)

Nghệ thuật tiến công và những chiến thắng vang dội

Trong giờ nghỉ, ngày nghỉ, tôi hay tới phòng đọc của Tiểu đoàn để tìm hiểu về nghệ thuật quân sự Việt Nam. Qua tài liệu, báo, tạp chí mà tôi đã từng đọc, nghiên cứu, tôi rất thích cách bố trí, sử dụng lực lượng và cách đánh của các đơn vị quân đội trong kháng chiến chống thực dân Pháp. Điều mà tôi ấn tượng nhất là nghệ thuật tiến công của những trận đánh, những chiến dịch lớn mà đồng chí Song Hào chỉ đạo và chỉ huy chiến đấu trong kháng chiến chống thực dân Pháp.

Hạ sĩ Nguyễn Đức Mạnh.

Tiêu biểu đó là, Chiến dịch Việt Bắc - Thu Đông năm 1947, trên cương vị Chính trị ủy viên Khu 10 (đến năm 1948 phát triển thành Liên khu 10), đồng chí xác định chủ trương, chỉ đạo hình thức chiến thuật, chiến dịch: “Lấy du kích chiến kết hợp với các hình thức tập kích, phục kích là chính”; “lấy vận động chiến là phụ”, "triệt để tiêu thổ kháng chiến", "pháo binh đặt gần, bắn thẳng"... Từ chủ trương chỉ đạo đó, đồng chí Song Hào cùng Bộ chỉ huy Khu 10 lãnh đạo, chỉ huy quân và dân Khu 10 bẻ gãy "gọng kìm sông Lô" của quân Pháp trên Mặt trận Sông Lô - Đường số 2, góp phần làm nên thắng lợi của Chiến dịch Việt Bắc - Thu Đông 1947.

Đến năm 1948, đồng chí Song Hào đảm nhiệm cương vị Chính trị ủy viên Liên khu 10, đồng chí cùng cấp ủy, chỉ huy Liên khu tổ chức, chỉ huy tập kích, phục kích tiêu diệt nhiều bộ phận địch, tạo thắng lợi lớn ở Chiến dịch Nghĩa Lộ (5-1948), Chiến dịch Sông Thao (7-1949)... Thắng lợi của các chiến dịch này đã phá vỡ từng mảng lớn phòng tuyến của quân Pháp trên chiến trường Tây Bắc, làm cho thế trận quân Pháp trên địa bàn suy yếu, từng bước rơi vào thế bị động.

Năm 1949, sau khi Liên khu 10 sáp nhập với Liên khu 1 thành Liên khu Việt Bắc với cương vị Chính ủy Mặt trận Tây Bắc, đồng chí đã tổ chức, chỉ huy nhiều trận đánh trong các chiến dịch Lê Hồng Phong 1, Lê Hồng Phong 2, giải phóng hoàn toàn tỉnh Lào Cai, một phần tỉnh Yên Bái, tạo thế vững chắc cho các chiến dịch giải phóng Tây Bắc và Thượng Lào. Sau này là chính ủy Đại đoàn 308 (1951-1955), đồng chí Song Hào cùng Bộ chỉ huy đại đoàn và cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn lập nên nhiều chiến công oanh liệt, chiến thắng vang dội trong các chiến dịch giải phóng Hòa Bình, Tây Bắc, Thượng Lào và Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử. Đồng chí Song Hào có dấu ấn đặc biệt để góp phần quan trọng tạo nên truyền thông vẻ vang "đã ra quân là đánh thắng" của Đại đoàn 308 - Đại đoàn Quân Tiên Phong... (ANH QUANG lược ghi)

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/nhung-cong-hien-xuat-sac-voi-su-nghiep-cach-mang-ve-vang-515449