Những con số 'làm nên lịch sử' của Donald Trump trong cuộc tranh luận cuối

Sau cuộc tranh luận cuối cùng, các thị trường dự đoán kết quả cho thấy giọng điệu của tỷ phú Donald Trump mang đầy tính tiêu cực trong khi bà Hillary Clinton vẫn giữ phong độ ổn định tới 90%.

Theo phân tích qua ba cuộc tranh luận của Bloomberg Politics, hai ứng viên đã vẽ nên những con đường khá rõ ràng cho 20 ngày cuối cùng của chiến dịch tranh cử, với ông Trump đó là đào sâu vào những vụ việc chưa có tiền lệ và đối thủ Clinton lại củng cố những ngôn từ về sự lạc quan và các chính sách của mình.

Cựu Ngoại trưởng Mỹ đã thành công trong việc kiểm soát nhiều thời gian phát sóng hơn trong cuộc tranh luận thứ ba, bà nói nhiều hơn ông Trump 6 phút và trả lời nhiều câu hỏi từ người dẫn chương trình Chris Wallace của Fox News hơn.

Ông Trump đã có những khoảnh khắc "làm nên lịch sử" trong cuộc tranh luận cuối cùng. Nguồn: Financial Times

Trong khi đó, việc ứng viên đảng Cộng hòa từ chối thừa nhận kết quả cuối cùng của cuộc bầu cử có lẽ là khoảnh khắc quan trọng nhất trong cuộc tranh luận khi ông Trump đã làm nên lịch sử trở thành ứng viên đầu tiên sử dụng từ “dối trá” đối với đối thủ trong cuộc tranh luận cuối cùng. Tỷ phú Trump cũng liên tục ngắt lời đối thủ và sử dụng những ngôn từ mang tính “chợ búa” khi ông gọi bà Clinton là “một người phụ nữ xấu xa” trong khi bà đang trả lời câu hỏi của mình.

Tỷ phú Trump nhận được nhiều sự chú ý từ giới truyền thông hơn, với trung bình khoảng 13 yêu cầu kiểm tra từ 10 nhóm quan sát và các cơ quan báo chí, gần gấp đôi so với bà Clinton. Theo tỷ lệ trung bình từ 5 nguồn đánh giá, ông Trump đã đưa ra 7 tuyên bố sai sự thật, bao gồm lời khẳng định ông không hề biết bất kỳ ai trong số những người phụ nữ cáo buộc mình lạm dụng tình dục, trong khi đối thủ của ông, bà Clinton chỉ sai một lần.

Ứng viên đảng Dân chủ có tỷ lệ ủng hộ hậu tranh luận tốt hơn. Theo khảo sát của CNN, 52% số cử tri theo dõi tranh luận cho rằng bà Clinton đã thắng so với 39% chọn ông Trump. Tuy nhiên, tỷ lệ này của bà Clinton vẫn giảm so với hai cuộc tranh luận trước lần lượt là mức 62% và 57%. Theo khảo sát của YouGov sau cuộc tranh luận cuối cùng, 49% nói rằng bà Clinton chiến thắng và 39% nghiêng về ông Trump.

Kết quả khảo sát của ba lần tranh luận đều nghiêng về bà Clinton. Nguồn: CNN

Các thị trường dự đoán kết quả dường như đều nghiêng hẳn về phía cựu Ngoại trưởng Mỹ khi cho rằng mức độ ổn định trong cuộc tranh luận của bà là 90%, tỷ lệ chiến thắng cuộc tranh cử Tổng thống của bà Clinton cũng tăng thêm 20 điểm sau mùa tranh luận bắt đầu từ ngày 26/9. Việc rò rỉ đoạn video ông Trump nói xấu phụ nữ hai ngày trước cuộc tranh luận thứ hai đã giúp bà Clinton có được một ngày tăng tỷ lệ ủng hộ kỷ lục.

Với tỷ lệ ủng hộ sụt giảm, vào buổi tranh luận cuối cùng, tỷ phú Trump đã quay lại với thói quen “sân khấu” của ông, đó là dùng nhiều lời lẽ chỉ trích, ví dụ như ông đã “tấn công” Tổng Chưởng lý Ruth Bader Ginsburg bằng bốn câu trong câu trả lời đầu tiên của mình. Đây là lần đầu tiên ông Trump sử dụng nhiều ngôn ngữ tiêu cực hơn tích cực so với mọi cuộc tranh luận trước đây, cả 3 lần tranh luận giữa hai ứng viên Tổng thống hay 11 lần tranh luận với các đối thủ cùng đảng.

Các nhà phân tích ngôn ngữ đã chỉ ra rằng các từ hay cụm từ tiêu cực như “sai”, ông Trump dùng để ngắt lời bà Clinton 5 lần, hay “thảm họa”, ông Trump đã dùng 10 lần. Trong khi đó, bà Clinton sử dụng nhiều từ tích cực và ít từ tiêu cực hơn ông Trump trong cả ba lần đối mặt.

Trong số 6 chủ đề của cuộc tranh luận, ông Trump dùng nhiều từ tiêu cực nhất là chủ đề “các điểm nóng thế giới”, khi ông nhằm vào chiến lược lấy lại Mosul từ IS khi gọi đó là “sự ngu xuẩn của nước Mỹ”, hay việc phá vỡ lệnh ngừng bắn tại Syria với câu “lãnh đạo của chúng ta đã ngu ngốc như thế nào”, và gọi hiệp định hạt nhân với Iran là “thỏa thuận ngu ngốc nhất mọi thời đại”. Ông đã dùng 36 từ chỉ cảm xúc tiêu cực trong tổng số 1.000 từ ở chủ đề này.

Theo các chuyên gia nhận định, mặc dù hầu hết các cuộc khảo sát đều cho ra kết quả nghiêng về phía ứng viên đảng Dân chủ Hillary Clinton sẽ giành chiến thắng cuối cùng, tuy nhiên, đối với một cuộc tranh cử đầy bất ngờ như năm nay, không thể nói trước bất cứ điều gì cho tới ngày 8/11.

Tuệ Minh (lược dịch)

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/nhung-con-so-lam-nen-lich-su-cua-donald-trump-trong-cuoc-tranh-luan-cuoi-post212003.info