Những con số 'lạ' của khoáng sản An Tường An

Báo cáo tài chính của ATG cho thấy doanh nghiệp ngành khoáng sản này đang bộc lộ những vấn đề phức tạp.

Cuối tháng 8, hơn 15 triệu cổ phiếu ATG của Công ty Cổ phần An Trường An đã được Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM chấp thuận giao dịch trên sàn HOSE.

Dù chỉ mới lên sàn, nhưng cổ phiếu ATG đã sớm được giao dịch một cách sôi đông. Hàng trăm nghìn cổ phiếu ATG được giao dịch mỗi phiên với 2 lực mua bán khá đều.

Tuy nhiên, thông tin về ATG là quá ít ỏi. Trang web chủ của ATG cho thấy địa chỉ trụ sở của ATG là một cửa hàng Phụ tùng – Nội ngoại thất Ô tô, bên dưới là một bài giới thiệu vắn tắt về quá trình hoạt động của ATG.

Trụ sở chính công ty An Tường An

Theo như giới thiệu, An Tường An là một doanh nghiệp hoạt động trong ngành khai thác khoáng sản được thành lập ngày 21 tháng 9 năm 2005 theo Giấy phép đăng ký kinh doanh số 3502000611 được Sở Kế Hoạch & Đầu Tư tỉnh Bình Định cấp với số vốn ban đầu là 3 tỷ đồng. 3 năm sau đó, ATG chuyển sang Công ty cổ phần và tăng vốn từ 3 tỷ lên 13,2 tỷ đồng.

Đến tháng 05/2015, ATG tăng vốn từ 13,2 tỷ đồng lên 88,2 tỷ đồng. Theo ATG là đầu tư cho Dự án Khu du lịch sinh thái Nghỉ dưỡng và dịch vụ ăn uống, vui chơi giải trí Thủy Sơn Trang tại phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.

Tháng 09/2015, Công ty tiếp tục tăng vốn từ 88,2 tỷ đồng lên 152,2 tỷ đồng để có nguồn vốn đầu tư cho việc khai thác titan tại Khu Công Nghiệp Sơn Mỹ I.

Cho đến, tháng 03/2016, CTCP An Trường An chính thức trở thành công ty đại chúng. Ngày 22/08/2016, ATG chính thức niêm yết trên sàn HOSE.

Tài sản nằm hết ở phải thu không rõ nguồn gốc và chi phí dở dang

Mặc dù liên tục tăng vốn, nhưng tình hình tài sản của ATG xuất lộ nhiều điểm bất hợp lý. Trước hết, tài sản tăng thêm của ATG chủ yếu là ghi nhận tăng vốn chủ sở hữu, song song đó là ghi nhận các khoản phải thu tăng lên tương ứng.

Theo báo cáo tài chính quý III/2016 vừa mới công bố, tổng tài sản của ATG ở mức 187 tỷ đồng. Tuy nhiên, hầu hết tài sản nằm ở khoản phải thu và “chi phí xây dựng dở dang”.

Cụ thể, khoản phải thu có giá trị 130 tỷ. Trong đó, đáng chú ý nhất là các khoản phải thu khác có giá trị 96 tỷ đồng, với “95 tỷ đồng tạm ứng” không rõ đã tạm ứng cho đối tượng nào? Ngoài ra, khoản chi phí xây dựng dở dang từ năm trước kéo sang năm nay ở mức 36 tỷ đồng nâng tổng giá trị của 2 khoản này lên 166 tỷ đồng, chiếm gần 90% tổng tài sản của công ty.

Đáng chú ý, trong báo cáo tài chính kiểm toán năm 2015, đơn vị kiểm toán là Công ty TNHH Dịch vụ Tư vấn Tài chính Kế toán và Kiểm toán Phía Nam (AASC) không hề có phản ánh gì về các khoản này. Nhưng đến báo cáo soát xét 6 tháng năm 2016, đơn vị kiểm toán đã có nhấn mạnh về khoản phải thu có trị giá 95 tỷ đồng trên. Theo AASC thì ban giám đốc ATG giải trình đây là số tiền đã "tạm ứng" cho dự án Thủy Sơn Trang và dự án Titan Sơn Mỹ, đến khi nào hoàn tất chứng từ thì ATG mới tiến hành quyết toán hoàn ứng theo quy định.

Các khoản phải thu khác cuối năm 2015 (Nguồn: BCTC kiểm toán 2015)

Kế đến, khi đối chiếu số liệu báo cáo tài chính quý III/2016 và báo cáo tài chính kiểm toán năm 2015 cho thấy có rất nhiều sai biệt về số liệu tài sản cho cùng một thời điểm ngày 31/12/2015. Chẳng hạn, tổng tài sản của ngày 31/12/2015 trong báo cáo quý III là 186,5 tỷ đồng, nhưng báo cáo kiểm toán năm 2015 là 180.4 tỷ đồng. Tài sản ngắn hạn trong báo cáo quý III/2016 là 134,07 tỷ đồng thì số trong báo cáo kiểm toán 2015 là 143,89 tỷ đồng. Khoản phải thu ngắn hạn khác trong báo cáo quý III là 95,6 tỷ đồng thì trong báo cáo kiểm toán năm 2015 là 129 tỷ đồng...

Về vấn đề này, một kiểm toán viên cho biết, các số liệu này chỉ có sự thay đổi trừ khi kiểm toán hồi tố giá trị tài sản. Tuy nhiên, các báo cáo của ATG cung cấp, không có thông tin gì về các sự thay đổi này.

Vậy thì sai lệch là do đâu? Tại sao một doanh nghiệp niêm yết trên sàn HOSE lại có thể công bố một báo cáo sai lệch như vậy trong báo cáo tài chính của mình?

Doanh thu, lợi nhuận đến từ đâu ?

Ngoài sự phức tạp của các tài sản, tình hình hoạt động kinh doanh của ATG cũng bộc lộ nhiều điểm không thuyết phục.

Kết quả kinh doanh theo báo cái tài chính quý III/2016 vừa mới công bố, ATG thu về con số “tròn” 20 tỷ đồng doanh thu, tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước, lợi nhuận sau thuế đạt 1,5 tỷ đồng.

Số liệu báo cáo lợi nhuận trước thuế quý 3/2015 của ATG có sự khác biệt giữa báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh và Báo cáo lưu chuyển tiền tệ

Trước đó, năm 2015, ATG đạt hơn 59 tỷ đồng doanh thu thuần và 5,4 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Năm 2014, ATG chỉ đạt về 1,7 tỷ đồng doanh thu nhưng lại thu về 4.5 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế nhờ "lợi nhuận khác" gần 6.8 tỷ đồng. Nhưng báo cáo kiểm toán năm 2014 của ATG lại không có thuyết minh hay giải trình gì về các khoản thu nhập bất thường này.

Trong thời gian từ năm 2013 đến nay, ATG liên tục báo lãi, nhưng thực chất dòng tiền của ATG hầu khô khốc, chưa bao giờ có hơn 1 tỷ đồng trong tài khoản. Dù báo lãi, nhưng ATG vẫn ghi nợ thuế nhà nước tiếp tục tích lũy lên con số 5,25 tỷ đồng là vì đâu?

Trước đó, đơn vị kiểm toán AASC cũng đã có sự nhấn mạnh về các khoản giao dịch với các bên liên quan trong báo cáo soát xét quý II/2016. Cho thấy các hoạt động tạo ra doanh thu và khoản phải thu của ATG chủ yếu đến từ công ty My Xuân, công ty liên quan đến thành viên HĐQT và ban giám đốc.

AASC nhấn mạnh lưu ý về các giao dịch với các bên liên quan (Nguồn: BCTC quý II/2016 của ATG)

Điều này đặt ra nghi vấn liệu ATG có đang sinh lãi ?

Trong khi đó, ngoài nợ thuế thì với nợ vay của ATG hiện đang ở mức 10,6 tỷ đồng. Nếu loại trừ các khoản phải thu không rõ ràng, ATG có thể đối mặt với nguy cơ mất thanh khoản.

Nguồn NDH: http://ndh.vn/nhung-con-so-la-cua-khoang-san-an-tuong-an-20161024082254124p4c147.news