Những con đường hoa lá mang tên…

Những con đường qua phố, qua làng bỗng dưng trở thành nỗi nhớ mênh mang khi bản thân những con đường ấy để lại trong lòng người biết bao kỷ niệm đong đầy bằng sắc hoa, màu lá.

TIN LIÊN QUAN

Nơi cảm xúc thăng hoa

Đường mang tên người Việt đầu tiên làm súng trường đánh Pháp

Cải tạo, chỉnh trang 33 tuyến đường phục vụ APEC 2017

Con đường quà tặng 8/3 đẹp nhất Sài Gòn

Phạm Văn Đồng – con đường mang tên một nhân cách lớn

Phượng vĩ đang “thắp nắng lên hai hàng” trên đường Lê Đại Hành, quận Cẩm Lệ.

Không chỉ riêng người dân cố đô Huế mà nhiều người khác cũng từng khắc khoải đi tìm con “đường phượng bay” trong bài hát Mưa hồng của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Hay con đường Duy Tân cây dài bóng mát ở Sài Gòn trước đây đã đi vào nhạc Phạm Duy như một nỗi niềm thao thức khôn nguôi... Riêng Đà Nẵng, từng con đường mỗi góc phố không chỉ là nỗi nhớ, là kỷ niệm của những ai trải một quãng đời mình ở đó mà còn là nơi chốn lưu giữ những sắc màu ghi dấu sự đổi thay của phố thị.

Khi đi xa, con đường làng nho nhỏ rợp bóng tre, con đường phố hanh hao nắng vàng trong sắc hoa phượng vĩ bỗng dưng hóa thành bóng hình quê hương diệu vợi. Sau gần hai mươi năm, từ khi trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng đã khoác lên mình một tấm áo mới. Những con đường thênh thang xuôi ngược về các khu dân cư mới làm cho sắc diện thành phố thêm thắm tươi rực rỡ. Ai ở đâu về, cũng không khỏi ngạc nhiên khi đi trên những con phố đầy hoa lá xanh tươi mát rượi lòng người. Đà Nẵng đã trở thành nỗi nhớ không chỉ trong lòng mỗi người con quê hương mà cả trong lòng khách du viễn xứ!

Đà Nẵng ngày trước đã từng có đường mang sắc màu hoa lá đi vào ký ức của thành phố như đường Thống Nhất (nay là Lê Duẩn) rợp bóng xà cừ, đường Hoàng Diệu rực đỏ sắc phượng ngày hè, đường Triệu Nữ Vương rợp bóng bồ đề cổ thụ… Thì nay, những con đường trẻ trung, mơn mởn vẻ xuân thì bốn mùa hoa lá bắt đầu gây thương nhớ.

Nếu con đường Lê Đại Hành ở quận mới Cẩm Lệ hè này phượng vĩ đang “thắp nắng lên hai hàng” thì những hàng cây cùng loại đương độ non tơ trên đường Hoàng Văn Thái thênh thang chạy từ ngã ba Hòa Mỹ (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu) lên khu du lịch Bà Nà – Suối Mơ hứa hẹn một mùa rợp trời hoa đỏ. Sắc tím Bằng lăng dịu dàng trên các đường Lê Đình Dương, Phạm Cự Lượng, sắc Điệp vàng mong manh như màu hoa Sưa vàng thổn thức trên đường Yên Thế, Bắc Sơn, Bạch Đằng... và nhiều con đường khác nữa đang điểm tô vẻ đẹp cho thành phố trẻ bên sông Hàn những màu hoa thắm sắc.

Hơn 7 năm về trước, khi cây cầu Thuận Phước duyên dáng nối đôi bờ, nơi sông Hàn chảy về biển, người dân đã ngạc nhiên khi thấy một loài cây mang tên rất lạ: Osaka đỏ, còn gọi là Hồng môi, Ô môi. Đến nay Osaka vẫn ra hoa, nhưng có vẻ không còn thắm như trước bởi cái gió biển miền Trung khắc nghiệt. Ông Nguyễn Hữu Kim, Phó Giám đốc Công ty Công viên cây xanh Đà Nẵng cho biết, những con đường chạy sát biển như Trường Sa, Võ Nguyên Giáp, công ty đề nghị trồng cây Mù u thay hàng cây Lim xẹt trụi lá vì không thích hợp với vùng đất ven biển. Mù u phát triển chậm nhưng kiên gan với đất trời lại mang hơi thở của trận đánh Mù u hào hùng một thuở của danh tướng người làng Phong Lệ Ông Ích Khiêm.

Sau một thời gian tỏa hương khoe sắc, cây cho hoa trên đường phố cũng phải có những đổi thay nhất định để tương thích với đời sống người dân đô thị. Gần trăm cây hoa sữa trên đường Nguyễn Văn Linh vì “quá nồng nàn” nên đã được đốn hạ, di dời về vườn ươm, thay vào đó là cây Muồng tím và Lim xẹt… Tuy nhiên, nhiều dải phân cách trên các tuyến đường trong thành phố vẫn còn trồng cây Trúc đào, một loại độc tính mạnh, nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng con người vẫn chưa… được loại bỏ và thay thế.

Người Đà Nẵng yêu biết bao thành phố của mình. Đồng hành với trăn trở của thành phố, người dân đã hiến kế trồng hoa trên nhiều con đường. Nhiều mùa hoa đi qua, nhưng con đường Hoa Mai trên tuyến đường Nguyễn Huy Tưởng theo đề nghị của Hội đồng các gia tộc làng Hòa Mỹ và UBND quận Liên Chiểu vào cuối năm 2009 cũng chỉ nằm trong khắc khoải đợi chờ mặc dù UBND thành phố đã đồng ý.

Kỹ sư Kim, người gắn bó lâu năm với việc làm đẹp thành phố bằng những con đường cây xanh, mơ mộng rất tâm đắc: “Nhiều khu dân cư mới xây dựng theo ô bàn cờ, việc trồng thuần một loại hoa trên suốt một con đường không chỉ tạo vẻ đẹp cảnh quan mà còn vẽ ra một không gian đầy màu sắc văn hóa. Và nếu đặt tên đường mang tên các loài hoa thì quả là vừa đẹp, lãng mạn, lại vừa “tiết kiệm” được quỹ tên đường của thành phố”.

Nếu được như vậy, Đà Nẵng không chỉ có phố Ẩm thực Phạm Hồng Thái, Huỳnh Thúc Kháng, phố chuyên doanh thời trang Lê Duẩn, và con đường sách dự kiến khai trương vào dịp 2-9 sắp tới mà còn có những phố hoa rạo rực lòng người.

Gần đây, người dân Đà Nẵng hân hoan trước ý tưởng đầy lãng mạn về một con đường Hoa Sim tại bán đảo Sơn Trà do công dân gửi thư điện tử đến Chủ tịch UBND thành phố. Theo đó, diện tích trồng thí điểm hoa Sim để hình thành con đường mang tên hoa khoảng 300m² (dài 30m, rộng 10m) thuộc Tiểu khu 63, (đồi 530) tại Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà.

Ở thành phố Hồ Chí Minh, các khu dân cư đông đúc hai bên đường Phan Xích Long (giữa hai quận Phú Nhuận và Bình Thạnh) có đến chục đường phố mang tên hoa: Hoa Cau, Hoa Sứ, Hoa Phượng, Hoa Mai, Hoa Trà... nhưng tiếc là không có hoa ngoài đời thực. Với Đà Nẵng, đường Hoa Sim ngập tràn màu tím hoa Sim rưng rức lòng người ấy sẽ hình thành vào tháng 9 tới và sẽ là tiền đề để thành phố có thêm những con đường hoa lá mang tên, góp những nét vẽ sắc màu điểm tô cho mỹ quan đô thị.

Theo Như Hạnh ( Báo Đà Nẵng)

Nguồn Tầm Nhìn: http://tamnhin.net/nhung-con-duong-hoa-la-mang-ten-125997.html