Những con đường đẹp nhất Sài Gòn đã mất vỉa hè thế nào?

Nhiều đoạn đường trên đại lộ Phạm Văn Đồng, đại lộ Võ Văn Kiệt, đường Hoàng Sa và đường Trường Sa đã không còn vỉa hè cho người đi bộ bởi ngày đêm bị nhiều kẻ chiếm dụng.

Sau khi chiến dịch dẹp "cướp" vỉa hè ở TP.HCM lắng xuống, nhiều kẻ mọi rợ, kinh doanh trên vỉa hè lại mọc lên nhan nhản. Hầu hết, trên các tuyến đường TP.HCM hiện nay đều xảy ra tình trạng tái lấn chiếm lòng, lề đường.

 Đại lộ Phạm Văn Đồng được xem là con đường đẹp nhất TP.HCM. (Ảnh: Quang Anh)

Đại lộ Phạm Văn Đồng được xem là con đường đẹp nhất TP.HCM. (Ảnh: Quang Anh)

Điều đáng nói, ngay cả những tuyến đường đẹp nhất TP.HCM - nơi thường xuyên được lực lượng chức năng giám sát, xử lý nhưng tình trạng lấn chiếm vỉa hè vẫn tái diễn. Tại đây, một bộ phận người dân coi vỉa hè, lòng đường là bãi xe, khu chợ... để trục lợi.

Biến đất công thành đất tư

Ngày 25/5, PV VTC News đã ghi nhận tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường trên những tuyến đường được xem là đẹp nhất TP.HCM như: đại lộ Phạm Văn Đồng, đại lộ Võ Văn Kiệt, đường Hoàng Sa và Trường Sa.

Người dân ngang nhiên tập kết vật liệu xây dựng, phương tiện trên vỉa hè, lòng đường. (Ảnh: Quang Anh)

Theo quan sát, những tuyến đường trên vẫn để xảy ra tình trạng lấn chiếm vỉa hè nghiêm trọng.

Tại đại lộ Phạm Văn Đồng, hàng dài quán ăn nối đuôi, thi nhau nuốt trọn cả vỉa hè. Nhiều bảng hiệu quán ăn, bàn ghế, xe máy… dàn trải, phong tỏa tất cả ngõ ngách vỉa hè khiến người đi bộ không còn lối thoát.

Cũng tại tuyến đường này, trên vỉa hè la liệt những hàng rong bày bán áo quần, thiết bị điện, máy móc... Dưới lòng đường nhiều xe hàng bán hoa quả, nước giải khát nghênh ngang gọi khách mua. Không những thế, trên đại lộ Phạm Văn Đồng còn xuất hiện nhiều bậc tam cấp nhà dân vươn dài hàng mét, gây nguy hiểm, cản trở người đi bộ.

Video: Ô tô biển xanh đậu la liệt dưới vỉa hè quận 1

Tại đường Hoàng Sa và Trường Sa do có kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đi qua nên là nơi lý tưởng để người dân nơi đây mở quán nhậu, cà phê. Cũng vì thế mà trên 2 con đường này không chỗ nào không có tình trạng lấn chiếm vỉa hè. Nếu vỉa hè không bị các chủ quán lấn chiếm để kinh doanh thì cũng bị lấn chiếm để làm bãi đỗ xe, tập kết hàng hóa. Dù vỉa hè ở đây trung bình rộng 2 m nhưng nhiều nơi người đi bộ vẫn bị đẩy xuống lòng đường.

Còn tại đại lộ Võ Văn Kiệt, vỉa hè cũng chẳng khả quan hơn. Nhiều cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng, nội thất, hàng ăn… vẫn nhởn nhơ bày bán trên vỉa hè, thách thức lực lượng chức năng.

Mặc cho dòng xe lưu thông đông đúc trên đường, hàng rong vẫn luồn vào lòng đường chào hàng, bất chấp nguy cơ xảy ra tai nạn.

Xe ô tô nườm nượp đậu dưới lòng đường Hoàng Sa. (Ảnh: Quang Anh)

Nói về tình trạng lấn chiếm lòng lề đường, ông Trần Ngọc Đức (người dân sống trên đại lộ Võ Văn Kiệt) bức xúc: "Tôi tưởng sau khi thành phố xử lý tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè sẽ thông thoáng nhưng đó là điều không thể.

Dẹp lấn chiếm mà như không, nhiều người vẫn bày bán hàng la liệt trên vỉa hè. Nếu thành phố không đồng lòng, không quyết tâm đến cùng thì vỉa hè sẽ không bao giờ lấy lại được".

Chợ, rạp chình ình trên vỉa hè

Trên đường Hoàng Sa (quận 3) có nhiều mái che dàn trải đến tận lòng đường để che phương tiện và hàng hóa đặt trên vỉa hè. Đặc biệt, trên đoạn đường này xuất hiện một rạp sắt, mái tôn dài gần chục mét ngang nhiên dựng cố định trên vỉa hè nhưng không hiểu vì sao cơ quan chức năng không xử lý, tháo gỡ

Mái che bằng sắt ngang nhiên che chắn hết vỉa hè trên đường Hoàng Sa. (Ảnh: Quang Anh)

Còn tại đường Trường Sa (quận Bình Thạnh), nhiều người dân ngang nhiên bày bán hàng hóa giữa đường, gây cản trở giao thông. Theo những người này, họ buôn bán ở đây đã nhiều năm nay. Dù biết hành vi buôn bán trên vỉa hè, lòng đường là sai nhưng dân buôn bán biện minh do chợ chật hay phí thuê mặt bằng quá đắt đỏ.

Như vậy, tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường đang tái diễn ở toàn thành phố, kể cả những tuyến đường trung tâm. Trước tình trạng trên, nhiều người đặt ra câu hỏi, có hay không tình trạng bảo kê, mua bán vỉa hè?

Chợ mọc ngay trên vỉa hè ở đường Trường Sa. (Ảnh: Quang Anh)

Ngày 24/5, trong cuộc họp về tình hình tổ chức lại trật tự vỉa hè, lòng, lề đường trên địa bàn TP, ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó trưởng Ban Chuyên trách Ban An toàn giao thông TP đã có những nhận định về vấn đề này.

Theo ông Tường, hiện nay vẫn còn tồn tại tình trạng mua bán, bảo kê lấn chiếm lòng lề đường, các chợ tự phát, đặc biệt là tình trạng tái lấn chiếm mở quán nhậu vào ban đêm.

Ông Tường chỉ ra nguyên nhân là do cơ quan có thẩm quyền chưa kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm thường xuyên, liên tục, thiếu kiên quyết dẫn đến có tình trạng bao che, bảo kê, tiêu cực. Ngoài ra, do cách làm chưa phù hợp, công tác tuyên truyền kém, chưa thuyết phục người dân.

Một số hình ảnh tái lấn chiếm vỉa hè, lòng đường được PV VTC News ghi nhận được trong ngày 25/5:

Dù đai lộ Phạm Văn Đồng là đại lộ đẹp nhất, thường xuyên được cơ quan chức năng giám sát nhưng vẫn để xảy ra tình trạng lấn chiếm vỉa hè. (Ảnh: Quang Anh)

Quán ăn trên đại lộ Phạm Văn Đồng cướp vỉa hè, bít hết lối đi của người đi bộ. (Ảnh: Quang Anh)

Dùng vỉa hè để kinh doanh, tư lợi. (Ảnh: Quang Anh)

Bày bồn nước, bồn cầu lên vỉa hè để bán trên đại lộ Võ Văn Kiệt. (Ảnh: Quang Anh)

Ngang nhiên bán hàng trên vỉa hè bất chấp cơ quan chức năng ra lệnh cấm. (Ảnh: Quang Anh)

Bán hàng ngay dưới lòng đường Võ Văn Kiệt gây nguy hiểm, cản trở giao thông. (Ảnh: Quang Anh)

Hàng rong, xe ôm thi nhau đậu xe dưới lòng đường. (Ảnh: Quang Anh)

Bậc tam cấp vươn dài lấn chiếm vỉa hè trên đại lộ Phạm Văn Đồng. (Ảnh: Quang Anh)

Hàng loạt xe ô tô đậu trên vỉa hè đường Hoàng Sa. (Ảnh: Quang Anh)

Ô tô biển đỏ đậu dưới lòng đường Hoàng Sa. (Ảnh: Quang Anh)

Mái che dài hàng chục mét nằm trái phép trên vỉa hè. (Ảnh: Quang Anh)

Mái che, xe máy nuốt trọn vỉa hè. (Ảnh: Quang Anh)

Chợ tự phát trên vỉa hè đại lộ Võ Văn Kiệt. (Ảnh: Quang Anh)

Chợ lấn chiếm vỉa hè, lòng đường Trường Sa. (Ảnh: Quang Anh)

Họp chợ ngay dưới lòng đường. (Ảnh: Quang Anh)

Cảnh giao thông hỗn loạn trước những ngôi chợ tự phát mọc ngay trên vỉa hè. (Ảnh: Quang Anh)

Quang Anh

Nguồn VTC: http://vtc.vn/xa-hoi/cuop-via-he-trang-tron-tren-nhung-con-duong-dep-nhat-sai-gon-d325416.html