Những chuyện “trái tai” mùa đại hội

(ĐTCK) Những mâu thuẫn về quyền lợi giữa các “ông chủ” và ban lãnh đạo công ty thường khiến những cuộc họp ĐHCĐ trở thành diễn đàn để 2 bên đôi co.

Khi bỏ tiền mua cổ phần dù ít hay nhiều, cổ đông đều trở thành “ông chủ” của DN. Luật pháp có những điều khoản, quy định khá rành mạch nhằm điều chỉnh quan hệ giữa các “ông chủ” và ban lãnh đạo công ty. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều công ty không tuân thủ đầy đủ các quy định này dẫn đến bức xúc của cổ đông, nhất là các công ty chưa niêm yết.

Tranh cãi nặng lời

Việc cổ đông nhỏ lẻ thiệt thòi vì chưa ý thức hết quyền lợi mà luật pháp quy định và cho phép không phải là chuyện hiếm. Nhưng ngay cả khi cổ đông hiểu tường tận pháp luật và sẵn sàng lên tiếng đòi hỏi quyền lợi chính đáng thì nhiều khi câu trả lời của ban lãnh đạo công ty vẫn không thỏa đáng, dẫn đến những tranh cãi nặng lời.

Mới đây, CTCP Nước và Môi trường Việt Nam (Viwase) tổ chức ĐHCĐ năm 2012. Với vốn điều lệ 21 tỷ đồng, năm 2011, lợi nhuận sau thuế của Công ty đạt 7 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận từ Viwase là 5,8 tỷ đồng, từ đầu tư vào các công ty khác là 1,2 tỷ đồng, tỷ suất lợi nhuận/doanh thu là 9,1% và Công ty chia cổ tức 18%. Theo Ban lãnh đạo Viwase, những kết quả trên là đáng ghi nhận trong bối cảnh thị trường khó khăn như hiện nay.

Tuy nhiên, các cổ đông của Viwase không cho là như vậy. Một cổ đông cho rằng, mức cổ tức 18% tuy không phải là thấp, nhưng chưa xứng với tiềm năng của Công ty. Trong thời gian tới, Ban lãnh đạo cần có biện pháp cụ thể để nâng cao hiệu quả kinh doanh.

Những chất vấn, trả lời qua lại giữa cổ đông và những người điều hành Viwase ngày càng “nóng” khi Ban lãnh đạo Công ty cho rằng, cổ tức 18% là không thấp, tỷ suất lợi nhuận/doanh thu đạt 9,1% là mức cao nhất trong số các công ty con của Tổng công ty Đầu tư tư vấn Việt Nam. Với tổng lợi nhuận có được, Công ty có thể trả cổ tức tối đa là 25%, nhưng như vậy, cán bộ công nhân viên sẽ bị cắt thưởng Tết, cắt nghỉ mát. Rằng, “cổ đông cũng không nên ăn hết của cán bộ công nhân viên”...

Trước sự nặng lời này, ngay lập tức có cổ đông đáp trả rằng, các cổ đông không yêu cầu cắt phúc lợi của người lao động mà chỉ thấy Ban lãnh đạo trình độ yếu kém, đề nghị nâng cao trình độ để có thể quản lý kinh doanh tốt hơn, đem lại lợi nhuận xứng đáng với tiềm năng của Công ty...

Những chất vấn tiếp theo của cổ đông về tổng tài sản, vốn chủ sở hữu, hệ thống đất đai ở Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, TP. HCM… đã hé lộ tiềm năng lớn của Viwase và sự bức xúc của cổ đông về mức lợi nhuận thấp không phải không có lý. Trước hết, công ty này đang đặt trụ sở trên diện tích 650 m2 đất tại Đường Thành (Hà Nội) và Viwase đã ký được hợp đồng thuê đất thời hạn 30 năm. Ở Hưng Yên, Viwase có dự án Nhà máy Nước Như Quỳnh, Ban lãnh đạo Viwase cho biết đất này là đất dự án, không thể xây khu đô thị như yêu cầu của cổ đông. Tuy nhiên, đòi hỏi được công bố thông tin đầy đủ hoặc giấy tờ liên quan đến dự án này, cũng như một số dự án ở các tỉnh, thành khác của cổ đông đều không được Ban lãnh đạo Công ty đáp ứng.

Một nội dung nữa là trong kế hoạch tới đây, cổ đông nhà nước có thể giảm tỷ lệ sở hữu tại Viwase từ 50,5% xuống còn 36% và đây là mối quan tâm của nhiều cổ đông. Tuy nhiên, ông Nguyễn Như Hà, Chủ tịch HĐQT Công ty chỉ đưa ra thông tin chung chung: Viwase sẽ tăng vốn điều lệ để có tiền xây dựng dự án tại khu đất số 5 - 7 - 9 Đường Thành, Nhà nước sẽ không mua thêm cổ phần tăng vốn hoặc chỉ mua một phần để hạ tỷ lệ sở hữu xuống còn 36%. Tuy nhiên, vấn đề cổ đông quan tâm là phần vốn mà Nhà nước không mua sẽ được bán ra sao, bán cho ai lại không được giải đáp. Đã có không ít những đồn đoán về việc ai có thể thâu tóm cổ phần với giá rẻ để có quyền chi phối Viwase, qua đó sở hữu những “khu đất vàng”?

Đòi hỏi hành xử đúng luật

Lý giải sự chậm trễ công bố báo cáo tài chính kiểm toán, Ban lãnh đạo Viwase cho rằng: “Những thông tin về tài sản, đất đai đều có trong bản công bố thông tin khi cổ phần hóa (năm 2006 - PV), đến nay không có gì thay đổi nên không cần thiết phải công bố, cổ đông mua cổ phần thì phải tìm hiểu và đều đã biết. Cổ đông nào chưa biết đề nghị đến Công ty, chúng tôi cung cấp”. Ông Hà tỏ ra bức xúc khi cho rằng, các cổ đông không thể lúc nào cũng lấy danh ông chủ ra để… hoạnh họe và Công ty không thể in hết báo cáo tài chính mấy trăm trang cho từng cổ đông (!?)

Tại một DN khác là Tổng CTCP Thiết bị điện (Gelex) có vốn điều lệ 1.400 tỷ đồng. Năm nay, Gelex mời cổ đông lên Tiên Du, Bắc Ninh dự ĐHCĐ. Điều đáng nói là tổng công ty này lại có trụ sở ở ngay Lê Đại Hành (Hà Nội) và tự giới thiệu trên website: “Hoạt động kinh doanh trên lĩnh vực khách sạn, cho thuê văn phòng,... với nhiều vị trí đẹp, được các thương hiệu nổi tiếng thế giới sử dụng”, trong số đó có Khách sạn Melia Hà Nội mà Gelex tham gia liên doanh.

Luật Chứng khoán quy định, trong vòng 6 tháng kể từ khi trở thành công ty đại chúng, DN phải thành lập website, nhưng vài tháng gần đây, website của Gelex mới hoạt động, trong khi Công ty cổ phần hóa từ năm 2009. Ngoài ra, đến ngày 17/4/2012, Gelex vẫn chưa có tên trong danh sách công ty đại chúng do UBCK công bố.

Trước đó, tại ĐHCĐ thành lập Công ty vào cuối năm 2010, Gelex không cho hàng chục cổ đông vào dự họp với lý do không đăng ký tham dự trước khi ĐHCĐ diễn ra, dù rằng nhiều cổ đông khẳng định họ đã gửi đăng ký tham dự qua fax, gửi bưu điện hoặc gửi tận trụ sở Gelex. Sau đó, Gelex cũng cho cổ đông vào dự họp, nhưng… không cho biểu quyết.

Khi đã mâu thuẫn quyền lợi, cổ đông hay ban lãnh đạo DN đều có cái lý riêng của mình. Người điều hành DN thì bức xúc cho rằng cổ đông đòi hỏi thái quá, còn cổ đông lại cảm thấy quyền lợi bị xâm phạm và bị coi thường khi những yêu cầu/đề nghị bị bỏ qua. Khi đó, điều quan trọng là các bên phải tôn trọng cái “lý” chung, tức là thực hiện đúng những quy định pháp luật liên quan.

Luật sư Trần Minh Hải

Giám đốc Công ty Luật Chứng khoán - Ngân hàng - Đầu tư (Basico)

Trong mối quan hệ cổ đông - ban lãnh đạo DN, khi xuất hiện vấn đề rắc rối, điều quan trọng là hai phía phải có thiện chí. Dù các cổ đông nhỏ không tác động được nhiều đến kết quả bỏ phiếu thông qua các nội dung đại hội, nhưng khi họ bức xúc làm lớn chuyện thì cũng ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh công ty.

Hiện nay, soi vào trình tự, thủ tục tổ chức ĐHCĐ, có tới 99,9% ĐHCĐ có vấn đề đều do sai sót liên quan tới công bố thông tin, giấy tờ tài liệu. Liên quan đến những vấn đề này, nếu ban lãnh đạo làm sai, cổ đông nhỏ có thể khởi kiện yêu cầu Tòa án hủy bỏ Nghị quyết ĐHCĐ. Vì vậy, khi tổ chức ĐHCĐ cần tuyệt đối tránh những sai sót này.

Ngược lại, cổ đông nhỏ cần phân định rõ quyền sở hữu DN của mình và quyền điều hành của HĐQT. Các cổ đông nhỏ có quyền yêu cầu giải trình, đóng góp ý kiến vào các vấn đề như thông qua điều lệ, bổ sung điều lệ, kết quả kinh doanh… Nhưng những vấn đề như tái cơ cấu DN, bổ nhiệm CEO… là quyền của HĐQT. Bởi vậy, cổ đông cũng nên có thiện chí khi chất vấn, để ý kiến, đóng góp của họ được ghi nhận tốt nhất.

Luật sư Bùi Thanh Lam

Giám đốc Pháp chế Ngân hàng Liên Việt Post

Đối với yêu cầu giải trình của cổ đông mà trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến những hành vi vi phạm quy định pháp luật về công bố thông tin, đến giấy tờ, tài liệu phục vụ ĐHCĐ… thì Ban lãnh đạo, cổ đông lớn phải giải trình đến nơi đến chốn. Nhưng với vấn đề kinh doanh, các hoạt động khác của công ty, quyền lực cơ bản của cổ đông thể hiện qua lá phiếu trên cơ sở sở hữu cổ phần của từng cổ đông.

Hoàng Duy

Ý KIẾN PHẢN HỒI CỦA BẠN

Tên của bạn

Email của bạn

Nhập mã

Nguồn ĐTCK: http://tinnhanhchungkhoan.vn/GL/N/CHGEAB/nhung-chuyen--trai-tai--mua-dai-hoi.html