Những chuyện tình thời chiến: Hẹn ước không lời

Nghe tin ông bị tử hình, rồi bị đày đi Côn Đảo, bà quyết định nhận lời cầu hôn rồi lặng lẽ chờ ông suốt 14 năm đằng đẵng dù không một lời ước hẹn.

Một ngày đầu năm học năm 1956, có cô gái mặc áo dài trắng đến trường Văn Lang ở Sài Gòn nhập học. Đó là ngày đầu tiên Lê Hồng Tư gặp bà Nguyễn Thị Châu. “Đó là người con gái mặc áo dài trắng, xinh đẹp, thùy mị hiền hòa”, ông Tư nhớ như in cái ngày đầu tiên đó.

Những lần tỏ tình thất bại

Khi đó Lê Hồng Tư đang làm trưởng lớp đệ tam, đồng thời là bí thư chi đoàn có nhiệm vụ cảm hóa, thuyết phục học sinh theo cách mạng. “Hồi đó thi cử khó lắm, không phải như bây giờ. Học sinh miền Nam khi đó hiếu học, muốn thi đậu, chỉ tập trung học hành nên hoạt động chính trị rất khó”, ông kể.

Rung động vì người con gái ấy, nhưng Lê Hồng Tư cũng không dám nghĩ đến việc lập gia đình. “Cuộc chiến chưa biết ngày kết thúc, bao nhiêu người đã đổ máu xuống, giờ đi lập gia đình thì lấy ai làm cách mạng”, người thanh niên trẻ thầm hứa.

Cô nữ sinh Nguyễn Thị Châu năm 1956. Ảnh tư liệu.

Cô nữ sinh Nguyễn Thị Châu năm 1956. Ảnh tư liệu.

Người con gái mặc áo dài trắng hôm đó tên là Nguyễn Thị Châu, nhà ở Biên Hòa. Thời ấy, Biên Hòa không có lớp đệ tam, Châu phải lên Sài Gòn trọ học trong xóm lao động nghèo. Bố của Châu tham gia Việt Minh, bị lính Pháp sát hại. Tiền đi học được người chú cho mượn với cam kết phải học giỏi về giúp mẹ nuôi 4 em nhỏ.

Hoạt động trong phong trào học sinh sinh viên được khoảng 2 năm thì Lê Hồng Tư phải chuyển đi nơi khác làm nhiệm vụ. Để có thể ở lại hoạt động, Nguyễn Thị Châu phải cố tình thi trượt. “Mà hồi đó thi đỗ mới khó chứ thi trượt dễ lắm”, ông Tư cười.

Sợ “xa mặt cách lòng” chàng thanh niên lấy hết can đảm tỏ tình. Một chiều thứ 7 mưa lâm râm, Lê Hồng Tư tìm đến xóm trọ gặp Châu. Lời tỏ tình vụng về bị Nguyễn Thị Châu dội nước lạnh: “Anh đi tìm người khác đi, tôi không muốn lập gia đình”.

“Lúc đó tôi lên gác xép ngồi nhìn xuống, thấy cô ấy vẫn làm bài tập đại số. Lòng tôi quặn thắt kêu thầm, trời ơi người con gái mình vừa tỏ tình vẫn điềm nhiên ngồi làm đại số như chưa có gì xảy ra”, ông Lê Hồng Tư nhớ lại.

Lê Hồng Tư tính 6 tháng sau hỏi tiếp nhưng rồi không dám vì sợ đau lòng thêm lần nữa. Nhiều năm sau đó, người con gái đó vẫn kiên quyết từ chối lời tỏ tình. Năm 1961, một lần nữa Nguyễn Thị Châu từ chối gặp mặt, cô cũng không ngờ rằng sau đó là 14 năm xa cách đằng đẵng trong đau đớn và tù đày.

Lời nhắn từ tử tù Côn Đảo

Tháng 2/1961, Nguyễn Thị Châu bị mật vụ chặn đường bắt cóc. Cô nữ sinh bị chuyển từ nhà giam này đến nhà giam khác với đủ trò tra tấn: Giật điện, treo ngược, đi máy bay… mỗi đêm. Ban ngày, xà lim bị đổ đầy nước cống. Cứ thế, bà chết đi sống lại giữa những trận đòn roi, nhiều lúc tưởng như không thể trở về.

“Ngày tôi ở Hà Nội, có chị bạn người Đà Nẵng ôm tôi khóc nói Lê Hồng Tư hy sinh rồi, đừng đợi nữa, nên xây dựng gia đình đi. Tôi nói anh chưa có hy sinh đâu, em vẫn chờ anh về”

Bà Châu bồi hồi

Một ngày, khi bị áp giải lên nha tổng, Châu nghe tin sét đánh. Báo chí đăng tin Lê Hồng Tư bị kết án tử hình do cầm đầu nhóm ám sát đại sứ và một sĩ quan Mỹ. “Tôi nấc lên mà không dám khóc, sợ mai mắt sưng đỏ tụi lính biết được”. Lòng cô nhói lên khi nhớ lại những lần Lê Hồng Tư bị mình từ chối.

Ngày hôm đó, Nguyễn Thị Châu đi đến quyết định nhận lời cầu hôn của Lê Hồng Tư dù ông đã không còn đứng đó để tỏ tình thêm lần nữa. Dù ông có bị tử hình, cô vẫn sẽ là vị hôn thê của ông. Chuyện đó, tù chính trị và những người ở chiến khu đều biết, chỉ trừ… Lê Hồng Tư.

Cuối 1964, Nguyễn Thị Châu được thả về. Lúc đó Lê Hồng Tư đã bị đày đi nhà tù Côn Đảo.

Lê Hồng Tư và Nguyễn Thị Châu tổ chức đám cưới sau hơn 14 năm xa cách đằng đẵng bởi tù đày. Ảnh tư liệu.

Ở Côn Đảo, Lê Hồng Tư gặp một tử tù tên là Phạm Văn Dẫu. “Gặp tôi, ông Dẫu nói: Có chị Chín ở Cà Mau tìm tôi nói khả năng các anh sẽ bị đày ra Côn Đảo, nếu ra đó gặp Lê Hồng Tư thì nói chị Châu, hôn thê của anh, gửi lời hỏi thăm”, ông Tư nhớ lại.

Nguyễn Thị Châu không biết ông Dẫu, nhưng đồng đội của hai người ở chiến khu biết chuyện nên thấy ai sắp ra Côn Đảo, họ đều gửi theo lời nhắn. “Tôi nghe mà vui, xúc động lắm. Tôi khóc. Thương người con gái ấy. Lúc mình hỏi thì không chịu nhưng khi biết mình sắp chết thì lại nhận lời”, ông Tư bồi hồi.

Ở chiến khu, Nguyễn Thị Châu không biết lời hẹn ước của mình đã được những tử tù Côn Đảo chuyển đến Lê Hồng Tư. “Ngày tôi ở Hà Nội, có chị bạn người Đà Nẵng ôm tôi khóc nói Lê Hồng Tư hy sinh rồi, đừng đợi nữa, nên xây dựng gia đình đi. Tôi nói anh chưa có hy sinh đâu, em vẫn chờ anh về”, bà Châu bồi hồi.

Đám cưới với gần 600 khách, trong đó hơn một nửa... tự đến. Ảnh tư liệu.

Năm 1975, đất nước thống nhất, tàu chở các tù chính trị từ Côn Đảo về đất liền. “Người ta báo anh ngồi ở ghế đá chờ tôi mà tôi sốt ruột dọc đoạn đường đi. Người từ Côn Đảo về nói sức khỏe của anh yếu lắm, không đi lại được, giờ ngồi ghế đá chờ là tốt rồi”.

“23h đêm tôi đến gặp anh. Cũng chỉ dám nắm tay anh hỏi anh khỏe không chứ nào dám ôm”, bà Châu kể.

17/8/1975 là ngày cưới của họ. Đám cưới mời 250 bạn bè nhưng người đi dự tới gần 600. Cả hai đều không có tiền, bạn bè mỗi người góp 1 đồng mua bánh và trà giúp tổ chức. Năm đó, Lê Hồng Tư 40 tuổi, Nguyễn Thị Châu 37 tuổi, họ về chung một nhà sau 14 năm cách xa đằng đẵng.

Hà Hương - Ngọc Hoa

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/nhung-chuyen-tinh-thoi-chien-hen-uoc-khong-loi-post765391.html