Những chuyến đi cùng cụ ông U90 mang 2 bản án tử hình oan

Đã 16 năm làm báo, tôi đã đi nhiều và cũng gặp rất nhiều người. Tôi thấy đó chính là cái lãi của những người làm nghề báo như mình. Khi tham gia viết bài về vụ án oan Trần Văn Thêm, tôi cũng có những chuyến đi cùng người “tử tù” đặc biệt này.

Trong đó, chuyến đi cùng cụ đến buổi xin lỗi công khai của liên ngành tố tụng Trung ương ngày 11-8-2016 và lần đến nhà vị cựu chỉ huy Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Vĩnh Phú (cũ) sau đó một tuần đã cho tôi một cái nhìn sâu sắc về chữ tình trong thiên hạ.

1.Tháng 8 năm 2016, cái tên Trần Văn Thêm trở nên “hot” trên các phương tiện truyền thông. Vụ án oan Trần Văn Thêm gây sự chú ý của dư luận bởi nhiều lý do. Hẳn nhiên trong đó chi tiết về tuổi tác của cụ ông 81 tuổi này.

Ông Trần Văn Thêm cảm ơn ông Cù Tiện sau ngày được minh oan.

Rồi thì việc cụ bị hai cấp tòa sơ thẩm và phúc thẩm tuyên tử hình từ năm 1973, 1974 nhưng hơn 40 năm sau vẫn… sống cũng khiến người ta tò mò.

Trong 40 năm ấy, với thân phận tử tù, cụ Thêm đã sống ra sao, gia cảnh thế nào? Làm thế nào mà ông cụ Thêm đã kêu oan thành công cũng là yếu tố khiến dư luận quan tâm đến vụ án này…

Tôi tiếp nhận thông tin về vụ án oan Trần Văn Thêm từ trước đó khá lâu. Tôi cũng có dịp trò chuyện, trao đổi với những người làm việc trong ngành luật, trong một số cơ quan tố tụng nên được biết khá nhiều thông tin vụ việc này.

Thế nên, trước ngày diễn ra buổi công khai xin lỗi, tôi cũng biết việc đại diện ngành Tòa án về thăm cụ Thêm tại nhà. Còn thông tin, ngày 11-8, liên ngành các cơ quan tư pháp Trung ương tổ chức công khai xin lỗi cụ Trần Văn Thêm tại hội trường Trung tâm huyện Yên Phong, tôi cũng được báo tin khá sớm.

Nhận được tin này, tôi vui mừng và háo hức vô cùng. Bởi lẽ, đó sẽ là một ngày trọng đại với cụ Thêm và gia đình. Từ đây, sẽ chấm dứt những ngày oan trái đối với cụ Thêm, xóa sạch tiếng xấu đối với dòng họ ông.

Sáng sớm 11-8, chúng tôi xuất phát từ Hà Nội, đến đầu thôn Đức Lân, đã thấy rất đông bà con dân làng. Trong sân, trong nhà ông cụ Thêm có nhiều phóng viên, con cháu. Chiếu được trải tràn khắp nhà. Cụ Thêm vẫn mặc bộ áo nâu như ngày thường và ngồi ở gian giữa, trước bàn thờ gia tiên.

Thấy chúng tôi, ông cụ cười và mời vào uống nước. Trò chuyện với các bạn đồng nghiệp, tôi được biết, ai cũng muốn có những thước phim, những bức hình trước khi người “tử tù” đặc biệt này đến buổi công khai xin lỗi của cơ quan chức năng nên đến nhà cụ Thêm sớm.

Cũng như họ, tôi cũng cần những hình ảnh, những câu chuyện ở nhà cụ Thêm trước giờ phút người có thẩm quyền đăng đàn xin lỗi. Và tôi may mắn hơn các bạn đồng nghiệp của mình ở chỗ, sau khi có những tư liệu cần thiết ở nhà cụ Thêm, tôi ngồi cùng xe với cụ ra hội trường Trung tâm huyện Yên Phong.

Cụ Thêm ngồi giữa tôi và ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Giám đốc Công ty TNHH Luật Hòa Lợi – Người đại diện ủy quyền của cụ. Ngắm cụ thật gần, tôi thấy thần sắc có vẻ kém so với trước đó nên hỏi: “Tối qua ông có ngủ được không?” thì cụ bảo: “Tôi thức trắng đêm”. Khi tôi hỏi: “Sáng nay ông đã ăn gì chưa?”, thì ông cụ cho biết, đã uống sữa.

Cụ còn cho biết thêm, sữa là do con cháu đến thăm cho. Đã tiếp xúc nhiều lần, đã từng được nghe cụ kể đi, kể lại sự việc xảy ra đêm hôm 23-7-1970 khiến “chú Văn chết, tôi bị bắt oan” (lời cụ Thêm – pv) nên tôi phần nào hiểu tâm trạng cụ lúc này.

Ngồi trên xe, thi thoảng cụ lại nhìn ra bên ngoài, nơi có cánh đồng lúa xanh ngắt. Trên xe có 4 người, nhưng có lúc im phăng phắc. Mỗi người một cảm xúc, một tâm trạng.

Dòng xe đang đi thì bị tắc lại bởi vật cản là cái máy cẩu gặp sự cố chắn ngang đường. Rồi đường cũng thông, xe đến thị trấn Chờ thì anh lái xe hỏi: “Hội trường Trung tâm ở đâu?”. Cụ Thêm chỉ: “Đi đến bưu điện, rẽ phải”. Khi xe đến cổng hội trường, có rất đông người dân và phóng viên ở đấy.

Trong vòng vây của báo chí và người dân, cụ Thêm bước vào hội trường và cuộc xin lỗi công khai của cơ quan liên ngành tư pháp Trung ương diễn ra long trọng. Tại đây, tôi đã chứng kiến những giọt nước mắt của người thân cụ Thêm và những phút giây lặng đi của cụ ông đặc biệt này.

2. Một tuần sau buổi xin lỗi công khai, tôi lại có dịp đi cùng cụ Thêm. Đó là chuyến đi tìm đến cảm ơn người mà khi được hỏi: “Sau khi được minh oan, ai là người ông nghĩ đến đầu tiên?”, cụ Thêm trả lời: “Đó là ông Cù Tiện”.

Tôi đã đọc rất kỹ hồ sơ đề nghị minh oan của cụ Thêm nên khi nghe nhắc đến tên “ông Cù Tiện” thì không thấy lạ. Đó là vị cựu Phó trưởng Ban chỉ huy Cảnh sát, Công an tỉnh Vĩnh Phú.

Tôi cũng từng nghe ông Trần Văn Năm, cháu gọi cụ Thêm bằng chú; anh Trần Văn Được, cháu gọi cụ Thêm là ông chú kể về những chuyến đi đến nhà ông Cù Tiện khi họ mò mẫm tìm chứng cứ để làm dày thêm tập hồ sơ đề nghị minh oan cho cụ Thêm.

Mà theo cụ Thêm giải thích, chính những căn cứ và xác nhận mà vị cựu chỉ huy CSHS, người đã trực tiếp điều tra vụ án mạng xảy ra đêm 23-7-1970 ở lều cắt tóc cầu Diện, xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phú (nay là tỉnh Vĩnh Phúc) giai đoạn 2 là cơ sở quan trọng để chứng minh việc bị oan sai.

Nhà ông Cù Tiện ở khu 3, xã Vĩnh Châu, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ. Con đường đất đi vào nhà ông khá ngoắt nghéo, hai bên đường cây cối rậm rạp. Ngôi nhà đơn sơ, bao quanh là tre, trước mặt là ruộng sâu.

Ông Cù Tiện năm nay 85 tuổi, người gầy quắt. Trong nhà ông có rất đông con cháu, hỏi ra tôi mới biết họ nghe tin cụ Thêm đến chơi nên cùng về chung vui. Cuộc gặp lại giữa hai ông cụ diễn ra thật đầm ấm. Cụ Thêm kể lần đầu tiên, 3 ông cháu ông đến nhà ông Cù Tiện là lúc trời tối mịt.

Vợ ông Cù Tiện khi đó còn sống đã nấu cơm cho 3 ông cháu ăn, còn ông Cù Tiện thì giữ lại ngủ cùng. Và cả đêm hôm đó, ông Cù Tiện đã kể cho họ nghe về vụ án đêm 23-7-1970 tại lều cắt tóc cầu Diện mà ông đã tham gia điều tra giai đoạn 2.

Sau cuộc gặp bất ngờ trong đêm giữa vị cựu chỉ huy Cảnh sát Công an Vĩnh Phú, mấy ông cháu nhà cụ Thêm đã hiểu thêm ngọn nguồn vụ án và từ đây, hé mở hướng đi mới trong hành trình kêu oan mà họ đang theo đuổi.

Đáng quý hơn nữa là sau đó, ông Cù Tiện, với tư cách là nguyên Phó Trưởng ban chỉ huy Cảnh sát, Công an tỉnh Vĩnh Phú đã làm Giấy xác nhận, trong đó nêu rõ: Vụ án xảy ra đêm 23-7-1970 ở lều cắt tóc cầu Diện, xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương khiến ông Nguyễn Khắc Văn bị giết hại; ông Trần Văn Thêm bị bắt. Qua hai cấp tòa sơ thẩm và phúc thẩm, ông Trần Văn Thêm bị xét án tử hình.

Năm 1974, khi được bổ nhiệm làm Phó Ban chỉ huy CSHS, Công an tỉnh Vĩnh Phú, sau khi xuất hiện những tình tiết mới liên quan đến vụ án xảy ra đêm 23-7-1970, ông Cù Tiện đã trực tiếp tham gia điều tra và bắt giữ hung thủ thực sự của vụ án là Phùng Thanh Nhàn.

Trò chuyện với phóng viên về cuộc trùng phùng đầu tiên với người tử tù bị kết án oan, ông Cù Tiện cho biết: "Việc ông Thêm cùng những người cháu không quản đường xa, đêm tối tìm đến nhà ông, ông rất bất ngờ.

Tác giả (ngoài cùng bên trái) trò chuyện với ông Cù Tiện và ông Trần Văn Thêm.

Những việc gì ông biết, ông đã làm thì sẵn sàng xác nhận. Đấy vừa là trách nhiệm của người cựu sỹ quan Cảnh sát, vừa là tình người. Sau lần gặp đầu tiên ấy, ông Thêm và những người hỗ trợ pháp lý cho mình còn tìm đến nhà ông Tiện vài lần.

Việc ông Thêm được minh oan, ông xem trên ti vi nên biết". Trong bữa cơm toàn sản vật do nhà làm ra như măng mai, cá, gà…, hai cụ già ở tuổi xưa này hiếm chỉ ngồi… ngắm là chính. Các ông đều đã già yếu, chẳng ăn uống được gì.

Thế nhưng, trong ký ức của họ dường như còn đọng lại rất nhiều kỷ niệm. Kể cả việc xảy ra cách đây hơn 40 năm, khi vị chỉ huy CSHS đưa cho người tù Trần Văn Thêm cái chăn thì hôm nay, cả hai đều nhắc lại.

Về hưu từ những năm 80 của thế kỷ trước, ông Cù Tiện hằng ngày chăm sóc ruộng vườn. Các con ông bảo, mỗi bữa ông chỉ ăn được lưng bát cơm, còn bệnh tật thì âm ỉ nhưng ngày nào ông cũng ra vườn. Còn cụ Thêm cũng không khá hơn, thức ăn hằng ngày là cháo. Nhìn hai cụ ông – Một người cựu sỹ quan chỉ huy Cảnh sát – Một người là cựu tù oan… thân tình, cởi mở bên nhau, tôi thấy sợi dây tình cảm như hữu hình. Cụ Thêm tâm sự: “Tôi biết tuổi của mình, nên sống nay chết mai là điều không tránh khỏi. Tôi muốn đến cảm ơn ông Cù Tiện sớm…”. Cụ Thêm đã đợi hơn 40 năm, khi ở tuổi ngoại bát tuần để được minh oan. Nhưng cụ không muốn đợi thêm bất cứ ngày nào khiến việc cảm ơn người cựu chỉ huy Cảnh sát chậm trễ. Bởi cả cụ và ông Cù Tiện không còn thời gian để đợi…

Cao Hồng

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/cuoc-song-muon-mau-goc/nhung-chuyen-di-cung-cu-ong-u90-mang-2-ban-an-tu-hinh-oan-414828/