Những chuyện chưa kể về chuyên án hiệu vàng Ngọc Bích

Thiếu tướng Phan Văn Vĩnh được Thứ trưởng Phạm Quý Ngọ trao trọng trách làm Trưởng ban chỉ đạo chuyên án, có nghĩa là "Tổng tư lệnh", chỉ đạo và quyết định cao nhất trong từng bước diễn biến của vụ án. Nói không ngoa, nhưng việc điều tra ra vụ án này, quả thực mang đậm "phong cách Phan Văn Vĩnh"...

Chỉ trong 1 tuần, với sự ra quân quyết liệt của lực lượng Công an, đối tượng gây ra vụ án man rợ tại hiệu vàng Ngọc Bích ở phố Sàn (Phương Sơn, Lục Nam, Bắc Giang) đã bị bắt giữ. Chúng tôi là những phóng viên được sự cho phép của Ban chỉ đạo chuyên án có mặt hầu như suốt hành trình điều tra, đặc biệt vào những thời điểm quyết định của chuyên án. Chúng tôi cũng được lãnh đạo Bộ Công an cho phép tham dự một số cuộc họp của Ban chỉ đạo, Ban chuyên án, được nghe phân tích từng diễn biến, tình hình nên càng hiểu sâu sắc hơn bao giờ hết những khó khăn, vất vả trong điều tra chuyên án, cũng như những năng động, sáng tạo, tinh thần trách nhiệm, quả cảm và cái tâm quyết bắt kẻ ác phải đền tội của các lực lượng Công an. Từ số báo này, chúng tôi sẽ chuyển đến bạn đọc những ghi nhận, những câu chuyện mà chúng tôi thu lượm được trong hành trình theo bám các lực lượng điều tra và truy bắt hung thủ vụ giết người, cướp tài sản ở hiệu vàng Ngọc Bích. Kỳ 1: Dấu ấn người chỉ huy Chưa có vụ án nào mà tập trung cao độ trí tuệ của những người lãnh đạo trong lĩnh vực điều tra vụ án hình sự đến thế. Trong cuộc họp đầu tiên chỉ đạo điều tra vụ án, Trung tướng Phạm Quý Ngọ, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an đã nhấn mạnh rằng: "Chúng ta phải tập trung tất cả trí tuệ để hiến kế cho việc điều tra chuyên án đạt hiệu quả nhanh nhất". Ngoài 2 "chuyên gia", 2 Anh hùng LLVTND trong lĩnh vực điều tra hình sự là Thiếu tướng Phan Văn Vĩnh, Tổng cục trưởng; Thiếu tướng Đỗ Kim Tuyến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm, từng vị "tư lệnh" của các Cục nghiệp vụ thuộc Tổng cục như: Viện Khoa học hình sự, Cục Hồ sơ nghiệp vụ, Cục CSĐT tội phạm về TTXH, Cục Trinh sát ngoại tuyến… cùng Ban Giám đốc và các phòng nghiệp vụ của Công an tỉnh Bắc Giang đều lần lượt đưa ra các ý kiến phân tích, nhận định về vụ án. Thiếu tướng Phan Văn Vĩnh được Thứ trưởng Phạm Quý Ngọ trao trọng trách làm Trưởng ban chỉ đạo chuyên án, có nghĩa là "Tổng tư lệnh", chỉ đạo và quyết định cao nhất trong từng bước diễn biến của vụ án. Nói không ngoa, nhưng việc điều tra ra vụ án này, quả thực mang đậm "phong cách Phan Văn Vĩnh". Như một người lính, ông lúc nào cũng mặc thường phục, trời nắng sụp thêm cái mũ cối dân dã. Chẳng thế, khi ông xuống tận hiện trường kiểm tra đến mấy lần, cánh báo chí phục tại đó chẳng ai đoán ra ông, dù họ đang săn từng cái tin nhỏ nhất liên quan đến vụ án. Một cán bộ của Phòng CSĐT tội phạm về TTXH - Công an tỉnh Bắc Giang kể lại rằng, anh đang trực tại hiện trường thì thấy một người đàn ông cao gầy, đội mũ cối đi vào. Vì nhiệm vụ, anh buộc phải kiểm tra nhân thân. Lúc đó, người đàn ông mới ghé tai anh: "Mình là Phan Vĩnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm xuống kiểm tra, xem xét hiện trường". Người cán bộ giật mình, xin lỗi vì không ngờ đồng chí Trưởng ban Chỉ đạo chuyên án lại trực tiếp một mình xuống hiện trường, nhưng Thiếu tướng Phan Văn Vĩnh đã xua tay, cười xòa. Tính ông vẫn vậy, cực kỳ nghiêm khắc nhưng cũng rất dân dã. Trong điều tra vụ án, ông muốn mọi việc càng bí mật, càng ít người biết càng tốt. Ngày 26/8, ông cùng các lãnh đạo của Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm xuống hiện trường lần thứ nhất, đã yêu cầu Công an tỉnh Bắc Giang và các Cục nghiệp vụ của Tổng cục báo cáo tất cả diễn biến tại hiện trường và các công việc đã làm. Đến đâu, ông giở cuốn sổ nhỏ của mình ghi chép cẩn thận đến đấy. Khi về Công an tỉnh Bắc Giang họp với Ban chỉ đạo, ông đã nêu 11 yêu cầu cần làm rõ từ hiện trường vụ án. Hôm sau, Thiếu tướng Phan Văn Vĩnh trở lại Bắc Giang để điều hành cuộc họp với các đơn vị tham gia vụ án và Công an 8 tỉnh, thành phố phụ cận. Giờ nghỉ buổi trưa, ông lại một mình xuống hiện trường xem xét. Đây là ngày thứ 4 từ khi vụ án xảy ra, nắng nóng càng khiến mùi tanh từ các dấu vết máu tại hiện trường bốc lên, khiến người yếu sức chỉ có thể trụ được thời gian ngắn rồi phải trở ra. Đại tá Nguyễn Văn Dư và Đại tá Hồ Sỹ Tiến có mặt để chỉ đạo việc dẫn giải và hỏi cung đối tượng Lê Văn Luyện đêm 1/9. Thiếu tướng Phan Văn Vĩnh cứ tỉ mẩn lật từng tấm đệm, chui vào từng gầm bàn, nghiên cứu từng dấu vết để lại hiện trường, ghi chép vào sổ. Trời chiều buông xuống lúc nào không biết, lúc ông cảm thấy đã hoàn toàn thỏa mãn với những điều ghi chép, nghiên cứu từ hiện trường thì đồng hồ đã điểm hơn 18h. "Đối với vụ án này, những dấu vết tại hiện trường cực kỳ quan trọng. Bởi nhân chứng của vụ án không có, bé Bích thì cũng chỉ nhìn được một phần trong bóng tối lờ mờ và sự hoảng loạn vì đau đớn. Vì thế, chúng ta phải nghiên cứu kỹ hiện trường, từ đó đánh giá hướng đột nhập cũng như trình tự gây án của đối tượng…" - Thiếu tướng Phan Văn Vĩnh đã cho chúng tôi biết. Ngày 29/8, đối với vụ án này, là mốc cực kỳ quan trọng, bởi Ban chỉ đạo chuyên án đã xác định được đối tượng gây án là Lê Văn Luyện, 18 tuổi, trú tại xã Thanh Lâm (Lục Nam, Bắc Giang), nơi chỉ cách hiện trường gây án hơn 2km. Tuy nhiên, đối tượng đã bỏ trốn ngay sau khi gây án. Cả ngày hôm đó, chúng tôi có mặt ở nơi "trung tâm chỉ huy" là Công an huyện Lục Nam. Phòng làm việc của đồng chí Phó trưởng Công an huyện được trưng dụng thành phòng họp của Ban chỉ đạo chuyên án. Thiếu tướng Phan Văn Vĩnh có mặt từ sớm, nụ cười đầu ngày khi gặp chúng tôi nhanh chóng được thay bằng nét mặt căng thẳng bởi sự tất bật của công việc. Ông không lúc nào ngồi yên, trực tiếp chỉ huy hết cánh quân này đi khám nhà, cánh khác lên Lạng Sơn truy lùng theo dấu vết lẩn trốn của tên tội phạm. Trong ngày hôm đó, cũng có khá nhiều người dân khi đọc, biết thông tin đối tượng gây án là Lê Văn Luyện, đã gọi điện thoại cho lực lượng Công an, thậm chí cả Báo CAND để thông tin về tội phạm. Không bỏ qua bất cứ một thông tin nào, Thiếu tướng Phan Văn Vĩnh đã gọi điện thoại đến từng đầu mối. Nhiều người dân đã rất xúc động khi được trực tiếp Thiếu tướng gọi điện, xưng danh, tìm hiểu thông tin và trân trọng cảm ơn vì đã cộng tác với lực lượng Công an trong cuộc chiến chống lại cái ác. Gần sang ngày mới, tin tức từ các cánh quân báo về vẫn chưa quây bắt được đối tượng Lê Văn Luyện, Thiếu tướng Phan Văn Vĩnh mới tạm rời phòng chỉ huy về nơi nghỉ. Khuôn mặt ông vẫn đau đáu: "Chưa bắt được đối tượng gây án về chịu tội, niềm vui của anh mới chỉ được 40%". Thế nhưng, chiều tối 31/8, khi tên Lê Văn Luyện bị bắt tại Đồn Biên phòng Na Hình, huyện Văn Lãng (Lạng Sơn) và dẫn giải về Bắc Giang, chúng tôi đã không gặp Thiếu tướng Phan Văn Vĩnh tại hiện trường nữa. Gọi điện thắc mắc vui thì ông bảo: "Vinh dự bây giờ thuộc về anh em cán bộ, chiến sĩ đã tham gia chuyên án". Những người chỉ huy mà chúng tôi gặp, phải bám trụ nhiều nhất tại hiện trường là Đại tá Nguyễn Văn Dư, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bắc Giang, Phó ban Thường trực Ban chuyên án và Đại tá Hồ Sỹ Tiến, Cục phó Cục CSĐT tội phạm về TTXH. Kể từ khi xảy ra vụ án, Đại tá Nguyễn Văn Dư chưa đêm nào ngủ trọn vài ba tiếng. Phần vì công việc nhiều, các lực lượng liên tục báo cáo thông tin về, phần ông cũng không thể ngủ được khi vụ án chưa được làm sáng tỏ. Ông có mặt ngay tại hiện trường sau khi cơ quan Công an nhận được tin báo, chỉ đạo thành lập hội đồng khám nghiệm để khám nghiệm hiện trường. Đại tá Dư kể rằng, bao nhiêu năm lăn lộn, chỉ huy trong lĩnh vực điều tra, nhưng khi là người đầu tiên được cán bộ của mình báo những tin tức và chứng cứ khẳng định hung thủ là Lê Văn Luyện, ông vẫn thấy niềm vui tột cùng. Đêm 1/9, trước thời điểm hung thủ Lê Văn Luyện được đưa về Bắc Giang, chúng tôi đã thấy Đại tá Nguyễn Văn Dư có mặt ở Trại tạm giam - Công an tỉnh. Ông họp với các đơn vị có nhiệm vụ điều tra vụ án và giam giữ đối tượng, phân công trách nhiệm cụ thể. Ngày mai, là đơn vị tiếp tục điều tra, thụ lý vụ án, công việc của ông và các cán bộ của mình vẫn còn nhiều bộn bề… Có mặt, trực tiếp chỉ huy lực lượng của Cục CSĐT tội phạm về TTXH tại hiện trường là Đại tá Hồ Sỹ Tiến. Gặp Đại tá Tiến tại hiện trường, cũng như trung tâm chỉ huy vụ án ở Bắc Giang nhiều lần, nhưng quả thực, chúng tôi ngại hỏi vì thấy ông quá bận rộn và căng thẳng. Chiều 29/8, khi xác định đối tượng Lê Văn Luyện có khả năng trốn tại địa bàn tỉnh Lạng Sơn, chính Đại tá Hồ Sỹ Tiến trực tiếp chỉ huy các cánh quân lên đó, phối hợp với Công an và Biên phòng tỉnh Lạng Sơn rà soát từng thông tin, cũng như kiểm soát các con đường tiểu mạch qua biên giới. Đêm 1/9, khi tên Luyện được đưa về Trại tạm giam - Công an tỉnh Bắc Giang, trực tiếp Đại tá Hồ Sỹ Tiến cũng là một trong những người vào hỏi cung, đấu tranh khai thác đối tượng. Khi 4h sáng, chúng tôi rời phòng hỏi cung đối tượng, vẫn nghe sang sảng tiếng hỏi cung mang âm hưởng của người xứ Nghệ… Việc điều tra, khám phá vụ giết người, cướp tài sản tại hiệu vàng Ngọc Bích là kết quả của việc hiệp đồng tác chiến giữa các lực lượng Công an, giữa lực lượng Công an với các lực lượng chức năng khác và quần chúng nhân dân

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/vi-vn/trongmatdan/2011/9/155597.cand