Những chuyện chưa kể trong hai nghìn ngày trong tay hải tặc

(Baonghean) - Sau đúng 4 năm 7 tháng kể từ ngày bị cướp biển Somali bắt giữ, đòi tiền chuộc khi đang làm thuê trên tàu ở vùng biển Ấn Độ Dương, anh Phương được trở về đoàn tụ với gia đình. Suốt thời gian dài mất liên lạc, nhiều người thân, hàng xóm nói rằng, không ai nghĩ Phương còn sống…

Tháng 4/2011, cũng như nhiều thanh niên trong vùng, Phương đi xuất khẩu lao động Đài Loan với ước mơ kiếm nhiều tiền phụ giúp gia đình và lấy vợ. Phương sau đó làm việc trên tàu FV Namham 3 với mức lương gần 7 triệu đồng/tháng.

Suốt ngày lênh đênh trên biển, hơn một năm xa nhà, Phương chỉ gọi về cho gia đình được 3 cuộc điện thoại.

Tháng 5/2012, gia đình dường như chết điếng khi nhận được cuộc gọi của Phương thông báo bị cướp biển bắt giữ, yêu cầu một khoản tiền chuộc rất lớn. Sau cuộc gọi đó, vợ chồng bà Hòa không hề nhận được tin tức nào về Phương.

Sau đúng 4 năm 7 tháng anh Phương cùn hai thuyền viên khác bất ngờ được thả tự do., được trở về quê nhà trong vòng tay yêu thương của gia đình, bạn bè, bà con lối xóm.

Phan Xuân Phương (giữa) trở về trong vòng tay của người thân, hàng xóm.

Đau buồn sau cú sốc quá lớn, bà Hòa (mẹ anh Phương) phát bệnh không tự đi lại được.

Khi nhắc lại những tháng ngày đó Phương vẫn khong khỏi rùng mình, sợ hãi.

Anh kể, ngày 26/3/2012, tàu FV Naham 3 đánh bắt ở vùng biển Ấn Độ Dương, khu vực gần Seychelles, một quốc gia thuộc châu Phi. Khi 29 người đang làm việc thì bỗng dưng thấy đạn bắn xối xả vào mạn tàu, tất cả thuyền viên chỉ biết nằm rạp xuống.

Thuyền trưởng đã bị bắn chết. Nhóm cướp sau đó leo lên tàu trói, bịt mắt từng thuyền viên, nhốt vào một góc rồi điểu khiển tàu chạy tiếp. Nhóm cướp biển Somali khét tiếng thế giới phân loại thuyền viên mỗi nước.

Phương được chúng nhốt chung cùng với hai thuyền viên người Hà Tĩnh là anh Nguyễn Văn Hạ và Nguyễn Văn Xuân (cùng 35 tuổi). Ngoài 3 thuyền viên người Việt Nam, trên tàu FV Naham 3 lúc đó còn có các thuyền viên đến từ Trung Quốc, Campuchia, Philippine…

“Họ rất ít khi đánh đập mà chỉ đe dọa. Chúng tôi cũng không phải lao động nặng nhọc, tuy nhiên bị canh chừng rất nghiêm ngặt, tên cướp nào cũng lăm lăm súng giám sát chúng tôi 24/24 nên không ai dám nghĩ đến việc bỏ trốn” - Phương kể.

Sau khi đã khống chế hoàn toàn con tin, nhóm cướp biển điều khiển tàu vào vùng biển được xem là “lãnh địa” của chúng. 8 tháng sau khi bị bắt giữ, tàu bị đứt neo trôi dạt vào sa mạc, từ đó mọi người lên bờ và sống lay lắt ở đấy cho đến ngày được thả.

Mặc dù ít bị đánh đập nhưng điều kiện sống khắc nghiệt, bệnh tật cũng không có thuốc men chữa trị, Phương nói rằng nơi đó là “địa ngục trần gian”; sau khi được thả, mỗi lần nghĩ tới lại khiến anh rùng mình.

Nhiều hàng xóm bỏ công việc đồng áng đến chia vui cùng gia đình Phương.

Suốt thời gian bị giam giữ, các con tin chỉ được cướp biển cấp cho mỗi người 1 lít nước để ăn uống trong ngày. Mỗi bữa, họ chỉ được ăn, một chén cơm, đồ ăn còn lại chủ yếu là bánh. Nếu đói, nhóm thuyền viên phải tự tìm thức ăn để nấu dưới sự giám sát chặt chẽ của hải tặc.

Ngoài thuyền trưởng đã bị bắn chết, trong 28 người còn lại thì 2 người cũng bị chết vì bệnh tật không có thuốc chữa chỉ sau khoảng 1 năm bị giam giữ.

Đến từ nhiều quốc gia khác nhau, suốt thời gian dài bị giam giữ, các thuyền viên nói chuyện với nhau bằng “ngôn ngữ cơ thể” và một ít vốn tiếng Anh. “Anh em bị giam giữ thường xuyên động viên nhau để sống. Cũng có những lúc tuyệt vọng, nghĩ mình không thể sống sót trở về, chỉ muốn chết đi cho nhanh nhưng lại được anh em động viên và nghĩ tới gia đình ở nhà, lúc đấy ai cũng cố sống” - Phương kể.

Cuộc sống cứ thế trôi đi cho đến một ngày cuối tháng 10/2016, khi các thuyền viên chuẩn bị ăn tối thì một tên cướp tới thông báo họ được thả. Phương nói rằng, anh cũng như các thuyền viên khác không biết lý do mình được thả.

Kể xong câu chuyện buồn, khi nói về dự định trong tương lai, Phương cho hay, anh muốn nghỉ ngơi một thời gian để lấy lại sức. Suốt những ngày sống trên sa mạc, điều kiện khó khăn khiến Phương sút gần 10 kg, khuôn mặt đen sạm.

“Sau khi lấy lại sức khỏe tôi cũng ở nhà phụ giúp cha mẹ làm ruộng, chẳng còn muốn đi đâu nữa. Suốt bao năm qua, vì tôi mà mẹ bị bệnh, gánh nặng gia đình cũng chồng chất lên đôi vai già yếu của cha, tôi muốn ở nhà làm ruộng hoặc kiếm một công việc gì đó ở đây để chăm sóc họ”, Phương nói.

Tiến Hùng

Nguồn Nghệ An: http://baonghean.vn/xa-hoi/201610/nhung-chuyen-chua-ke-trong-hai-nghin-ngay-trong-tay-hai-tac-2749785/