Những chuyện bất ổn ở tập đoàn Bảo Việt

SGTT.VN - Không chỉ thể hiện cách thức quản trị nội bộ có vấn đề như việc mua trái phiếu không bảo đảm của Vinashin, gửi tiền quá hạn mức tự đề ra tại công ty Tài chính của Vinashin hàng trăm tỉ đồng (Sài Gòn Tiếp Thị đã đưa tin), tập đoàn tài chính – bảo hiểm Bảo Việt (gọi tắt là tập đoàn Bảo Việt) còn thể hiện nhiều yếu kém trong quản lý, đầu tư tài chính.

Những kết quả kiểm tra mới đây về các hoạt động đầu tư, kinh doanh của cơ quan chức năng tại tập đoàn này cho thấy rõ điều này. Bảo Việt có nguồn vốn điều lệ lớn (trên 5.700 tỉ đồng), vốn huy động lớn... nhưng đáng tiếc trong mấy năm qua, nhiều phi vụ đầu tư tài chính của tập đoàn này không đạt hiệu quả. Nhiều khoản đầu tư tài chính của Bảo Việt mấy năm qua vào một số công ty, quỹ đầu tư đều không có kết quả tốt do các đơn vị này bị thua lỗ. Ví dụ, tính đến 31.12.2009, công ty cổ phần chứng khoán Bảo Việt (BVSC) lỗ hơn 122 tỉ đồng, quỹ đầu tư chứng khoán Việt Long lỗ trên 112,8 tỉ đồng… Nguyên nhân chủ yếu do các đơn vị trên kinh doanh nhiều loại cổ phiếu năm 2008, 2009, khi thị trường chứng khoán suy giảm mạnh năm 2008, đến kỳ báo cáo tài chính phải trích lập dự phòng giảm giá dẫn đến lỗ hoặc sụt giảm giá trị đơn vị quỹ. Bảo Việt còn rót tiền vào dự án Bảo Việt resort tại Mũi Né, Bình Thuận. Dự án này dự kiến đi vào hoạt động từ năm 2007 nhưng đến tháng 3.2010 vẫn chưa được xây dựng. Hay khoản đầu tư của tập đoàn này vào công ty Đầu tư và xây dựng quốc tế từ năm 2001 nhưng đến hết năm 2009, dự án vẫn chưa có lãi. Bảo Việt còn đầu tư vào công ty cổ phần giải trí Hà Nội nhưng tỷ suất lợi nhuận bình quân chỉ đạt 4,4%/năm – mức tỷ suất lợi nhuận rất thấp so với các dự án thông thường. Nhìn vào các dự án này đều thấy có vấn đề: đây là những lĩnh vực mà tập đoàn Bảo Việt chưa có nhiều kinh nghiệm: du lịch, bất động sản, giải trí… cho thấy khả năng đánh giá, lựa chọn đối tác, dự án của tập đoàn này là có vấn đề. Một vụ ủy thác cho vay kém hiệu quả khác là năm 2004, Bảo Việt ủy thác cho ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam chi nhánh Bắc Hà Nội cho vay 3 triệu USD để thực hiện dự án nhà máy sản xuất đèn màu số 2 của công ty TNHH đèn hình Orion Hanel. Cho đến cuối tháng 9.2009, nợ gốc quá hạn còn trên 2 triệu USD và nợ lãi quá hạn trên 66.400 USD. Công ty TNHH đèn hình Orion Hanel đã nộp đơn xin phá sản nên việc đòi được nợ vay, với Bảo Việt còn là cuộc hành trình dài ngày. Cơ quan chức năng còn phát hiện những vấn đề quản lý thu, chi bất thường khác của tập đoàn Bảo Việt và một số đơn vị thành viên. Ví dụ, trong việc bán đấu giá cổ phần đợt tháng 11.2006 của công ty cổ phần chứng khoán Bảo Việt, có hai quỹ đầu tư nước ngoài và hai cá nhân đã đặt cọc tiền mà không tham gia đấu giá. Nhưng hội đồng quản trị công ty này đã trả lại tiền đặt cọc hơn 2 tỉ đồng cho các nhà đầu tư trên, vi phạm các quy định của ủy ban Chứng khoán nhà nước tại quyết định số 491/2005/QĐ-UBCK. Việc trả lại tiền đặt cọc này cũng làm giảm thu nhập trước thuế của công ty cổ phần chứng khoán Bảo Việt hơn 2 tỉ đồng và giảm thuế thu nhập doanh nghiệp 407 triệu đồng. Việc hạch toán doanh thu hoạt động tài chính cũng có vấn đề: năm 2007, tổng công ty bảo hiểm Bảo Việt xác định các khoản doanh thu từ hoạt động đầu tư tài chính được giảm trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp cao hơn với số thông báo của các đơn vị tập đoàn Bảo Việt, công ty quản lý quỹ Bảo Việt, quỹ chứng khoán Bảo Việt là hơn 3 tỉ đồng. Việc này dẫn đến thuế thu nhập doanh nghiệp nộp bị thiếu so với quy định là 850 triệu đồng. Công ty TNHH quản lý quỹ Bảo Việt lại thông báo thiếu cho tổng công ty bảo hiểm Bảo Việt và tổng công ty Bảo Việt nhân thọ dư nợ lãi quá hạn tại một đơn vị năm 2009 số tiền 1,6 tỉ đồng dẫn đến hai đơn vị này không hạch toán đủ doanh thu, làm giảm số thuế thu nhập doanh nghiệp của tổng công ty Bảo Việt nhân thọ và tổng công ty bảo hiểm Bảo Việt 410 triệu đồng. Theo kết quả xác minh của cơ quan chức năng tại một số công ty bảo hiểm trực thuộc tập đoàn Bảo Việt, tổng công ty bảo hiểm Bảo Việt, ngay tại hoạt động kinh doanh chính – bảo hiểm của các thành viên tập đoàn Bảo Việt đã thấy một số hồ sơ được bồi thường trái nguyên tắc. Ví dụ như đơn bảo hiểm ngày 6.11.2006 của công ty Bảo Minh cấp cho ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, được cấp sau ngày xảy ra tổn thất, phí bảo hiểm đơn vị mua còn chưa nộp. Hay như qua kiểm tra 11 hồ sơ bồi thường bảo hiểm hàng hóa cho công ty thương mại xuất nhập khẩu Thanh Lễ (Bình Dương) và hai hồ sơ bảo hiểm hàng hóa cho công ty TNHH Vedan Việt Nam (Đồng Nai), cơ quan chức năng đã xác định, có việc sửa đổi bổ sung đơn bảo hiểm về tên tàu vận chuyển, số vận đơn, số lượng hàng, giá cả được thực hiện khi việc bốc dỡ lên tàu đã hoàn thành. Việc này là sai với quy tắc chung về bảo hiểm do chính tổng công ty Bảo hiểm Việt Nam (nay là tập đoàn Bảo Việt) đã quy định. Tất cả những sai phạm được kết luận tại tập đoàn Bảo Việt và một số thành viên tập đoàn này cho thấy, mặc dù có những tiến bộ trong quản lý, đầu tư dẫn đến kết quả có lợi nhuận tăng dần qua các năm gần đây nhưng với nhiều sai phạm, có những sai phạm khá nghiêm trọng ở nhiều khâu: đầu tư tài chính, quản trị nội bộ, quản lý vốn… , bộ Tài chính, các cơ quan hữu quan cần có biện pháp chấn chỉnh về quản lý đối với tập đoàn Bảo Việt và các công ty con trực thuộc tập đoàn này. Có như vậy, mới giảm nguy cơ tập đoàn Bảo Việt và nhiều công ty lỏng lẻo, tùy tiện trong quản lý vốn, tài sản, đầu tư tài chính... gây thất thoát nguồn vốn nhà nước tại tập đoàn kinh tế – tài chính lớn này.

Nguồn SGTT: http://sgtt.vn/goc-nhin/131171/nhung-chuyen-bat-on-o-tap-doan-bao-viet.html