Những chuẩn mực văn hóa được kết tinh từ văn hóa quân sự Việt Nam

Theo quan điểm của các nhà văn hóa học, các thành tố của văn hóa không ở ngoài ba yếu tố cơ bản là biểu tượng, giá trị và chuẩn mực. Ba yếu tố này hình thành nên các khuôn mẫu của văn hóa, quy định thế ứng xử của con người và luôn vận hành trong đời sống văn hóa-xã hội.

Mối quan hệ giữa ba yếu tố này như thế nào?

Biểu tượng có thể là cái mà người ta dễ dàng nhận ra nhất, vì nó, về nghĩa đen, nghĩa cụ thể, biểu là phô bày, thể hiện ra bên ngoài, tượng là vật, là hình ảnh. Biểu tượng là “hình ảnh thể hiện ra bên ngoài”. Cơ sở để xây dựng nên biểu tượng là giá trị. Giá trị là cái làm cho một vật có ích lợi, có ý nghĩa, là cái đáng quý về một mặt nào đó. Nó là cái kết tinh và làm nên cốt lõi của biểu tượng. Trong mỗi biểu tượng, theo đúng nghĩa của nó, người ta đều tìm thấy giá trị hay hệ thống các giá trị.

Những giá trị của biểu tượng, muốn trở thành cái có ích lợi, cái có ý nghĩa, cái quý giá về một mặt nào đó, bản thân nó phải trở thành chuẩn mực. Liên hệ tới nội dung văn hóa quân sự Việt Nam, chúng ta thấy có những yếu tố nổi bật đã trở thành giá trị, thành chuẩn mực văn hóa, tạo nên những khuôn phép, lề thói, cần để mọi người phải tuân theo trong hành động, phục vụ cho sự nghiệp đấu tranh vũ trang chống ngoại xâm để giữ nước.

Du khách nước ngoài tham quan Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ. Ảnh: MINH UYÊN

Du khách nước ngoài tham quan Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ. Ảnh: MINH UYÊN

Thứ nhấttính toàn dân trong khởi nghĩa và trong chiến tranh.

Về khởi nghĩa, tính toàn dân đã dẫn tới sự thành công cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, của Lý Bí-Triệu Quang Phục, của Khúc Thừa Dụ dưới thời chống Bắc thuộc và cuộc Tổng khởi nghĩa trong Cách mạng Tháng Tám dưới thời hiện đại. Về chiến tranh, tính toàn dân đã dẫn tới sự thành công từ cuộc kháng chiến chống Tần, thế kỷ III Trước Công nguyên, đến các cuộc chiến tranh giữ nước chống lại các triều đại phong kiến phương Bắc dưới thời độc lập tự chủ, như chống Tống ở thế kỷ X và thế kỷ XI, dưới sự lãnh đạo của Lê Hoàn và Lý Thường Kiệt; như chống Mông-Nguyên ở thế kỷ XIII, dưới sự lãnh đạo của Trần Quốc Tuấn; như chống Minh ở thế kỷ XV, dưới sự lãnh đạo của Lê Lợi và Nguyễn Trãi; như chống Xiêm, chống Thanh ở thế kỷ XVIII, dưới sự lãnh đạo của Nguyễn Huệ và sự thắng lợi từ tính toàn dân của hai cuộc kháng chiến chống các đạo quân xâm lược của các nước tư bản phương Tây, dưới thời hiện đại.

Thứ haidanh nhân văn hóa quân sự Trần Quốc Tuấn.

Trong văn hóa quân sự Việt Nam, ông là một vị tướng chỉ huy lừng danh, đồng thời cũng là một nhà lý luận quân sự hiếm có. Nếu như ở thế kỷ XIII, toàn bộ Á-Âu bị đặt dưới “dấu hiệu Mông Cổ” thì nước Đại Việt đã ba lần (vào các năm: 1258, 1285 và 1288) chiến thắng quân Mông Cổ, trong đó hai lần (1285 và 1288), Trần Quốc Tuấn là Tổng chỉ huy quân đội triều đình nhà Trần (Tiết chế thống lĩnh thiên hạ chư quân sự). Về mặt lý luận quân sự, ông có bốn tác phẩm lớn: “Vạn Kiếp tông bí truyền thư”, “Binh thư yếu lược”, “Dụ chư tỳ tướng hịch văn” (thường gọi tắt là “Hịch tướng sĩ”) và “Di chúc”. Dưới thời trung đại, trên phạm vi toàn thế giới - một thời đại lịch sử, mà theo sự đánh giá của Friedrich Engels là “thời kỳ cằn cỗi về chiến lược quân sự”-không có một nhà quân sự nào có được những đóng góp to lớn trên hai mặt như Trần Quốc Tuấn.

Thứ ba Chiến thắng Bạch Đằng năm 938.

Đây là một chiến thắng có ý nghĩa lịch sử cực kỳ to lớn, vượt ra ngoài phạm vi một trận đánh thông thường, một thắng lợi quân sự. Nó là một chiến thắng đánh dấu mốc thời đại của một dân tộc, là kết cục tất yếu của cuộc chiến tranh giành lại chính quyền hàng ngàn năm của nhân dân ta nhằm chống lại chính sách thôn tính, đồng hóa của các triều đại phong kiến Trung Quốc. Về lịch sử nghệ thuật quân sự dân tộc, Chiến thắng Bạch Đằng năm 938 khắc họa một truyền thống, với tư cách là một quy luật giành thắng lợi trong chiến tranh mà cái tất yếu là đánh giặc bằng thủy quân, giành thắng lợi trên chiến trường sông nước.

Thứ tư Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Bàn về Chiến thắng Điện Biên Phủ, Giáo sư Trần Văn Giàu viết: “Cánh đồng Mường Thanh thì nhỏ, hẹp mà Chiến thắng Điện Biên Phủ thì rất lớn, chiếm một vị trí tinh thần rất cao, chẳng những trong lịch sử Việt Nam mà còn cả trong lịch sử thế giới”. Thật vậy, đối với trong nước, Chiến thắng Điện Biên Phủ đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ cũng là sự chấm dứt ách đô hộ gần một thế kỷ của người Pháp trên bán đảo Đông Dương, đồng thời nó còn là một thành quả trên thế mạnh của người chiến thắng, dẫn đến giải pháp ngoại giao tại Hội nghị Giơ-ne-vơ năm 1954, dù chưa đưa lại kết quả thỏa đáng nhưng cũng đã mở ra một giai đoạn mới trong bước ngoặt của lịch sử Việt Nam.

Chiến thắng Điện Biên Phủ đã chứng minh một chân lý của thời đại. Các dân tộc bị áp bức, bị xâm lược, nếu có ý chí kiên cường và có đường lối chính trị đúng đắn, sáng tạo, có phương pháp đấu tranh thích hợp, hiệu quả cho độc lập, tự do thì dân tộc đó nhất định thắng lợi. Chân lý ngời sáng ấy đã thôi thúc và cổ vũ các nước thuộc địa ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh đứng lên đấu tranh, tự giải phóng, thoát khỏi ách xâm lược của chủ nghĩa thực dân, đế quốc. Không những thế, Chiến thắng Điện Biên Phủ còn trở thành chuẩn mực để đánh giá những sự kiện chiến tranh quan trọng thời nay. Ngay từ thời điểm đó, trong tiếng Pháp đã xuất hiện động từ “dienbienfouer”, có nghĩa là “giáng đòn quyết định”.

Thế nên, không ngẫu nhiên mà vào cuối tháng 12-1972, khi lực lượng không quân chiến lược Hoa Kỳ bị thất bại nặng trên bầu trời Hà Nội, giới báo chí đã mệnh danh ngay sự kiện lịch sử này là “Điện Biên Phủ trên không”.

Thứ năm cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Trong văn hóa quân sự Việt Nam, tính chuẩn mực không chỉ dừng lại ở một hội chiến-như trận Bạch Đằng năm 938, một chiến dịch, chiến lược-như Điện Biên Phủ, một danh nhân văn hóa kiệt xuất-như Trần Quốc Tuấn, mà còn phát triển đến một đặc điểm độc đáo, mang tính khái quát của văn hóa quân sự Việt Nam-như tính toàn dân trong khởi nghĩa và chiến tranh chống ngoại xâm-lên tới quy mô cả một cuộc chiến tranh bảo vệ độc lập, tự do, đó là cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Đánh giá về cuộc chiến tranh trường kỳ gian khổ này của dân tộc ta trong thời hiện đại, các nhà khoa học xem đấy là một sự kiện khuôn mẫu về sự dũng cảm, ngoan cường, về tính trí tuệ, tài năng ở thế kỷ XX. Trả lời phóng viên Báo France observateur (Pháp), ngày 23-3-1968, Jean-Paul Sartre, nhà triết học của chủ nghĩa hiện sinh, người Pháp, đã nhận định: “Việt Nam là lương tâm của loài người”.

Trong dịp tới thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ngày 10-7-2008, khi trao đổi ý kiến chung quanh cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta, Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva cũng đã trân trọng đánh giá: “Thắng lợi trong cuộc đấu tranh giành độc lập của nhân dân Việt Nam là di sản cho cả nhân loại”.

DƯƠNG XUÂN ĐỐNG (Nhà nghiên cứu văn hóa quân sự)

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/nhung-chuan-muc-van-hoa-duoc-ket-tinh-tu-van-hoa-quan-su-viet-nam-515765