Những chính sách có hiệu lực từ tháng 8-2017

Tăng lương hưu, Hà Nội và TPHCM tăng viện phí với bệnh nhận không có thẻ BHYT, TPHCM cấp phép xây dựng trong 42 ngày, Ngành điện được quyền tăng - giảm giá điện…là những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 8-2017.

Tăng lương hưu, trợ cấp BHXH thêm 7,44%

Nghị định số 76 của Chính phủ về điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng, có hiệu lực thi hành từ ngày 15-8.

Cụ thể, các đối tượng được tăng lương hưu, trợ cấp là cán bộ, công chức, công nhân, viên chức và người lao động quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu đang hưởng lương hưu hàng tháng theo quy định hiện hành.

Người đang hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng.

Hà Nội, TPHCM tăng viện phí với người không BHYT

Từ ngày 1-8-2017, các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh công lập của Hà Nội và TPHCM sẽ thực hiện điều chỉnh giá theo lộ trình. Đối với các cơ sở khám chữa bệnh công lập tự chủ tài chính hoàn toàn thực hiện giá viện phí mới.

Từ ngày 1-8-2017, các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh công lập của Hà Nội và TPHCM sẽ thực hiện điều chỉnh giá theo lộ trình

Đối với bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh công lập tự chủ tài chính một phần hoặc phụ thuộc ngân sách nhà nước thực hiện từ ngày 1-10-2017.

Về mức giá thu, sẽ thực hiện 100% mức tối đa khung giá dịch vụ khám chữa bệnh, không thuộc phạm vi thanh toán của BHYT trong các cơ sở khám chữa bệnh công lập theo thông tư 02 của Bộ Y tế.

Mức giá khám chữa bệnh gồm: Chi phí trực tiếp (thuốc, hóa chất, dịch truyền, vật tư y tế, điện, nước, duy tu bảo dưỡng…) và tiền lương (tiền lương ngạch bậc, chức vụ; các khoản phụ cấp, đóng góp; phụ cấp thường trực, phẫu thuật, thủ thuật).

Thu phí thẩm định xử lý chất thải nguy hại

Từ ngày 1-8-2017, chế độ thu - nộp, mức thu, quản lý và sử dụng phí thẩm định cấp Giấy phép xử lý chất thải nguy hại thực hiện theo Thông tư 59/2017 do Bộ Tài Chính ban hành.

Theo Tổng cục Môi trường - Bộ Tài Nguyên và Môi Trường, tổ chức thu phí thẩm định theo quy định, mức thu thẩm định cấp, điều chỉnh giấy phép xử lý chất thải nguy hại quy định từng khu vực địa lý hoặc nơi đặt nhà máy xử lý chất thải nguy hại.

Việc nộp phí thẩm định trong thời hạn 10 ngày làm việc, tính từ lúc nhận văn bản chấp thuận vận hành thử nghiệm. Có thể nộp phí trực tiếp cho tổ chức thu phí hoặc nộp vào tài khoản phí chờ nộp ngân sách tại Kho bạc Nhà Nước.

TPHCM cấp phép xây dựng trong 42 ngày

Từ 1-8, Sở Xây dựng TPHCM chính thức triển khai thí điểm thực hiện một cửa liên thông về cấp phép xây dựng thuộc chức năng, thẩm quyền của Sở. Theo đó, thời gian cấp phép xây dựng chỉ còn 42 ngày thay vì 122 ngày như trước.

Quy trình này được thực hiện cùng một lúc 3 bộ thủ tục là thẩm định thiết kế cơ sở, thẩm định thiết kế kỹ thuật và cấp giấy phép xây dựng.

Ngành điện được quyền tăng - giảm giá điện

Quyết định số 24 của Thủ tướng quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân có hiệu lực từ ngày 15-8 nêu rõ: Khi các thông số đầu vào biến động làm giá bán điện bình quân giảm so với giá bán điện bình quân hiện hành thì giá điện được điều chỉnh giảm.

Ngược lại, khi các thông số đầu vào biến động làm giá bán điện bình quân tăng từ 3% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành, thì giá điện được phép điều chỉnh tăng.

Thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân tối thiểu là 6 tháng kể từ lần điều chỉnh giá điện gần nhất. Tập đoàn Điện lực Việt Nam được điều chỉnh tăng hoặc giảm giá bán điện bình quân trong phạm vi khung giá do Thủ tướng Chính phủ quy định.

Trường hợp giá bán điện bình quân tính toán cao hơn giá bán điện bình quân hiện hành từ 10% trở lên hoặc ngoài khung giá, hoặc ảnh hưởng đến tình hình kinh tế vĩ mô, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính kiểm tra, rà soát và báo cáo Thủ tướng xem xét, cho ý kiến mức điều chỉnh giá bán điện bình quân.

Trường hợp cần thiết, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính báo cáo Ban Chỉ đạo điều hành giá trước khi báo cáo Thủ tướng. Việc điều chỉnh giá bán điện bình quân phải thực hiện công khai, minh bạch.

Nâng hạn mức bảo hiểm tiền gửi lên 75 triệu đồng

Từ ngày 5-8, Quyết định 21 của Thủ tướng ban hành quy định về hạn mức trả tiền bảo hiểm có hiệu lực.

Số tiền bảo hiểm được trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm của một cá nhân tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, được điều chỉnh tăng lên 75 triệu đồng. Hạn mức chi trả này đã bao gồm cả gốc và lãi.

Như vậy, nếu tổ chức tín dụng lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả tiền gửi hoặc phá sản, người gửi tiền sẽ nhận được số tiền bảo hiểm tối đa là 75 triệu đồng.

Mức bảo hiểm tiền gửi áp dụng từ tháng 8 sẽ tăng 50% so với quy định hiện hành. Trước đó, hạn mức trả bảo hiểm tiền gửi áp dụng từ năm 1999 là 30 triệu đồng và tăng lên 50 triệu đồng từ năm 2005.

Chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông

Có hiệu lực từ 1-8, thông tư 15-2017 của Bộ Giáo dục Đào tạo ban hành sửa đổi quy định chế độ làm việc đối với giáo viên  phổ thông. Theo đó, thời gian nghỉ hè hằng năm của giáo viên là 2 tháng (bao gồm cả nghỉ hằng năm theo quy định của Bộ Luật Lao động), được hưởng nguyên lương và các phụ cấp (nếu có).

Trước đây, thông tư 28 quy định: "Thời gian nghỉ hè của giáo viên thay cho nghỉ phép hằng năm là 2 tháng, được hưởng nguyên lương và các phụ cấp (nếu có)".

Như vậy, quy định mới làm rõ thêm rằng khoảng thời gian 2 tháng này đã bao gồm thời gian nghỉ phép hằng năm, nhằm phù hợp với quy định tại Bộ Luật Lao động 2012, đồng thời bảo đảm chính sách đặc thù đối với giáo viên.

Thông tư 15 còn bổ sung quy định về thời gian làm việc của giáo viên dự bị đại học là 42 tuần (tương tự giáo viên tiểu học, giáo viên THCS và THPT). Trong đó: 28 tuần dành cho giảng dạy và hoạt động giáo dục theo kế hoạch năm học; 12 tuần dành cho học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ, xây dựng tài liệu, nghiên cứu khoa học và một số hoạt động khác theo kế hoạch năm học; một tuần chuẩn bị năm học mới; một tuần tổng kết năm học.

TRẦN VŨ

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/nhung-chinh-sach-co-hieu-luc-tu-thang-82017-459071.html