Những chiêu trò chiếm đoạt tiền tỉ

Lập khống các hồ sơ về việc nhập khẩu máy móc thiết bị để làm căn cứ giải ngân cho khoản vay hay ký hợp đồng mua bán chuyển nhượng để hợp thức hóa thủ tục chuyển nhượng tài sản thuê trên đất… bằng những thủ đoạn như vậy, các đối tượng đã thu hàng trăm tỉ đồng bất chính.

Các bị cáo trong phiên xét xử sơ thẩm vụ án đưa hối lộ, nhận hối lộ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại TCty Xây dựng đường thủy (Vinawaco) ngày 27.7.2016. Ảnh trái: NGUYỄN QUỲNH

Cặp vợ chồng lập công ty chiếm tiền tỉ

Ngày 9.11.2015, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã hoàn tất hồ sơ vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Cty cổ phần dệt Quế Võ và Phòng Giao dịch Bắc Ninh thuộc Sở Giao dịch I, Ngân hàng Phát triển Việt Nam.

Đồng thời đề nghị truy tố 6 bị can gồm: Nguyễn Việt Hoàng - Giám đốc Cty cổ phần dệt Quế Võ; Nguyễn Quốc Hùng - Phó Giám đốc Cty cổ phần dệt may xuất khẩu Chương Dương về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; Nguyễn Thế Thư - nguyên Giám đốc chi nhánh Quỹ Hỗ trợ phát triển Bắc Ninh (nay là Phòng Giao dịch Bắc Ninh, thuộc Sở Giao dịch I Ngân hàng Phát triển Việt Nam) và Nguyễn Thế Tài - cán bộ Ngân hàng An Bình (Hội sở phía bắc) về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”; Trần Đức Lực - nguyên Phó Giám đốc chi nhánh Quỹ Hỗ trợ phát triển Bắc Ninh và Nguyễn Huy Bình - nguyên Phó Trưởng phòng Tín dụng chi nhánh Quỹ Hỗ trợ phát triển Bắc Ninh về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Chủ mưu trong vụ chiếm đoạt này là vợ chồng bị can Doãn Ngọc Giang, Kiều Thị Thanh Hương. Năm 2005, vợ chồng Giang - Hương thành lập 2 Cty cổ phần dệt Quế Võ và Công ty cổ phần dệt may xuất khẩu Chương Dương nhờ anh em và người thân trong gia đình đứng tên làm giám đốc (Nguyễn Việt Hoàng là cháu gọi Giang cậu ruột, còn Nguyễn Quốc Hùng là em họ của Hương) để lập hồ sơ vay 45 tỉ đồng vốn tín dụng đầu tư tại chi nhánh Quỹ Hỗ trợ phát triển Bắc Ninh nay là Phòng Giao dịch Bắc Ninh thuộc Sở Giao dịch I, Ngân hàng Phát triển Việt Nam để đầu tư nhập thiết bị máy dệt tại Khu công nghiệp Quế Võ.

Sau đó, vợ chồng Giang - Hương chỉ đạo các bị can lập khống các hồ sơ về việc nhập khẩu máy móc thiết bị để làm căn cứ giải ngân cho khoản vay.

Cơ quan CSĐT, Bộ Công an xác định cặp vợ chồng Giang - Hương đã chiếm đoạt tổng cộng hơn 66 tỉ đồng của ngân hàng (cả gốc lẫn lãi). Ngoài ra vợ chồng Giang - Hương còn thành lập 2 Cty tư nhân khác để vay vốn, hiện còn chiếm đoạt gần 2,4 tỉ đồng của chi nhánh Quỹ Hỗ trợ phát triển.

Đối với 6 bị can bị đề nghị truy tố trong vụ án này đều phải chịu trách nhiệm hình sự về các hành vi đã gây ra.

Tiền hối lộ đi đâu?

Cách đây hơn 3 tháng, vào ngày 27.7.2016, Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội mở phiên xét xử sơ thẩm vụ án đưa hối lộ, nhận hối lộ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại TCty Xây dựng đường thủy (Vinawaco) tuy nhiên vụ án đã bị trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Vụ án đã cho thấy những góc khuất trong đấu thầu khi thầu phụ chấp nhận thi công dự án với giá chỉ bằng một nửa giá trúng thầu, nửa còn lại sử dụng để hối lộ nhà thầu chính.

Giang Kim Đạt cùng hồ sơ (ảnh cơ quan công an cung cấp)

Dự án nạo vét luồng Hòn Gai - Cái Lân là 1 trong 3 công trình nạo vét, duy tu luồng hàng hải lớn nhất trong năm 2013 của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT).

Trong quá trình đàm phán ký kết và thực hiện hợp đồng thi công công trình nạo vét luồng hàng hải Hòn Gai - Cái Lân, Hồ Thành Nghĩa (nguyên Giám đốc Ban điều hành dự án nạo vét phía bắc) và Phạm Đình Hòa (nguyên Trưởng phòng Kế hoạch thị trường, Vinawaco) đã thỏa thuận để Cty Tân Việt được tham gia đấu thầu và ký hợp đồng thi công, phía công ty phải chi cho ông Nghĩa và ông Hòa số tiền bằng 50% giá trị hợp đồng.

Vũ Thanh Huyền (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Cty Tân Việt) và Trịnh Văn Thắng (nguyên Giám đốc Cty Tân Việt) đã trực tiếp đưa cho Nghĩa 1,2 tỉ đồng, trong đó Nghĩa đưa lại Hòa 1,1 tỉ đồng, Nghĩa giữ lại 100 triệu đồng để chi tiêu cá nhân.

Trong quá trình thi công công trình nạo vét, duy tu luồng Hòn Gai - Cái Lân, Huyền và Thắng tổ chức thi công không đúng theo hợp đồng đã ký để gian dối chiếm đoạt hơn 7,8 tỉ đồng.

Trong phần thẩm vấn tại phiên tòa ngày 27.7, bị cáo Phạm Đình Hòa chỉ thừa nhận đã cầm 800 triệu đồng của Cty Tân Việt, lời khai ban đầu tại cơ quan điều tra bị cáo đã thừa nhận số tiền 1,2 tỉ đồng là nhớ... nhầm sang khoản khác. Khoản tiền tỉ nhận được từ các nhà thầu phụ, bị cáo Hòa khai rằng đã sử dụng để đi “cảm ơn” những người khác. Bị cáo Hòa khai đã đưa cho Tổng Giám đốc của TCty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc hàng tỉ đồng và đưa cho nhiều cá nhân khác để duy trì quan hệ.

Về thỏa thuận nhà thầu phụ chỉ được 50% số đơn giá trúng thầu, bị cáo Hòa khai rằng, khi gặp gỡ Cty Tân Việt do không biết năng lực của Tân Việt thế nào nên đưa ra mức 50% đơn giá để thử xem Cty này có làm được không. Thiệt hại 90 tỉ đồng tại Cty in, thương mại và dịch vụ Agribank

Ông Phạm Ngọc Ngoạn - nguyên Ủy viên HĐTV Agribank, nguyên Giám đốc, Chủ tịch HĐTV Cty in - thương mại và dịch vụ Agribank bị cơ quan công an khởi tố về hành vi “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” tại Cty in - thương mại và dịch vụ Agribank và Cty CP đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo quốc tế (INED). Ông Phạm Ngọc Ngoạn bị cơ quan công an tình nghi gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 90 tỉ đồng thông qua việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản trên đất tại Khu công nghiệp Quang Minh (huyện Mê Linh, Hà Nội) để xây dựng Nhà máy in Ngân hàng. Cụ thể, ông Ngoạn được cho là đã chỉ đạo chuyển hơn 90 tỉ đồng cho INED để nhận chuyển nhượng nhà xưởng và diện tích đất hàng nghìn m2 do Cty này đứng tên thuê đất. Cơ quan chức năng cũng đã có kết luận thanh tra về những sai phạm tại Cty in - thương mại và dịch vụ Agribank: Sai phạm trong việc dùng quyền sử dụng đất tại số 10 phố Chùa Bộc để góp vốn vào Cty CP bất động sản Agribank; sai phạm trong việc đầu tư vào dự án đấu giá quyền sử dụng đất tại Lô C, khu D1, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội và sai phạm trong việc đầu tư xây dựng khách sạn 5 sao tại Nha Trang, Khánh Hòa.

Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (Ban Chỉ đạo) thống nhất chủ trương đưa 6 vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp ra xét xử sơ thẩm từ nay đến cuối năm 2016 và trong quý I/2017. Cụ thể: Vụ án: Thiếu trách nhiệm, cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty in, thương mại và dịch vụ Agribank.

- Vụ án “Đưa, nhận hối lộ; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Tổng Công ty xây dựng đường thủy Việt Nam.

- Vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng; Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty cổ phần dệt Quế Võ và Chi nhánh Quỹ hỗ trợ phát triển Bắc Ninh.

- Vụ “Tham ô tài sản; rửa tiền” xảy ra tại Cty TNHH một thành viên vận tải Viễn dương Vinashin.

- Vụ “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” xảy ra tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Dương. CAO NGUYÊN (tổng hợp)

CAO NGUYÊN (tổng hợp)

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/phap-luat/nhung-chieu-tro-chiem-doat-tien-ti-597768.bld