Những chỉ đạo mới của Thủ tướng Chính phủ

Hà Tĩnh cần định hướng phát triển kinh tế theo hướng nhanh nhưng phải bền vững, tăng trưởng kinh tế gắn với bảo vệ môi trường.

Một góc nhà máy gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh. Ảnh: Quang Quyết-TTXVN

Hà Tĩnh tăng trưởng kinh tế phải gắn với bảo vệ môi trường

Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với tỉnh Hà Tĩnh nêu rõ: Hà Tĩnh cần định hướng phát triển kinh tế theo hướng nhanh nhưng phải bền vững, tăng trưởng kinh tế gắn với bảo vệ môi trường; lựa chọn những lĩnh vực phát triển kinh tế phù hợp để chủ động trong chỉ đạo, bảo đảm kiến tạo, đổi mới và phát triển. Hà Tĩnh phải biết khát vọng và có khát vọng lớn trong quá trình phát triển.

Thủ tướng cũng yêu cầu tỉnh Hà Tĩnh cần tập trung rà soát, điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050; trong đó đánh giá toàn diện, phân tích các lợi thế, khó khăn từ đó định hướng phát triển kinh tế - xã hội phù hợp; xác định Khu kinh tế Vũng Áng là động lực phát triển, hạt nhân là các dự án sản xuất công nghiệp nặng trọng điểm và cụm cảng Vũng Áng - Sơn Dương.

Bên cạnh đó, Hà Tĩnh cần triển khai kịp thời, nghiêm túc và quyết liệt Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1/1/2017 của Chính phủ. Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm mới đạt được 5,16%, để đạt được mục tiêu cả năm là 10,6%, Hà Tĩnh cần tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành có giải pháp quyết liệt, sáng tạo.

Hà Tĩnh cần bám sát và tập trung triển khai các Nghị quyết của Quốc hội, của Chính phủ, Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 2/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng các ngành, lĩnh vực nhằm thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2017.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tỉnh Hà Tĩnh cần tiếp tục đổi mới, cải cách mạnh mẽ, toàn diện trong công tác, chỉ đạo, điều hành của các cơ quan chính quyền các cấp; huy động sức mạnh tổng hợp phát triển kinh tế - xã hội; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư tiếp cận, triển khai dự án; phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tỉnh Hà Tĩnh tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới thực chất, hiệu quả, gắn với đô thị văn minh; phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch; tổ chức liên kết sản xuất, phát triển trang trại vùng bán sơn địa; thu hút đầu tư vào chế biến sâu nông sản, thủy sản; rà soát, phát triển cụm ngành công nghiệp nặng thép, nhiệt điện ven biển ở quy mô vừa phải, bảo đảm sức chịu tải về môi trường; thu hút các dự án đầu tư có thiết bị đồng bộ, công nghệ cao, tính khả thi cao, bảo đảm môi trường bền vững.

Tỉnh Hà Tĩnh cũng cần đầu tư nguồn lực tương xứng cho giáo dục, đào tạo, văn hóa, y tế, khoa học công nghệ bảo đảm yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; quan tâm thực hiện tốt an sinh xã hội, chính sách đối với người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, các hộ nghèo.

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu tỉnh Hà Tĩnh chủ động có biện pháp phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn, nhất là các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm cao.

Kiện toàn Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành các Quyết định kiện toàn Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật. Cụ thể, Quyết định số 42/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 27/2013/QĐ-TTg ngày 19/5/2013 quy định về thành phần và nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng.

Theo Quyết định số 42/2017/QĐ-TTg sửa đổi, Phó Chủ tịch Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương gồm: Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Mời Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam làm Phó Chủ tịch Hội đồng.

Các Ủy viên Hội đồng là đại diện lãnh đạo các cơ quan, tổ chức: Văn phòng Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Nội vụ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng, Ủy ban Dân tộc, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam.

Mời đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) làm Ủy viên Hội đồng.

Quyết định số 42/2017/QĐ-TTg cũng sửa đổi thành phần Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật cấp tỉnh, cấp huyện. Theo đó, Ủy viên Hội đồng là lãnh đạo cơ quan công an, cơ quan quân sự, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện, Đài Phát thanh và Truyền hình.

Mời lãnh đạo các cơ quan, tổ chức cấp tỉnh, huyện: Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân, Cơ quan Thi hành án dân sự, Tuyên giáo, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Cựu chiến binh, Liên đoàn lao động, Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Luật gia, Hiệp hội doanh nghiệp làm Ủy viên Hội đồng.

Đối với địa phương có đường biên giới thì mời đại diện lãnh đạo cơ quan Bộ đội biên phòng làm Ủy viên Hội đồng. Đối với Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật cấp tỉnh mời lãnh đạo Đoàn luật sư tham gia làm Ủy viên Hội đồng.

Quyết định số 42/2017/QĐ-TTg quy định Ủy viên Hội đồng có trách nhiệm tham gia đầy đủ các hoạt động của Hội đồng; thực hiện các nhiệm vụ được Chủ tịch Hội đồng phân công và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Hội đồng về việc thực hiện nhiệm vụ. Trong trường hợp không thể tham dự các phiên họp Hội đồng, Ủy viên Hội đồng có trách nhiệm gửi ý kiến bằng văn bản về cơ quan thường trực Hội đồng để tổng hợp, báo cáo Hội đồng. Ý kiến của Ủy viên Hội đồng là ý kiến chính thức của cơ quan, tổ chức nơi công tác.

Ủy viên Hội đồng có trách nhiệm tư vấn, tham mưu giúp Thủ trưởng cơ quan, tổ chức mà mình là đại diện làm thành viên Hội đồng chỉ đạo, hướng dẫn triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý hoặc phổ biến, giáo dục pháp luật cho thành viên, hội viên của tổ chức mình; tham gia phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân; hàng năm tổng hợp kết quả, báo cáo Hội đồng và đề xuất giải pháp tháo gỡ vướng mắc, bất cập phát sinh từ công tác phổ biến, giáo dục pháp luật chuyên ngành hoặc phổ biến, giáo dục pháp luật cho thành viên, hội viên của tổ chức mình.

Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành Quyết định số 1430/QĐ-TTg về việc kiện toàn Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương. Theo đó, kiện toàn Hội đồng gồm thành phần quy định tại Quyết định 27/2013/QĐ-TTg và Quyết định 42/2017/QĐ-TTg.

Hội đồng làm việc theo nguyên tắc thảo luận tập thể, phát huy vai trò của từng thành viên Hội đồng. Các thành viên Hội đồng làm việc theo chế độ kiêm nhiệm. Hội đồng họp định kỳ 2 lần/năm, họp đột xuất theo yêu cầu của Chủ tịch Hội đồng hoặc theo ý kiến của tối thiểu 1/2 thành viên Hội đồng. Hội đồng sử dụng con dấu của Bộ Tư pháp - cơ quan thường trực của Hội đồng.

TTXVN

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/nhung-chi-dao-moi-cua-thu-tuong-chinh-phu/57702.html