Những cây xăng ẩn mình chờ... cháy

Giữa Thủ đô, có những cây xăng được ngụy trang kỳ lạ, tôn quây kín, chỉ lộ một chiếc vòi ra ngoài. Chúng nằm trong một khu vực riêng và khó phát hiện. Vậy những cây xăng này dùng để làm gì, PV Tiền Phong đã mất nhiều ngày điều tra làm rõ…

Bãi xe và khu vực có cây xăng tại C8, Nam Trung Yên (ảnh lớn); Nhân viên cây xăng tại C8, Nam Trung Yên đang lén lút đổ xăng; Cây xăng của Cty TNHH Thiên Thảo Nguyên được lắp mái che thô sơ (ảnh nhỏ). Ảnh: Tuấn Nguyễn.

Cây xăng chỉ hở cái vòi

Xung quanh Bến xe Mỹ Đình có nhiều bãi đỗ ô tô kín như bưng, ngoài “hàng rào” camera, còn được bảo vệ canh phòng cẩn mật. Tại bãi gửi xe ở lô C8 (khu đô thị Nam Trung Yên, quận Cầu Giấy, Hà Nội) quây tôn kín, chỉ duy nhất một cổng ra vào, sau nhiều ngày tìm hiểu, PV Tiền Phong phát hiện có một khu vực được canh phòng cẩn mật hơn.

Chiều 15/3, trong vai người đi xin làm lái xe khách đường dài, PV đã ghi được nhân viên của bãi xe đang bơm xăng cho xe khách 45 chỗ mang biển kiểm soát 29LD-039.07. Một người đàn ông đeo khẩu trang đang thao tác. Trên tay người này có một cuốn sổ ghi chép thông tin các xe và số lượng xăng đổ. Thấy người lạ, người này liền hỏi chúng tôi vào đây có việc gì, sau đó chỉ dẫn rẽ trái để đi vào gặp lễ tân xin việc.

Theo lối từ cổng chính đi thẳng vào, cây xăng được giấu bên trong nhà quây tôn ở góc phải của bãi đỗ xe, chỉ khi nào đổ xăng, nhân viên ở đây mới kéo chiếc vòi bơm dài khoảng 50m từ trong ra. Cạnh đó là các vòi rửa xe, do vậy người lạ không thể biết trong này có cây xăng ngụy trang. Thấy chúng tôi đi vào trong nhà gặp lễ tân, ông này nhanh chóng rút vòi bơm, giấu kín. Nhiều ngày sau đó, PV Tiền Phong tiếp tục ghi nhận được sự hoạt động kỳ lạ của những cây xăng kiểu này.

Bãi xe và khu vực có cây xăng tại C8, Nam Trung Yên. Ảnh: Tuấn Nguyễn.

Ngày 24/3, trong vai một người chạy xe Uber, chúng tôi giả vờ vào hỏi nhân viên bảo vệ để mua xăng. Ngay lúc đó, một chiếc xe téc Huyndai biển kiểm soát 17K-5987 chở xăng dầu đang lùi vào góc bãi bơm xăng xuống các bể chứa. Dù xe đỗ trước mắt, nhưng nhân viên bảo vệ vẫn quả quyết: “Ở đây làm gì có cây xăng! Các anh ra ngoài góc đường bên kia (gần đường Phạm Hùng-PV) mà đổ”. “Thấy mấy anh em chạy taxi bảo trong này đổ giá rẻ mà? Xe téc chở xăng vào nhập cho bọn anh đấy còn gì? Bọn em có mấy xe chạy Uber liền, hay đổ nên mua được ở đây thì tốt quá”. Hai nhân viên bảo vệ tiếp tục phân bua: “Trong này không có xăng. Các anh di chuyển đi để xe công ty còn ra vào bãi”. Biết cây xăng bị lộ, sau khi chúng tôi rời đi, chiếc xe téc này di chuyển vào góc bãi rồi nằm ở đấy cả ngày.

Đứng từ nóc nhà chung cư cách đó khoảng 500m, chúng tôi đã ghi nhận được toàn cảnh bãi xe. Bãi đất này rộng khoảng 4.000m 2 , chứa tầm 40 xe khách loại 45 chỗ. Ngay cổng ra vào là chốt bảo vệ, phía trái và khu vực góc trong cùng của bãi là dãy nhà điều hành. Dãy bên phải là khu vực sửa chữa, bảo dưỡng xe. Góc phải trong cùng chính là khu vực rửa xe và đổ xăng, camera giám sát được lắp khắp nơi. Đáng nói, phía sau khu vực cây xăng chỉ cách 1 con đường nhỏ là Trường tiểu học Trung Yên. Nhìn hệ thống cây xăng được ngụy trang kín, PV Tiền Phong không khỏi nghi ngại về trang thiết bị phòng cháy chữa cháy, cũng như nghiệp vụ trong kinh doanh xăng dầu của nhân viên công ty này.

Nhân viên cây xăng tại C8, Nam Trung Yên đang lén lút đổ xăng.

Che mắt chính quyền địa phương?

Khoảng 1 tháng nay, khu đất rộng hơn 6.600m 2 thuộc dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An ở xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì (Hà Nội) được quây tôn kín mít, hàng trăm đầu xe mang lô-gô “báo đen” về tập kết tại đây. Theo tìm hiểu của PV, có đủ các dòng xe từ 4 chỗ đến 45 chỗ, thuộc Cty TNHH Thiên Thảo Nguyên quần tụ nơi đây. Bãi đỗ xe này nằm ngay cạnh nghĩa trang xã Thanh Liệt, trụ sở UBND xã và Trường THCS Thanh Liệt. Thế nhưng, bên trong góc phải bãi đỗ xe (tính từ ngoài cổng chính vào) mọc lên 2 cột xăng... cũ kỹ, tồi tàn. Chủ kinh doanh cho đổ bê tông, dựng mấy cọc sắt, bắn tôn che mưa nắng và lắp 2 cột xăng bên trên. Bên trong là chiếc giường tạm cho nhân viên bán xăng nghỉ ngơi. Một người dân xã Thanh Liệt cho hay: “Cách đây khoảng 2 tháng, khu vực này là bãi đất trống, chưa được quây tôn rào chắn. Đi qua, tôi thấy một số công nhân đang xây bể chứa. Sau đó cây xăng “mọc” lên từ lúc nào không ai hay”. Được biết hằng ngày, khoảng 200 ô tô các loại về tập kết tại đây từ 6 đến 10h tối, sáng sớm từ 5 đến 7h xe lại di chuyển đi đón khách.

Theo một người kinh doanh dịch vụ vận tải, mỗi chiếc xe khách chạy tiêu thụ hết khoảng 1.250 lít xăng dầu/tháng. Nếu nhân lên 300 đầu xe thì lượng xăng/dầu tiêu thụ lên đến hàng trăm nghìn lít.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho hay, doanh nghiệp muốn kinh doanh xăng dầu, kể cả cung cấp nội bộ cho công ty đều phải đáp ứng các điều kiện theo quy định tại Nghị định 83/2014/NĐ-CP đã được Chính phủ ban hành. “Hiện nay, ở nước ta 70% xăng dầu phải nhập khẩu, còn lại mua thành phẩm từ một số nguồn trong nước ở Dung Quất, Nghi Sơn. Cả nước có khoảng 25 công ty đầu mối nhập khẩu xăng dầu. Bản thân doanh nghiệp nhà nước còn phải liên doanh liên kết, chứ công ty vận tải tư nhân không thể tự cung tự cấp xăng dầu được. Phải xem giấy phép kinh doanh xăng dầu của họ. Hoặc họ mua xăng dầu lậu, tuồn hàng bất hợp pháp từ đâu về để kinh doanh, như vậy xăng chất lượng kém, rẻ tiền nhưng lại nguy hại cho máy móc, động cơ” – ông Long nói.

* Theo Nghị định 83, đối với cửa hàng bán lẻ xăng dầu, phải có địa điểm phù hợp với quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu; Được thiết kế, xây dựng và có trang thiết bị theo đúng quy định hiện hành về quy chuẩn. Cán bộ quản lý, nhân viên trực tiếp kinh doanh phải được đào tạo, huấn luyện và có chứng chỉ đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ theo quy định của pháp luật.

* Sau vụ cháy cây xăng số 2B Trần Hưng Đạo vào tháng 6/2013, thành phố Hà Nội đã tổng kiểm tra, xóa bỏ nhiều cây xăng không đủ tiêu chuẩn.

Tuấn Nguyễn

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/xa-hoi/nhung-cay-xang-an-minh-cho-chay-1134565.tpo