Những câu hỏi khác về việc kỷ luật nữ sinh Đại học Luật do mang giáo trình photo vào trường

Câu chuyện nữ sinh bị kỷ luật do mang 8 cuốn giáo trình photo vào trường có vẻ đã đi tới một kết thúc làm nhiều bên hài lòng: hình phạt đã hạ xuống cảnh cáo chứ không phải đình chỉ học. Tuy nhiên, khi sự việc đã bớt "nóng" đi, chúng ta nhận thấy một vài vấn đề rộng và xa hơn.

Tôi là cựu sinh viên trường Luật TP. Hồ Chí Minh, là một sinh viên bình thường. Dấu ấn trường với tôi là khuôn viên trường thoạt nhìn bình thường nhưng thật ra khá thơ mộng và dễ chịu vì kiến trúc cũ gồm những dãy nhà thấp tầng. Còn dấu ấn của tôi với trường chắc là hai chiếc cúp của cuộc thi phiên tòa giả định cấp khu vực đầu tiên được tổ chức ngay tại trường.

Những ngày gần đây nhìn thấy trường mình nổi tiếng trên báo chí, Facebook của tôi cũng sôi động hơn bởi các bình luận, phân tích của bạn bè và thầy cô ở trường cũ. Câu chuyện có vẻ đã đi tới một kết thúc làm nhiều bên hài lòng: Sinh viên dùng giáo trình photo được hạ mức kỷ luật thành cảnh cáo chứ không phải đình chỉ học. Các tranh luận cũng có vẻ dần đi tới sự thống nhất. Tuy nhiên, khi sự việc đã bớt "nóng" đi, chúng ta nhận thấy một vài vấn đề rộng và xa hơn của việc photo giáo trình này.

Tác giả Lương Thế Huy

1. Liệu chúng ta có đang ủng hộ hành vi vi phạm pháp luật?

Nhiều bạn bè tỏ ra bất ngờ khi tôi lên tiếng phản đối việc đình chỉ học (mức kỷ luật cũ) với hành vi sao chép giáo trình, cho rằng một người học luật mà lại đi ủng hộ hành vi phạm pháp. Kết luận đây có phải là hành vi phạm pháp không rất quan trọng, nó giúp ta loại bỏ các nhận định cảm tính như "kinh tế khó khăn" hay xử lý "quá nặng" hay "quá nhẹ". Và nó cũng giúp chúng ta nhìn vượt qua trường hợp cụ thể này vì tôi tin việc photo giáo trình sẽ không dừng lại, vậy thì trong tương lai chúng ta sẽ xử lý thế nào?

Về điểm này thì chắc chắn phải căn cứ vào pháp luật. Luật Sở hữu trí tuệ quy định về các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao gồm 10 trường hợp, trong đó trường hợp đầu tiên là "tự sao chép một bản nhằm mục đích nghiên cứu khoa học, giảng dạy của cá nhân."

Đại học Luật TPHCM.

Nhiều tranh luận về việc "học" có phải là "nghiên cứu khoa học" không thì chúng ta lại có Khoản 4, Điều 3 của Luật Khoa học và công nghệ quy định "nghiên cứu khoa học là hoạt động khám phá, phát hiện, tìm hiểu bản chất, quy luật của sự vật, hiện tượng tự nhiên, xã hội và tư duy; sáng tạo giải pháp nhằm ứng dụng vào thực tiễn." Cá nhân tôi, nếu không xem "học tập" là "nghiên cứu khoa học" thì cũng là cố tình hiểu sai bản chất của cả hai cái này.

Một số ý kiến cho rằng điều kiện trong Luật Sở hữu trí tuệ cho việc sao chép này phải là cho "cá nhân" và không được ảnh hưởng đến việc khai thác bình thường của tác phẩm. Thế nhưng để kết luận là sinh viên có đang "phát tán" không, và việc sao chép đó ảnh hưởng thế nào tới quyền chủ sở hữu quyền tác giả, thì lại không thể do nhà trường quyết định mà phải là một cơ quan có thẩm quyền kết luận. Vì vậy, tôi không nói rằng sinh viên kia sao chép sách là hợp pháp hay chưa, mà chắc chắn việc xử lý kỷ luật và kết luận sinh viên phạm pháp là chưa đủ căn cứ.

2. Mục đích của bản quyền là gì?

Mục đích xa nhất của bản quyền, thực ra không phải là bảo vệ quyền lợi tài chính cho tác giả (dù có), mà là để duy trì động lực sáng tạo và thụ hưởng sáng tạo của xã hội. Một tác giả sách mà bán sách không ai mua, ai cũng tải file "lậu" trên Internet, thì cuối cùng họ sẽ không viết sách nữa, và xã hội không còn ai có sách mà đọc nữa.

Mặt khác, bản quyền cũng có thời hạn (ví dụ 50 năm sau khi tác giả mất), chứ không thể kiếm tiền mãi mãi được. Nếu kiếm tiền mãi trên tác phẩm, sẽ chẳng ai có nhu cầu đọc hay xem nó nữa, và tác phẩm bị chính hậu quả của bản quyền là rơi vào quên lãng, biến mất khỏi đời sống. Những ngoại lệ và giới hạn của bản quyền không những không gây thiệt hại tới tác giả, mà còn giúp xã hội nảy nở và sáng tạo tốt hơn.

Quyết định kỷ luật trước đó với mức phạt đình chỉ 1 năm học đối với sinh viên N.A.

Trong bản quyền thì gọi là "sử dụng hợp lý", định nghĩa thế nào tùy từng nước, nhưng cơ bản là nó đảm bảo quyền hợp lý của tác giả để duy trì sáng tạo, lẫn quyền thụ hưởng và sử dụng của xã hội.

Ví dụ việc hát bài hát "độc quyền" trong một buổi sinh hoạt văn hóa không có thu tiền sẽ được xem là "sử dụng hợp lý". Các công trình kiến trúc đều có bản quyền, nhưng chụp ảnh nó (thậm chí bán lấy tiền) thì vẫn được. Nếu không cho phép những trường hợp này, tất nhiên tác giả sẽ thu được nhiều tiền hơn chứ, nhưng như vậy không thu tiền thì có gọi là ảnh hưởng tới khai thác bình thường của tác phẩm không? Không, vì bản quyền là để làm hài hòa lợi ích của tác giả lẫn lợi ích công chúng, mà khi cực đoan với một bên đều dẫn tới sự luân chuyển sáng tạo trong xã hội bị suy giảm.

3. Có nước nào cấm sao chép giáo trình vì mục đích học tập không?

Câu trả lời là hầu như là không có nước nào cấm việc sao chép sách vì mục đích học tập, nghiên cứu, với một số điều kiện nhất định. Quy định phổ biến nhất (Anh, Mỹ, Đức, Singapore... những nơi bảo vệ bản quyền nghiêm ngặt nhất) đều có dạng là không được phép photo quá 10% - 20% nội dung quyển sách, hoặc một số lượng đơn vị sách (trang, chương) cụ thể nào đó, trong tương quan với tổng số trang của sách.

Luật Việt Nam lại cho phép hẳn "một bản", như vậy có phải là quá rộng rãi hay không? Chưa chắc. Ở nước ngoài bạn không bao giờ "học-hết-một-quyển-sách", mà là nhiều phần khác nhau ở nhiều quyển sách.

Giảng viên có thể yêu cầu rất nhiều quyển sách khác nhau và chỉ cần đọc phần nào đấy. Nên việc sao chép 10%, lưu ý là trong một lần, có khi chỉ giúp cho người sao chép lưu ý về phần mình thực sự cần trong quyển sách mà thôi. Nói cách khác, không phải tự nhiên họ đặt ra con số 10% hay 20%, mà nó dựa trên việc "bao nhiêu là đủ" để người học tập có thể đạt được mục đích, ở đây là học tập. Và với quan điểm đó, "100%" theo quy định pháp luật Việt Nam không phải là quá nhiều, vì ở Việt Nam cả học kỳ cứ việc bám lấy một quyển sách mà "cày", để đạt được "mục đích học tập" thì "một bản" có thể lại là hợp lý.

Sinh viên ĐH Luật TP.HCM học nhóm tại cơ sở chính của trường sáng 14/2. Ảnh: Zing.vn

4. Sinh viên được tham gia tới đâu trong việc xây dựng nội quy trường?

Một từ khóa được lặp lại nhiều lần trong vụ việc vừa rồi là "quy chế", "nội quy" của nhà trường. Khoan hãy phân tích nội quy của trường có "vượt mặt" quy định pháp luật hay không, một câu hỏi lớn hơn là thật sự thì cái "nội quy" ấy được xây dựng bằng cách nào.

Nếu xem quan hệ nhà trường - sinh viên là bình đẳng, hài hòa thì sinh viên cần được tham gia xây dựng nội quy của nhà trường, chứ không phải là sự áp đặt hoàn toàn không có ý kiến của người được nó điều chỉnh.

Một Hiến pháp, một Bộ luật mà còn được tham vấn người dân, và được chính những đại biểu Quốc hội đại diện cho nhân dân yêu cầu sửa đổi để phù hợp hơn, mà một nội quy nhà trường lại hoàn toàn được áp từ trên xuống thì việc thực thi nội quy đó sẽ có nhiều bất cập. Nhà trường cũng đỡ phải đi tuyên truyền và trách móc sinh viên không nắm được nội quy. Nhà trường không trở thành "áp đặt" trong mắt sinh viên, còn sinh viên thì không trở thành "hư hỏng" trong mắt nhà trường.

*Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả.

Tác giả Lương Thế Huy

Sinh ngày: 31/10/1988

Hiện là Giám đốc chương trình quyền LGBT, Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) - tổ chức hoạt động vì quyền của người đồng tính, song tính, chuyển giới (LGBT) và các nhóm thiểu số.

Là đại diện Việt Nam phát biểu tại Phiên họp của Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc diễn ra tại Thụy Sĩ.

Là 1 trong 30 gương mặt của Forbes Vietnam 30Under30 2016.

Cử nhân luật học Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh (2010).

Chứng chỉ Học viện Tư pháp (2012).

Chuyên về luật quốc tế và quyền con người của người đồng tính, song tính và chuyển giới (LGBT).

Lương Thế Huy, Theo Trí Thức Trẻ

Nguồn Kênh 14: http://kenh14.vn/nhung-cau-hoi-khac-ve-viec-ky-luat-nu-sinh-dai-hoc-luat-do-mang-giao-trinh-photo-vao-truong-2017021622480096.chn