Những câu chuyện ly kỳ về cô gái bên giếng cổ

(PL&XH) - Có từ 600 năm trước, những giếng cổ ở xã Bá Hiến, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc mang trong mình những câu chuyện đầy huyễn hoặc.

Người ta vẫn không thể nào giải thích được những câu chuyện truyền miệng này theo cách khoa học, xong giếng cổ vẫn còn đó và chưa khi nào cạn nước.

“Giếng Thạch Sanh”

Vào thời phong kiến, vùng này thuộc tổng Bá Hạ, dân cư ở đây được phân bố theo 7 làng tiếp giáp nhau, người ta gọi là 7 làng Kẻ Bả. Vào thời hậu Lê, một trận hỏa tai đã diễn ra ở đây. Sau Cách mạng Tháng Tám, làng Bá Hạ đổi tên thành Bá Hiến. Đây là một ngôi làng Việt cổ.

Người làng chủ yếu mang họ Dương, người ta truyền tai nhau rằng những chiếc giếng này đã có từ thời vua Hồng Đức. Trong đó, giếng đá cổ nhất ở đây là giếng chùa Giao San, làng Thích Chung và giếng làng Bá Hương được khai đào năm Hồng Đức 1490 (Hồng Đức nhị thập thất niên) còn khá nguyên vẹn từ tang giếng đến lòng giếng.

Giếng chùa Giao San khắc dòng chữ “Hồng Đức nhị thập thất niên Canh Tuất thập nguyệt thập ngũ nhật” (tức ngày 15 tháng 10 năm Canh Tuất niên hiệu Hồng Đức năm thứ 21). Trên các tấm đá tang giếng còn có nhiều vết lồi lõm mà một số chuyên gia cho rằng đó là những vết tích của việc mài dao, kiếm để giữ làng từ nhiều đời trước. Giếng Bá Hương tang giếng ở phía đông bắc khắc dòng chữ “Hồng Đức nhị thập thất niên Canh Tuất thập nguyệt tam thập nhật” khởi tạo (tức ngày 30 tháng 10 năm Canh Tuất, niên hiệu Hồng Đức năm thứ 21). Còn giếng nhà ông Nguyễn Viết Bồng (Bá Hương) “Bính Ngọ niên nhị nguyệt” (tháng 2 năm Bính Ngọ).

Giếng cổ ở Bá Hiến từ xưa đến nay chưa bao giờ cạn nước. “Những năm trước hạn hán, khi cả làng không một giếng nào còn nước để dùng thì những chiếc giếng này vẫn duy trì ổn định ở 2 mét nước. Thậm chí, dân làng múc kiệt nước thì sáng hôm sau nước vẫn ở ngưỡng 2 mét. Nước ở đây trong veo và mát lạnh” - anh Nguyễn Viết Dũng, ở thôn Bá Hương kể lại.

Sự tinh khiết của nước giếng này quả thực làm cho mọi người phải tò mò và đặt ra câu hỏi: Tại sao giếng quanh năm nước đầy ắp từ 3,5 đến 4 mét nước. Có người kể, trước kia cứ đi làm đồng về chỉ cần uống một cốc nước giếng trong mát thì người cảm thấy như vừa uống nước khoáng xong. Giờ dân cư đông đúc, mỗi gia đình lại đào giếng khơi, nước máy nên giếng cổ ít dùng hơn. Tuy nhiên, về giá trị văn hóa, các giếng cổ này vẫn là biểu tượng quen thuộc của người dân xã Bá Hiến. “Trước kia có ông khách Hà Nội lên “gạ” mua phiến đá ở tang giếng, nhưng dân chúng tôi không đồng ý. Vì nó đã quen thuộc với chúng tôi từ thủa lọt lòng” – bà Dương Thị Hồng thôn Thích Trung, tâm sự. Chẳng biết, mạch nước ở những giếng cổ lớn như thế nào, bao nhiêu mạch ngầm, nhưng với sự dồi dào và không bao giờ “khát” của giếng thì quả là đặc biệt.

Ông Bồng thoát chết trong cái giếng này khi lên 4 tuổi. Ảnh: TL

Bí ẩn từ những câu chuyện ly kỳ

Ông Nguyễn Viết Bồng cho biết, gia đình ông sở hữu chiếc giếng đã từ 3 đời nay. Giếng quanh năm đầy nước và không biết cạn là gì. Nhưng khi chúng tôi hỏi về những tích chuyện liên quan đến những chiếc giếng của làng, thì ông ngập ngừng tiết lộ: “Nhiều lắm nhưng kể các chú không tin đâu”. “Nó có gì kỳ bí không bác” – chúng tôi hỏi. “Chuyện thật như bịa” – ông Bồng nhấn nhá giọng. Ông Bồng bảo, năm 1951, khi đó ông lên 4 tuổi, ông ra khu vực gần giếng, chẳng hiểu thế nào, ông trượt chân ngã xuống giếng và ngâm mình dưới đó suốt 2 tiếng đồng hồ. “Khi ngã xuống, tưởng sẽ chết, nhưng kỳ lạ, đầu mình tự nhiên lại gối lên một phiến đá như một chiếc gối đầu. May có người phụ nữ đi qua nhìn thấy nên tôi thoát chết” – ông Bồng nhớ lại.

Sau đó, gia đình ông đã dựng miếu thờ gần giếng này. Vài năm trước, em trai ông Bồng phá bỏ miếu tại giếng này, hai ba hôm sau ông gặp mộng liên tục. Một hôm ông đang ngủ cứ thấy có người gọi tên ngoài cổng. Khi ông ra cổng hỏi thì không thấy ai đáp. Có hôm lại nằm mộng nhìn thấy một người con gái xinh đẹp, mặc quần áo trắng với khuôn mặt buồn quay đi với những bước chân lững thững. “Thấy đây là điềm báo nên tôi phải dựng lại miếu thờ này trước cửa nhà” – ông Bồng chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Thúy thôn Bá Hương cho biết: “Nói thì bảo là duy tâm nhưng cách đây khoảng 20 năm, khi đó tôi phát hiện ở khu vực giếng có một đốm sáng loáng từ đáy giếng phát ra. Nhưng khi ra tới nơi thì vệt sáng đó tắt lịm không còn một dấu tích gì. Tôi có kể câu chuyện này với các cụ trong làng thì mọi người cho rằng đó chỉ là ảo giác. Nhưng ở đây mọi người lại rộ lên tin: Rất nhiều người nhìn thấy một người phụ nữ mặc quần áo trắng đi từ giếng ra. Nhiều người còn khẳng định, đã tận mắt chứng kiến người phụ nữ lạ kỳ đó. Chuyện này không phải một mình tôi nhìn thấy đâu mà nhiều người cũng chứng kiến”.

Qua tìm hiểu, chúng tôi còn được biết. Trước kia khu này là một khu đất hoang, cây cối nhiều, việc đi lại khó khăn. Dần dần dân cư mở rộng, các khu giếng thuộc đất của các hộ dân trong làng. Có điều lạ là, những chiếc giếng này cứ san lấp đổ đất hôm nay mai bị sụt lún. Tưởng đó là hiện tượng tự nhiên, nhưng ngày hôm sau lại san lấp mặt bằng vẫn không xuể.

Một số cụ cao niên trong làng cho biết, những năm trước có câu chuyện truyền tai nhau về những vong hồn lượn lờ vào cuối trăng thượng tuần, xung quanh những chiếc giếng cổ. Câu chuyện này, các gia đình còn dùng để nạt nộ những đứa trẻ khóc đêm và không nghe lời.

Câu chuyện về giếng cổ hơn 600 tuổi vẫn còn nhiều bí ẩn chưa lý giải. Các vị cao niên trong làng thì cho rằng đó là của một vị thần về giữ của cho làng. Và cho tới nay, vẫn không ai dám khẳng định đó là chuyện thật, trừ những người nói mình tận mắt chứng kiến. Còn người dân Bá Hiến vẫn cho đó là truyền thuyết tâm linh của các cụ để lại bao đời nay.

Bà Dương Thị Lan –Chủ tịch UBND xã Bá Hiến cho biết: “Những câu chuyện ly kỳ chỉ là do nhân dân truyền miệng, chưa ai dám khẳng định thực hư như thế nào. Nhưng những giá trị về mặt văn hóa của giếng cổ ở xã Bá Hiến là có thật, cần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của nó…”.

Đức Hạnh

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/20131112092632222p1001c1049/nhung-cau-chuyen-ly-ky-ve-co-gai-ben-gieng-co.htm